Việt-Mỹ không tránh những vấn đề khó

TP - Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ngày 7/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhất trí nhiều quan điểm thúc đẩy hợp tác song phương, đồng thời khẳng định, hai bên không tránh, mà sẵn sàng thảo luận những vấn đề khó khăn như nhân quyền…  
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 7/8/2015. Ảnh: Như Ý

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hai bên đã trao đổi các biện pháp làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Đặc biệt là làm sao để Mỹ trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam, giải quyết hậu quả chiến tranh, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 Phó Thủ tướng đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam để tăng cường xây dựng lòng tin giữa hai nước, tích cực triển khai các dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa sau khi hoàn thành việc tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng, đồng thời tăng trợ giúp Việt Nam chống biến đổi khí hậu.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực, trong đó có kết quả các hội nghị ASEAN mới đây tại Malaysia. Ngoại trưởng Kerry bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp để tăng cường đoàn kết ASEAN. Về vấn đề biển Đông, hai bên cho rằng, các bên liên quan cần thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình…

Về vấn đề nhân quyền, Ngoại trưởng Kerry nói rằng, phía Mỹ nhìn thấy tiến bộ của Việt Nam như việc phê chuẩn công ước quốc tế về chống tra tấn, đưa ra bộ luật mới, cải cách tư pháp… nhằm nâng cao quyền con người. “Chúng ta phải nhớ rằng, việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ đã trở thành hiện thực vì hai bên không tránh những vấn đề khó khăn mà sẵn sàng thảo luận”, ông Kerry nói.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định đây là lĩnh vực Việt Nam hết sức coi trọng và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp để thúc đẩy quyền con người. Việt Nam sẵn sàng đối thoại về vấn đề nhân quyền với các nước, trong đó có Mỹ. “Điều đó nói lên Việt Nam sẵn sàng trao đổi những vấn đề còn khác biệt về vấn đề nhân quyền để chia sẻ kinh nghiệm và làm tốt hơn những chính sách về quyền con người”, Phó Thủ tướng nói.

Có những ngọn đồi rất cao cần trèo qua

Phát biểu tại hội nghị Thúc đẩy Thịnh vượng: Hợp tác phát triển Việt Nam - Hoa Kỳ do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tổ chức sáng qua tại Hà Nội, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng, Việt Nam và Mỹ đã chứng minh cựu thù có thể trở thành đối tác, kể cả trong một thế giới phức tạp mà hai bên đang đối mặt. Ông Kerry mượn câu chuyện Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius leo đỉnh Fansipan trong mùa xuân vừa qua để nói về quan hệ hai nước. 

Hành trình đó rất khó khăn vì trời nhiều mây, có mưa và họ suýt lạc đường. Nhưng cuối cùng, họ vẫn chinh phục được đỉnh núi cao nhất Việt Nam. “Với chúng ta cũng như vậy, có những ngọn đồi rất cao cần phải trèo và có những quyết định khó khăn chúng ta cần làm. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, nếu cố gắng, chúng ta có thể làm được với ước vọng chung”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Ông Kerry cũng kể lại những kỷ niệm cá nhân khó quên của ông và nhiều quan chức khác của Mỹ đối với Việt Nam trong quá trình hai nước xích lại gần nhau.

 Ông cho rằng, quá trình hai bên nỗ lực tìm câu trả lời về số phận những quân nhân mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam, và sau này cả ở Lào và Campuchia, cũng như quá trình xử lý ô nhiễm dioxin, rà phá bom mìn chưa nổ giúp xóa bỏ nghi ngờ, xây dựng lòng tin cho quan hệ hai nước.

 Ngoại trưởng Kerry nói bản thân ông không thể quên những người Việt đã “đào cả ruộng của họ lên và cho chúng tôi vào nhà họ để tìm kiếm (hài cốt lính Mỹ)”…

Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ngoại trưởng John Kerry. 

Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh, Việt Nam và Mỹ cùng chia sẻ quan điểm về tự do lưu thông, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông. Ông Kerry khẳng định, luật quốc tế không thừa nhận quyền ảnh hưởng của nước lớn, áp đặt ý chí lên nước nhỏ; quân đội Mỹ sẽ ngăn cản những hành động khiêu khích và quân sự hóa ở biển Đông.