Mỹ muốn một cuộc chiến giằng co để làm Nga suy sụp
Kiev tiếp tục mở cuộc tấn công mới ở Donetsk nhằm tạo một cục diện thuận lợi trước khi một thỏa thuận ngừng bắn mới được ký kết. Sự có mặt của ngoại trưởng Mỹ ở Ukraine bên cạnh những hoạt động ngoại giao con thoi của 2 vị nguyên thủ Đức và Pháp cho thấy, Hoa Kỳ đang mong muốn cuộc chiến ở đất nước này sẽ tiếp tục.
Cuộc đàm phán Minsk thất bại đã chôn vùi hy vọng của tất cả những ai lâu nay mong đợi chấm dứt đổ máu ở Donbass. Những động thái của phương Tây và chính phủ Ukraine chứng tỏ ngừng bắn không phải là mục tiêu của họ. Washington đã, đang và sẽ quyết đấu với Moscow đến người Ukraine cuối cùng!
Kiev có khả năng ngừng chiến sự ở Đông Ukraine nếu họ thực hiện những việc cần làm, trước hết là ra sắc lệnh chấm dứt nổ súng, tiếp đến tổ chức cuộc thương lượng với các khu vực bàn về tương lai của đất nước. Nhưng trải qua sáu tháng xung đột, có thể thấy rõ là Kiev không hề nỗ lực làm dịu căng thẳng.
Sự lựa chọn ở đây rất đơn giản: Hoặc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, hoặc ép các đối thủ thay đổi quan điểm sau khi làm lực lượng của họ suy yếu. Nhưng ngay sau mỗi cơ hội tiến tới hòa bình, lập tức xuất hiện vòng xoáy mới của chiến dịch trừng phạt với mưu đồ lợi dụng bom đạn để thỏa mãn những tham vọng chính trị.
Thực tế lúc này Kiev đang triệt để kiến thiết một hệ tư tưởng quốc gia mới, xáo trộn toàn bộ nền tảng văn hóa của nhà nước Ukraine. Tới lượt cộng đồng quốc tế gánh trách nhiệm ngăn chặn đổ máu. Tuy nhiên, những ai đã "đầu tư" 5 tỷ USD để "củng cố nền dân chủ" ở Ukraine (tức là Hoa Kỳ) lại không muốn thấy hòa bình trên đất nước Ukraine.
Hiện nay, chỉ có Washington nắm trong tay những công cụ chính trị và kỹ thuật có sức ảnh hưởng đến nhà cầm quyền Ukraine, có thể "buộc Kiev tiến tới hòa bình." Nhưng vấn đề ở chỗ, việc nội chiến tiếp tục ở Ukraine hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Mỹ về tăng cường quyền bá chủ trên thế giới.
"Hoa Kỳ không hề cần những chiến thắng. Cái mà người Mỹ muốn là sử dụng chiến tranh ủy nhiệm trá hình để gây trở ngại cho đối thủ địa chính trị, hòng kiềm chế sự tập trung tiềm lực, ngăn chặn sự lớn mạnh của đối thủ" - ông George Friedman, một trong những nhà tư tưởng chiến lược nổi bật của Mỹ hiện nay nói.
10 năm qua, Washington thận trọng theo dõi Nga phục hồi kinh tế và thực hiện chính sách đối ngoại ngày càng "quyết đoán", hay đúng hơn là ngày càng độc lập. Các nhà chiến lược của Bộ Ngoại giao Mỹ và giới công nghệ chính trị từ Langley nhận ra một điều là "không thể để Moscow tiếp tục lớn mạnh như vậy".
Họ cho rằng, Nga phải bị vô hiệu hóa khỏi vai trò một trung tâm độc lập trong các quan hệ quốc tế. Để phục vụ mục tiêu này, không có gì hay bằng cuộc chiến trực tiếp trên biên giới Nga, dòng người tị nạn, thảm họa nhân đạo và sự bế tắc kinh tế của một đối tác thương mại quan trọng.
