Vi sinh vật gây bệnh vẫn “bâu” nhiều trên miếng thịt

TPO - Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật vượt mức giới hạn cho phép dù có giảm, nhưng vẫn ở mức cao, với 27,5%.
Tỷ lệ mẫu thịt nhiễm vi sinh vật vẫn rất cao do khâu giết mổ, bảo quản không đảm bảo

Ngày 6/9, Nafiqad cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, liên tục không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 3.588 mẫu nước tiểu, 707 mẫu thịt được lấy tại các cơ sở giết mổ. Tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép cũng có chiều hướng giảm, với 0,65% (12/1.847 mẫu), so với năm ngoái là 1,07% (30/2.788 mẫu).

 Trên các mặt hàng rau quả, cơ quan chuyên môn đã lấy 341 mẫu thanh long, xoài, vải, trong đó phát hiện 1/218 mẫu vải (chiếm 0,46%) có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (Cypermethrin) vượt mức qui định tối đa cho phép; không phát hiện mẫu thanh long, xoài nào có dư lượng vượt mức tối đa cho phép.

Tuy nhiên, trong kết quả giám sát nói trên của Bộ NN&PTNT, tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vượt mức giới hạn cho phép vẫn ở mức cao là 27,5% (1.571/5.707 mẫu vi phạm), dù có giảm so với năm 2016 là 28,4%.

Thực tế, vấn đề thịt nhiễm các loại vi sinh vật với tỷ lệ cao đã được cảnh báo lâu nay. Theo một báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu năm 2017, tỷ lệ mẫu thịt lợn lấy tại Hà Nội và TP HCM có tới 30-40% nhiễm khuẩn salmonella (gây tiêu chảy) do lò mổ cùng hệ thống bảo quản thiếu chất lượng. Một con số đáng ngại khác là 80% thịt lợn bày bán ở những khu chợ bán đồ tươi sống và 76% được giết mổ tại các cơ sở nhỏ, mất vệ sinh. 

Tuy nhiên, trả lời PV Tiền Phong lúc đó, lãnh đạo Cục Thú y cho biết, hằng năm, Cục này đều thực hiện chương trình giám sát tồn dư kháng sinh, hóa chất độc hại và vi sinh vật trong trong thịt gia súc, gia cầm tại một số tỉnh, thành phố.  So với số liệu về tỷ lệ nhiễm Salmonella trong mẫu thịt lợn tại cơ sở giết mổ của WB công bố thì có sự chênh lệch nhất định, với tỷ lệ mẫu nhiễm Salmonella thấp hơn số liệu của WB từ 10 - 20 %. 

Theo lãnh đạo Cục Thú y, sở dĩ có sự sai khác như vậy là vì tỷ lệ % mẫu nhiễm khuẩn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Mục đích lấy mẫu, số lượng mẫu lấy, thời gian, thời điểm lấy mẫu, địa điểm lấy mẫu, phương thức giết mổ, điều kiện bảo quản… Mặt khác, số liệu mẫu nhiễm khuẩn do WB công bố hoặc từ các chương trình giám sát của Cục Thú y không phải đại diện cho cả nước mà chỉ mang tính chất cảnh báo ở trong một phạm vi địa lý nhất định - nơi lấy mẫu.

Theo Nafiqad, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp liên ngành với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Hải quan để điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục.