Ngày 9/9, một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông xác nhận, UBND tỉnh vừa chỉ đạo sở nhanh chóng hoàn thiện các lò đốt rác thải y tế đảm bảo xử lý rác thải khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
“Thời gian qua, chúng tôi hợp đồng vận chuyển rác thải y tế qua tỉnh Bình Phước xử lý. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện các lò đốt rác thải y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thành phố để đảm bảo xử lý rác thải triệt để, không tồn đọng gây ô nhiễm môi trường”, vị lãnh đạo này cho hay.
Phóng viên thắc mắc vì sao Đắk Nông đã đầu tư hàng loạt thiết bị xử lý rác thải y tế (gồm máy hấp rác tích hợp cắt trong cùng 1 khoang và máy nghiền rác thải y tế), lại đầu tư thêm công nghệ xử lý rác thải y tế? “Do dịch COVID-19 phát sinh nhiều rác thải y tế, các thiết bị hiện có xử lý không kịp”, vị này cho biết thêm.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban, ngành liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và rác thải phát sinh tăng mạnh.
UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Y tế nhanh chóng hoàn thiện các lò đốt rác thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thành phố để đảm bảo xử lý rác thải triệt để, không tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao Sở Tài chính tham mưu, phân bổ kinh phí phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các dự án, công trình xử lý rác thải y tế, đồng thời hoàn thiện các văn bản, cơ chế chính sách trong hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh…
Hiện nay, phần lớn rác thải y tế được xử lý tập trung tại lò đốt chất thải chuyên dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Việc vận chuyển rác thải phát sinh nhiều chi phí và chưa đảm bảo một số quy định về bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, trước đó, Sở Y tế Đắk Nông đã đầu tư hàng loạt trang thiết bị y tế (Báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh), trong đó có hệ thống máy hấp tích hợp cắt rác trong cùng 1 khoang xử lý; máy nghiền rác (độc lập). Tuy nhiên, một số thiết bị này hoạt động kém hiệu quả do đầu tư công nghệ lỗi thời, lạc hậu.
Cụ thể, theo Kết luận Thanh tra số 247 của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, năm 2017, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (thuộc Sở Y tế) bàn giao 8 thiết bị xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng công nghệ hấp ướt tích hợp cắt nhỏ chất thải trong cùng khoang xử lý (hiệu Celitron, Hungary sản xuất) cho 8 cơ sở y tế công lập.
Máy này có chức năng, chất thải sau khi xử lý được cắt nhỏ, không còn hình dạng ban đầu, không còn mầm bệnh lây nhiễm.
Thế nhưng, công suất của máy này không đáp ứng được nhu cầu khối lượng rác y tế phát sinh. Năm 2019, Sở Y tế Đắk Nông tiếp tục mua sắm thêm 8 máy nghiền cắt rác y tế (hiệu Shredder, Trung Quốc sản xuất) cho 8 cơ sở y tế trên, tổng số tiền đầu tư khoảng 45 tỷ đồng (trong đó hơn 39,3 tỷ đồng từ vốn ODA, còn lại của ngân sách tỉnh). Máy có chức năng hấp ướt, sau đó rác thải y tế được đưa qua máy Shredder để nghiền cắt rác.
Ngoài ra, Sở Y tế Đắk Nông còn mua sắm hàng loạt máy móc nhưng rồi "trùm mền" do không có nhu cầu sử dụng, đội giá...gây lãng phí tiền đầu tư của nhà nước hàng trăm tỷ đồng.