Chiếc UAV đầu tiên được phát hiện bay gần Đại sứ quán Mỹ vào rạng sáng 24.2 và tiếp tục bay hướng đến bảo tàng quân đội Invalides ở thủ đô Paris, theo AFP.
Cảnh sát theo sát UAV này nhưng sau đó mất dấu. Bốn UAV khác được phát hiện tại một số địa điểm khác ở Paris, bao gồm tháp Eiffel, Quảng trường Concorde và Tour Maine-Montparnasse, tòa nhà chọc trời cao nhất thủ đô Paris. Đến rạng sáng 25.2, hàng loạt UAV bí ẩn lại tiếp tục bay lờn vờn ở khắp Paris.
Cảnh sát Pháp vẫn chưa thể xác định ai điều khiển những UAV này với động cơ là gì.
Ông Christophe Naudin, một chuyên gia an ninh hàng không Pháp, cho biết những người điều khiển UAV “đang cố chứng tỏ chính quyền Pháp không có đủ khả năng bảo vệ người dân”, theo tờ Telegraph (Anh).
Hồi tháng 10 và 11.2014, khoảng 20 UAV bí ẩn đã bay quanh các nhà máy điện hạt nhân và hiện vẫn chưa rõ ai điều khiển các UAV này. Các nguồn tin cảnh sát cho AFP biết những người điều khiển UAV trong hai ngày 24 và 25.2 có thể đã điều khiển 20 UAV này.
Ngày 20.1, một UAV bí ẩn bay qua dinh Tổng thống Pháp ở Paris, chỉ một tuần sau những vụ tấn công khủng bố ở Paris, khiến 17 người chết. Vào cuối tháng 1, những UAV nhỏ được phát hiện bay gần một vịnh ở vùng Brittany (Pháp), nơi được bảo vệ nghiêm ngặt vì có bốn tàu ngầm hạt nhân neo đậu.
Cảnh sát Pháp đã không thể nhận diện được người điều khiển UAV và không thể chặn những UAV kể trên.
Ông Naudin cho hay chặn UAV trong khu vực nhiều tòa nhà san sát nhau là điều gần như không thể.
“Cảnh sát không thể bắn hạ một UAV trong thành phố bởi vì đạn lạc có thể trúng vào các tòa nhà hoặc ai đó đang đứng trên ban công”, theo ông Naudin.
Ông Naudin cho biết UAV có thể mang theo camera hồng ngoại chụp ảnh ban đêm, nhưng chuyên gia này cho biết thêm những bức ảnh này không có giá trị gì nhiều đối với những người muốn tiến hành một cuộc do thám để lên kế hoạch tấn công.
“Sẽ không có lợi ích gì khi chụp ảnh hồng ngoại đại sứ quán Mỹ lúc trời tối”, ông Naudin cho hay.
“Mục tiêu của những UAV này có thể chỉ đơn giản muốn chứng tỏ chính quyền không thể phản ứng trước những mối đe dọa từ UAV. Hiện tại UAV không là vấn đề gì nhưng trong vài năm tới công nghệ UAV phát triển sẽ giúp chúng có thể chở theo nhiều thứ khác ngoài camera, chẳng hạn như thuốc nổ hay bom”, theo ông Naudin.
“Truy đuổi một UAV trong một thành phố là hầu như không thể. Chúng ta không thể chạy theo UAV trong một chiếc xe hơi”, theo ông Naudin.
Nếu mục tiêu của những người điều khiển UAV bí ẩn ở Paris thật sự là gây sợ hãi, thì họ đã thành công, ông Naudin nói. Nhưng cư dân mạng Pháp đã bày tỏ bức xúc trước vụ việc này.
“UAV bay khắp bầu trời Paris và vẫn không thể tìm ra người điều khiển. Thật không có gì đảm bảo an toàn”, cư dân mạng tên Roberte Chabault viết trên Twitter.
Một cư dân mạng đặt nghi vấn vì sao cảnh sát Pháp không thể truy ra người điều khiển UAV, trong khi một cư dân mạng khác gọi đây là “chứng rối loạn tâm thần UAV”.
UAV có đủ hình dạng và kích cỡ với nhiều chức năng khác nhau. Nó được dùng với nhiều mục đích khác nhau: do thám (quân đội), làm phim, thể thao, tìm kiếm cứu nạn và nghiên cứu khoa học, theo AFP.
Mới đây, vào ngày 16.2, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã ban hành chỉ thị cấm (UAV) xuất hiện trong không phận thủ đô để đảm bảo an ninh và quyền riêng tư, vài ngày sau khi nhà báo tự do Đức Michael Altenhenne bị bắt giữ vì điều khiển một UAV có trang bị camera bay qua Cung điện Hoàng gia Campuchia.