KHÁNH HÒA:

Vì sao nhiều nơi ở Nha Trang ngập nặng?

TPO - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN - PTDS) Khánh Hòa cho biết, tình trạng ngập lụt vùng hạ du, nhất là tại các xã vùng ven TP Nha Trang trong những năm qua ngày càng tăng cả về thời gian lẫn phạm vi ngập.

Phạm vi ngập ngày càng tăng

Những ngày qua, trên địa bàn Khánh Hòa có mưa lớn kéo dài kết hợp các hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái dâng cao, nhiều vùng trũng thấp ở phía Tây TP Nha Trang thuộc các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh và Vĩnh Phương bị ngập lụt vào chiều tối 15/12. Các khu vực khác như xã Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Ngọc, phường Ngọc Hiệp... cũng đều bị ngập nặng, có những đoạn ngập sâu khoảng từ 0.5m - 1m.

Một số khu vực ở phía Tây TP Nha Trang như Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương… ngập nặng sau cơn mưa kéo dài. Ảnh: Bá Duy

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN - PTDS tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Tình trạng ngập lụt vùng hạ du, nhất là tại các xã vùng ven TP Nha Trang trong những năm qua ngày càng tăng cả về thời gian lẫn phạm vi ngập. Đặc biệt, năm nay ghi nhận lũ xuất hiện muộn hơn so với các năm trước.

Nhiều hộ dân tại TP Nha Trang bị nước tràn vào nhà.

Theo ông Quang, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt này như: Tình hình biến đổi khí hậu làm xuất hiện các đợt mưa lớn trên diện rộng gây ra lũ vượt cường độ lẫn tần suất; sông Cái Nha Trang cũng không đảm bảo khả năng thoát nước nên gây ngập, nhất là trong thời gian xuất hiện triều cường như mấy ngày qua.

“Thêm nữa, quá trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nhiều công trình hạ tầng ở vùng hạ du làm thu hẹp dòng chảy; hệ thống tiêu thoát nước trong các khu vực dân cư ven sông Cái chưa được nạo vét, khơi thông thường xuyên cũng là nguyên nhân chính gây ngập lụt kéo dài. Các công trình kè dọc bờ sông chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, rất nhiều đoạn sông có bờ thấp hơn mực nước lũ trên sông Cái, nên về mùa mưa nước sông hay tràn vào từ các vị trí này gây ngập cục bộ”, ông Quang nói thêm.

Cần có giải pháp tổng thể, lâu dài

Theo ông Quang, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do ngập lụt gây ra thì cần phải thực hiện các giải pháp tổng thể, lâu dài. Đó là việc tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; thực hiện nạo vét, gia cố, khơi thông dòng chảy, tăng cường năng lực của hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực nội thị; tổ chức cắm mốc bảo vệ lòng hồ các hồ chứa lớn, mốc bảo vệ hành lang các tuyến sông chính và sông nhánh làm cơ sở quản lý công trình, tuyến thoát lũ đảm bảo an toàn phòng chống lũ.

“Ban Chỉ huy PCTT-TKCN - PTDS sẽ tiếp tục cập nhật và nâng cấp bản đồ ngập lụt cho lưu vực sông lớn trên địa bàn tỉnh theo thời gian thực, xây dựng các mốc cảnh báo lũ tại các vị trí thường xuyên xảy ra ngập lũ trên lưu vực sông và vùng hạ du”, ông Quang cho hay.

Khánh Hòa tổ chức ra quân trồng 10.000 cây đước tại lưu vực sông Tắc (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) hồi tháng 6 năm nay. Ảnh: N.H.

Ông Quang cũng cho biết, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa sẽ triển khai một số giải pháp nâng cấp hệ thống thoát nước và công trình thủy lợi như khơi thông, mở rộng kè bảo vệ các tuyến thoát lũ hạ du như: Tuyến nối thông từ Sông Cái đến đầu sông Quán Trường; tuyến nối từ hạ lưu Sông Tắc (đoạn đường Phong Châu) về hạ lưu sông Quán Trường…

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN - PTDS tỉnh Khánh Hòa, tính đến 17h ngày 16/12, tình hình mưa lớn đã giảm, lượng mưa các nơi trong tỉnh phổ biển dưới 10mm. Mực nước trên sông Cái Nha Trang đang giảm và duy trì ở mức báo động 1. Các hồ chứa nước đạt trung bình 76% dung tích hồ.