Bằng những thủ đoạn gian xảo và chi phí lớn về tài chính, Hoa Kỳ đã lần lượt đặt những “nhân vật hiếu chiến” vào ghế chỉ huy, bao gồm: Thủ tướng, Tổng thống. Cuộc chiến “nhỏ” cách xa biên giới Mỹ càng kéo dài và đẫm máu, càng có nhiều nguồn lực lớn của Nga bị tan vỡ, khiến Moscow không còn tâm trí quan tâm đến các hoạt động chính trị thế giới.
Phát biểu "nhận lỗi" của vị Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain về việc quân chính phủ sử dụng bom bi ở Donbass là do "Mỹ chưa cung cấp các loại vũ khí khác cho Ukraine nên Kiev buộc phải sử dụng" đã thể hiện đúng bản chất của Washington là muốn cuộc nội chiến ở Ukraine kéo dài càng lâu càng tốt!!!
Các ông Yatsenyuk và Poroshenko không hiểu rằng, Mỹ không hề quan tâm đến tương lai của dân tộc Ukraine sẽ ra sao, không hề thực tâm xây dựng một đất nước Ukraine dân chủ và giàu mạnh thực sự và cũng không hề xót thương cho cái chết của hàng ngàn dân thường nước này.
Cuộc chiến ở Ukraine rất khó sớm chấm dứt. Bởi đã từ lâu, Ukraine và nhà cầm quyền Kiev đã trở thành con tin trong ván cờ toàn cầu khốc liệt, nơi “kiện tướng Washington” sẵn sàng đem thí mạng các “quân tốt Đông Âu” một cách không thương xót, để mưu đồ giành chiến thắng chiến lược trước Moscow.
Nga cần một cái cớ để kết thúc cuộc chiến ở Donbass
Mặc dù Nga luôn phủ nhận việc cung cấp vũ khí, trang bị cho phe ly khai Donbass nhưng trên thực tế chúng ta hiểu rằng, Nga có thể không đưa quân chính quy sang tham chiến nhưng việc tuồn vũ khí sang miền đông Ukraine, qua đường biên giới do phe ly khai kiểm soát thì chắc chắn là có.
Quân ly khai Donbass liên tiếp mở rộng phạm vi tấn công và khu vực kiểm soát thực tế. Diễn biến trên chiến trường đang chứng minh rằng Kiev đang vào thế yếu khi liên tiếp thảm bại trên chiến trường. Trên tất cả các mặt trận, trải dài từ Lugansk tới Donetsk, quân chính phủ không dành nổi một thắng lợi nào, hiện đang bị vây hãm trên tất cả các điểm nóng ở miền Đông.
Tuy nhiên, cứ mỗi khi phe ly khai thắng thế, Mỹ - EU lại ép Kiev ngồi vào bàn đàm phán ngừng bắn để tranh thủ thời gian, củng cố lực lượng, xin thêm viện trợ, tăng cường vũ khí cho những đợt tấn công mới, khiến cuộc chiến giằng dai không có hồi kết.
Điều này đồng nghĩa với việc những sức ép về chính trị, các biện pháp cấm vận cứ ngày càng gia tăng đối với Nga. Người Ukraine cứ tiếp tục chết mỗi ngày, chỉ có điều họ chết không vì tương lai của đất nước Ukraine mà chết cho mục đích làm suy yếu một cường quốc lân bang của Mỹ.
Mỹ không muốn quân đội Ukraine thất bại hoàn toàn trước quân ly khai miền đông nên mới ngầm ngầm để đồng minh cung cấp vũ khí cho Kiev. Nhưng Washington cũng không muốn quân chính phủ Ukraine đè bẹp quân ly khai trên chiến trường ngay lập tức.
