Việt Nam cần làm gì để tránh tụt hậu?

TP - Chuyên gia trong và ngoài nước phát đi thông điệp, các thể chế hiện tại đã bộc lộ những nhược điểm. Nếu những thể chế đó không được xử lý quyết đoán, kịp thời, Việt Nam có thể tụt hậu.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái

Nếu cứ chi tiêu ngân sách “quá sức” sẽ khủng hoảng

Dự kiến, sáng 23/2, Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ sẽ được công bố. Báo cáo do Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, với sự tham gia của hàng chục chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội kinh tế Việt Nam), thành viên Tổ Biên tập Báo cáo cho biết, thành tựu đổi mới 30 năm qua đạt kết quả lớn, nhưng đang mất dần động lực phát triển, đòi hỏi những chuyển đổi, cải cách mới.

Điển hình như câu chuyện tăng năng suất lao động. Thập kỷ 1990, khi Việt Nam chuyển đổi kinh tế theo hướng thị trường, đã giúp tăng năng suất lao động đáng kể. Tuy nhiên, cuối những năm 1990 tới nay, những thành quả trong năng suất cạn dần khi những hạn chế cơ bản về chính sách và thể chế bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, lợi ích của một số người có quan hệ (không phải kinh doanh hiệu quả) đang lấn át và quyết định hoạt động kinh doanh. Các quan chức đã không quan tâm đúng mức đến hiệu quả kinh tế khi trao vô số những ưu đãi (ngấm ngầm hoặc công khai) cho những DN có quan hệ. Điều này dẫn tới sự hình thành một tầng lớp doanh nhân hoặc nằm trong nhà nước hoặc có quan hệ chặt chẽ với quan chức nhà nước. Vì vậy, DNNN tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Mặt khác, việc phát triển và tự do hóa các thị trường lại diễn ra tùy tiện, thể hiện rõ nhất trong phân bổ đất đai và vốn kém hiệu quả. Việc phân bổ các nguồn lực này có thể bị tác động bởi các quyết định hành chính tùy tiện và quan hệ cá nhân, do đó gây ra những tổn thất kinh tế lớn. Các DN có xu hướng quay sang sử dụng các quan hệ cá nhân, thể chế phi chính thức (có khi phi pháp), để thâm nhập thị trường, phát triển và tìm kiếm lợi nhuận. Hệ quả, nhiều DN tư nhân khó có thể tồn tại, kể cả những DN hoạt động hiệu quả.

Vì vậy, theo ông Thái, Báo cáo đặt ra những yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển, thể chế, nâng cao năng suất lao động qua thể chế hiện đại, phát triển mạnh khu vực tư nhân (những đột phá)... “Nếu ta chỉ ước vọng mà không chuyển đổi thực chất sẽ chỉ là ảo tưởng. Nhưng chuyển đổi có điều kiện thì hoàn toàn có thể vươn tới thịnh vượng”, ông Thái nói. Tuy vậy, nếu cứ chi tiêu ngân sách “quá sức” nền kinh tế như hiện nay, một cuộc khủng hoảng mới sẽ đe dọa Việt Nam chứ chưa nói tới khát vọng tương lai.

Báo cáo Việt Nam 2035 cũng đi vào phân tích chi tiết các thách thức Việt Nam đang gặp phải, như năng suất lao động thấp; doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp “thân hữu” chiếm tỷ trọng lớn “chèn ép” lên khu vực tư nhân; các yếu tố kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ (đặc biệt với quyền tài sản, đất đai và cơ chế xin – cho…); thị trường vốn còn nhiều hạn chế; vấn đề môi trường… Cùng với đó, theo ông Thái, có 3 yếu tố thách thức hiện nay cần phải cải cách, gồm: Tình trạng tham gia quá nhiều của nhà nước vào hoạt động kinh tế, quyền lực nhà nước bị cát cứ, manh mún; thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu trong bộ máy chính quyền; và hạn chế về trọng lượng tiếng nói của dân chúng cũng như sự tham gia rất hạn chế của người dân trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Theo ông Thái, Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường mang tính quyết định. Những quyết sách thời điểm này có ý nghĩa quan trọng để đạt được khát vọng thịnh vượng.

Khuyến khích khu vực tư nhân

GS Nguyễn Quang Thái cho rằng, hiện đại hóa thể chế của Việt Nam đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ nhà nước, mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội. Đồng thời, nỗ lực nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước cần thực hiện đồng bộ. Cùng với xây dựng một nhà nước được tổ chức hợp lý, với bộ máy chức nghiệp, thực tài, cần áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế và nâng cao trách nhiệm giải trình của nhà nước. Với điều kiện chuyển đổi như vậy, năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng 4-7% (hay GDP tăng 5-8%) trong 20 năm tới. GDP bình quân đầu người vào năm 2035 của Việt Nam có thể đạt trên 22.000 USD (vượt mức của Maylaysia hiện nay, hay Hàn Quốc những năm 2000. Đưa nửa số dân Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu).

Đặc biệt, khu vực tư nhân có thể đóng góp đến 80% GDP, đây sẽ là sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây, khi tỷ trọng khu vực công (doanh nghiệp nhà nước) luôn chiếm trên 30% GDP. Để làm được, cần những nỗ lực có ý nghĩa nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả cổ phần hoá nhiều hơn) để khuyến khích khu vực tư nhân phát triển.

Theo ông Thái, Báo cáo Việt Nam 2035 là những kiến nghị tâm huyết xây dựng đất nước, hy vọng sẽ được các cơ quan, lãnh đạo nhà nước xem xét để ứng dụng, đưa Việt Nam vươn lên.

Báo cáo Việt Nam 2035, gồm 10 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển và 6 chuyển đổi lớn. Đồng thời, phác thảo các chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước thu nhập trung bình thấp, nhằm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2035.