Việt Nam cần hỗ trợ khẩn cấp 48,5 triệu USD do hạn mặn

TPO - Chiều 26/4, Chính phủ Việt Nam, Liên Hợp Quốc và các đối tác kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 48,5 triệu USD để ứng phó với tình hình hạn hán, xâm mặn tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát - Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, trong số 48,5 triệu USD, cần huy động quốc tế khoảng 41,5 triệu USD.

Trong đó, hỗ trợ an ninh lương thực khoảng 16,4 triệu USD, cung cấp nước sạch sinh hoạt 14 triệu USD; dinh dưỡng 3,4 triệu USD, phòng chống dịch bệnh 6,4 triệu USD và phục hồi sinh kế 1,2 triệu USD.

Nguồn hỗ trợ này sẽ do Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai – Bộ NN&PTNT phối hợp với cơ quan Liên Hợp Quốc điều phối, hỗ trợ các địa phương.

Ông Phát cho biết, tại hội nghị kêu gọi quốc tế hỗ trợ chiều 26/4, các nhà tài trợ đã hỗ trợ trên 7,3 triệu USD, trong đó các cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ 4 triệu USD; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng xem xét hỗ trợ 3 triệu USD.

Cùng đó, các nước như Mỹ, New ZeaLand, Hộ chữ thập đỏ quốc tế…đã có một số hỗ trợ ban đầu; Úc, Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Nhật… cũng thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ, điều chỉnh các khoản và đẩy nhanh giải ngân để hỗ trợ Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài.

Theo ông Phát, các thông tin tài trợ này sẽ chuyển đến Geneva (Thụy Sỹ) – nơi Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức kêu gọi toàn cầu hỗ trợ các nước ảnh hưởng nặng do El Nino, trong đó có Việt Nam và hy vọng các nhà tài trợ quốc tế xem xét hỗ trợ thêm.

Ngoài ra, ông Phát cho biết thêm, Trung Quốc vừa thông báo tăng xả nước ở thượng nguồn sông Mekong trở lạị, thời gian từ 21/4 đến 31/5, lưu lượng 1.500 m3/s.

Theo ông Phát, dù lưu lượng xả thấp hơn đợt trước đó, nhưng sẽ góp phần hạn chế xâm mặn ở một số khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến khoảng 18-20 ngày, nước từ thượng nguồn sẽ về Việt Nam.

2 triệu người thiếu nước sinh hoạt

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, hiện tượng El Nino, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu người tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong tháng 3/2016, Việt Nam và Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đã đánh giá nhanh, ước tính trong 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất có khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực.

Hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người đã bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ngày càng gia tăng.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán và suy giảm mực nước ngầm đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ 90 năm qua. Hơn 400.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, mất năng suất, và gần 26.000 ha đất trồng hiện nay đang phải bỏ trống không thể sử dụng.

Ngay từ cuối năm 2015, Chính phủ đã cung cấp trên 5.200 tấn lương thực cứu trợ cho ba khu vực bị hạn hán và đã phân bổ 1.008 tỉ đồng (khoảng 45 triệu USD) thực hiện các nỗ lực cứu trợ hạn hán ở cấp quốc gia.

Đến nay, hơn 2 triệu m3 nước đã được cung cấp bằng xe tải cho các vùng hạn mặn, và 630.000 liều Chloramine B và 400.000 viên Aquatabs cũng đã được cung cấp cho các hộ gia đình đang không có nước sạch để sinh hoạt.