Bởi mục đích chính của Mỹ là cuộc chiến này phải kéo dài càng lâu càng tốt, để và phương Tây thoải mái áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga khiến kinh tế Nga sụp sụp. Bởi thế cuộc chiến sẽ cứ tiếp diễn theo chu kỳ đánh - hòa rồi lại tiếp tục đánh, đánh thua thì lại đàm phán.
Quốc gia Đông Âu này là chiến trường ủy nhiệm, là cái cớ trực tiếp để khởi động hàng loạt các hành động theo chủ ý của Mỹ. Sự giằng co ở Ukraine càng kéo dài, một vài tháng, thậm chí là một vài năm, đồng nghĩa với việc các lệnh trừng phạt càng được duy trì.
Moscow sẽ tiếp tục phải rút ruột quỹ dự trữ quốc gia của mình để cứu vãn đồng ruble, viện trợ cho ly khai đánh nhau với Kiev. Cuộc chiến giằng co nếu không đủ sức đánh sập nền kinh tế Nga thì cũng sẽ kéo Nga chậm lại vài năm, thậm chí là hàng chục năm tăng trưởng về kinh tế, dẫn đến suy yếu về ảnh hưởng chính trị.
Không phải ngẫu nhiên mà Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow đã nói thẳng là phương Tây cần phải sẵn sàng cho tình trạng căng thẳng dài lâu với Nga liên quan đến tình hình Ukraine và không nhanh chóng tái bình thường hóa quan hệ như đã từng làm sau cuộc chiến Gruzia năm 2008.
Dĩ nhiên là Nga không muốn điều đó, Moscow muốn cuộc chiến nhanh kết thúc (dĩ nhiên là với phần thắng thuộc về phe ly khai Donbass). Thế nhưng, cứ mỗi khi yếu thế trên chiến trường là quân chính phủ và phương Tây lại kêu gọi đàm phán, mà Nga không thể phản đối điều đó để mang tiếng là phá hoại hòa bình.
Bởi vậy, Moscow cần một cái cớ để quân ly khai đi thẳng một mạch đến chiến thắng mà phương Tây không thể ngăn cản được. Còn điều gì phù hợp hơn là việc Mỹ viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine để Nga có cơ hội cung cấp tăng-thiết giáp, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu cho quân ly khai Donbass?
Bởi vậy, mặc dù các quan chức và chính khách Nga đồng loạt lên tiếng phản đối Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine bởi “đó là mối nguy hại đối với an ninh quốc gia Nga” hay “sẽ làm tăng mức độ khốc liệt của cuộc nội chiến ở Ukraine” nhưng thực lòng họ rất muốn điều đó xảy ra.
Kể cả Mỹ có viện trợ vũ khí, đưa cố vấn quân sự vào Ukraine thì quân đội nước này với khả năng yếu kém của mình cũng không có cửa thắng trước quân ly khai, nhất là trong trường hợp Nga có thể công khai viện trợ các vũ khí hiện đại thay thế xe tăng T-34, máy bay MiG-21, L-29… mà phe ly khai vừa lôi từ bảo tàng ra.
Về phía Washington, họ cũng biết điều đó. Mỹ sẽ viện trợ vũ khí trang bị cho Ukraine nhưng sẽ ngấm ngầm thông qua tay các đồng minh khác, không để Nga có cớ công khai viện trợ vũ khí nặng cho phe ly khai. Ngược lại, Moscow cũng sẽ tăng cường các chuyến hàng “viện trợ nhân đạo” đến miền Đông Ukraine.
Và cuộc nội chiến ở Ukraine sẽ tiếp tục căng thẳng bất chấp 2 bên có đạt được thỏa thuận ngừng bắn như thế nào đi nữa. Nga sẽ chỉ thoát được cục diện bất lợi nếu phe ly khai Donbass giành thắng lợi tuyệt đối trên chiến trường buộc Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán trên thế yếu.
Post by Báo Tiền Phong.