2 sự kiện ấn tượng
Tiền Phong Online, mà đến nay mọi người vẫn gọi bằng cái tên tắt đầy yêu thương Tê Pê Ô, ra đời không phải là trong top những tờ báo điện tử đầu tiên của đất nước, nhưng cũng thuộc top đầu của làn sóng báo điện tử ở Việt Nam. Chào đời ngày 9/1/2005, Tiền Phong Online bắt đầu những công đoạn đầu tiên của việc ứng dụng công nghệ thông tin qua các khâu: nhập text, in can, bình bản tại Tòa soạn. Trước đó một năm, kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Việt Hùng có mặt tại tòa soạn để gây dựng và sau đó làm Trưởng phòng Kỹ thuật.
Giữa thời buổi đa số người dân và làng báo còn “I tờ” về công nghệ thông tin mà có một gương mặt sáng giá với bằng cấp Ai ti (IT) chuyên nghiệp hẳn là ấn tượng lắm đối với mọi người trong tòa soạn. Thử thách đầu tiên và cũng là đóng góp đầu tiên rất lớn của Việt Hùng với báo là xây dựng thành công Phòng Kỹ thuật của báo Tiền Phong.
Thời gian trôi, công nghệ thông tin dần được ứng dụng vào công việc làm báo Tiền Phong luôn luôn có dấu ấn của Việt Hùng. Nhưng ấn tượng lớn nhất đối với tôi và không chỉ thế, dám nói là với cả giới công nghệ thông tin thời đó, là Tiền Phong và VASC đã tổ chức hẳn một đại hội hacker mũ trắng.
Trong cái buổi ban sơ tại Việt Nam của máy tính cá nhân, máy tính xách tay, Internet, tường lửa (firewall)… mà tổ chức được một “đại hội quần hùng” gồm cả hacker trong và ngoài nước như thế quả là khó khăn lắm, dũng cảm lắm. Nhất là với danh xưng hacker mà cho đến nay nhiều người vẫn ác cảm và e dè. Đại hội có công tham mưu đắc lực của Việt Hùng với Ban Biên tập.
Đó là 2 sự kiện có dấu ấn đậm nét về Việt Hùng tôi không thể nào quên được.
Dấu ấn ban đầu
Năm 2004, Tiền Phong quyết tâm cho ra đời báo điện tử. Tôi là Phó Tổng biên tập mới được bổ nhiệm và Việt Hùng cũng được điều động sang làm Trưởng ban Tiền Phong điện tử. Từ đó, hai anh em sát cánh bên nhau để gây dựng một tờ báo mới, mà như quyết tâm của Ban Biên tập “phải là tờ báo của tương lai”. Với kinh nghiệm và mối quan hệ của một kỹ sư công nghệ thông tin, Hùng đã đóng góp rất nhiều trong những lần “vượt cạn”.
Đầu tiên là những ngày hai anh em đến cơ quan là châu đầu vào mạng, lựa chọn giao diện của các tờ báo điện tử nước ngoài để phân tích điểm yếu, điểm mạnh, học lỏm từng chi tiết; là tranh cãi với nhau để xây dựng nên quy trình làm báo Tiền Phong điện tử chuẩn chỉ, hiện đại, phù hợp. Từ những lần trao đổi, tranh cãi ấy mà có được giao diện ban đầu và Hệ thống quản trị nội dung (CMS) của riêng TPO.
Nhưng rồi, gần đến ngày ra mắt tờ báo mới, công ty đối tác gặp sự cố. Phải gấp rút tìm ngay đối tác mới. Việt Hùng đã cứu nguy một bàn thua trông thấy ở phút 89. Đối tác mới - Công ty Bạch Minh của Vương Quang Khải (nay là Phó Tổng Giám đốc VNG) - do Việt Hùng tìm về đã đáp ứng được các điều kiện và TPO bắt đầu chạy thử vào dịp 51 năm kỷ niệm báo Tiền Phong xuất bản số báo đầu tiên (16/11/2004) và chính thức ra mắt bạn đọc vào đúng 50 năm ngày Học sinh sinh viên Việt Nam (9/1/2005).
TPO ra đời đã khó, nhưng tạo ngay được dấu ấn ban đầu với cách xây dựng đội ngũ mới, nội dung khác biệt còn khó hơn. Lứa F1 nòng cốt khi đó toàn là những bạn trẻ yêu nghề, đầy tiềm năng nhưng chỉ vẻn vẹn có 8 người: Lan Anh, Hữu Quang, Xuân Cường, Phạm Tuyên, Hiếu Thảo, Ngọc Linh, Thu Trang. Mình nói với Hùng: Phải biến TPO thành một sân chơi cho một lớp trẻ mong muốn thể hiện mình qua việc làm báo.
Thế là không lâu sau đó, tầng 3 của tòa nhà Tiền Phong ăm ắp nụ cười của những “Sao Mai”. Cao thủ “quần anh hội hacker” Phùng Anh Tuấn (nay là chủ của chuỗi dịch vụ cầm đồ F88) làm phần nội dung công nghệ thông tin và chịu trách nhiệm an ninh mạng; Trưởng nhóm nhảy Halley Crew nổi danh một thời Phạm Minh Hoàng làm việc xử lý ảnh; cậu sinh viên tài chính yêu thể thao Tuấn Đức đảm nhiệm cả chuyên mục thể thao.
Không chỉ có thế, hai anh em còn cùng nhau chiêu mộ những sinh viên báo chí yêu nghề: Káp Thành Long, Phan Kiền, Mai Cầm Thi…; hay cô gái vừa tốt nghiệp bằng đỏ báo chí từ Nga về là Mai Hoa, phóng viên trẻ của TTXVN với những bài dịch gay cấn. Và cả những bạn sinh viên thực tập đến rồi ở lại đây như Diệp Sa…
Rất mau chóng, dù chỉ có chút nhuận bút “còm” nhưng họ đã trở thành trụ cột của các Câu lạc bộ Điện ảnh, Ô tô - Xe máy, Công nghệ… tạo nên nét riêng có của TPO thuở đó. Và quan trọng hơn, tại TPO trong cuộc đời mình, họ đã có những kỷ niệm không bao giờ quên với tình người, tình nghề và cả với riêng “anh Việt Hùng”.
Việt Hùng ơi!
Việt Hùng ra đi đột ngột quá, tại một nơi công tác mới, một vị trí công tác khác và ở một nơi khác rất xa Hà Nội. Nhưng ngay sau khi Việt Hùng mất, những tin nhắn nghẹn ngào được chia sẻ với nhau và trên nhóm TPO xưa và nay. Những kỷ niệm, những tình cảm sâu đậm đã được mọi người viết lên các trang Facebook cá nhân…
Khi biết mình đang viết những dòng này, cô họa sĩ Thu Trang nhắn lên nhóm: “Em đang ngồi ở vị trí ngày nào anh Việt Hùng ngồi đây. Nhớ quá!”. Và thế là biết bao nhiêu những kỷ niệm về “anh Việt Hùng” ào ạt tràn về.
…Chúng em vẫn nhớ anh Việt Hùng với cái mũ bê rê và chiếc áo da, với nụ cười hiền lành lấp lóa sau cặp kính trắng; với những lần không tranh luận thì thôi - kể cả với lãnh đạo - chứ đã “cãi” là hết mình để tìm được câu trả lời đúng nhất, để bảo vệ chính kiến; hoặc rất nhiều lần và với rất nhiều người là nụ cười, cái vỗ vai và câu nói: “Cái chú này…”.
Trưởng ban TPO Hữu Quang kế nhiệm Hùng còn nhớ cả cái dấu hai chấm trên bản thảo và cái tin nhắn về giao lưu trực tuyến của “anh Việt Hùng” lúc 20:06 ngày 22/12/2017.
Kỷ niệm thì còn nhiều, nhiều lắm… Cũng như nỗi nhớ Hùng thì diết da, sâu nặng lắm…
Việt Hùng ra đi ở cái tuổi đã chín về kinh nghiệm làm báo, tràn đầy những mong muốn được thực hiện ước mơ. Nhưng, Tạo hóa thật trớ trêu! Lan Anh thốt lên: “Vâng, cuộc sống thật vô thường. Ai có dự định gì thì phải khẩn trương triển khai đi không thì lại quá muộn”.
Không muộn đâu, Việt Hùng ạ! Điều quan trọng nhất là Việt Hùng đã sống và đã để lại cho bạn bè, đồng nghiệp những tình cảm thật tốt đẹp. Mình nghĩ: “Thế là đủ, Việt Hùng ạ!”. P..Đ
Câu nói khiến em nhớ nhất về anh ấy là: “Làm báo, viết gì cũng phải có tầm”. Hồi đó tụi nhỏ lứa em hay trêu nhau lắm: “Hôm nay có đề tài mới chưa, có tầm không?”. Giờ nhớ lại không còn thấy đó là chuyện tếu nữa. Đó thật sự là bài học đầu đời đi cùng em mãi. Sau này mấy năm làm phóng viên, nghĩ đề tài nào, triển khai bài viết, phóng sự nào em cũng nghĩ viết sao cho đọng lại cái gì. Diệp Sa
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, nguyên Phó Tổng Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng ban Khoa giáo - báo Tiền Phong từ trần chiều 5/8, khi đang tham gia đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tại Bắc Kạn.
Ngày 6/8, Bộ GD&ĐT thông báo tin buồn về ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Việt Hùng sinh ngày 6/2/1969, tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, do đột quỵ đã từ trần vào hồi 14 giờ 30 ngày 5/8, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, khi đang tham gia đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại tỉnh Bắc Kạn.
Trước khi chuyển sang công tác tại Bộ GD&ĐT, được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng, phụ trách lĩnh vực truyền thông của Bộ GD&ĐT từ tháng 7/2019, ông Nguyễn Việt Hùng đã có 24 năm công tác ở báo Tiền Phong. Ông từng kinh qua các chức vụ: Trưởng phòng Kỹ thuật, Trưởng ban Tiền Phong điện tử, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng ban Khoa giáo – báo Tiền Phong.