Vì sao hai Bộ 'bác' đề xuất di dời bến xe ra ngoại thành

TP - Ðể có cơ sở trình HÐND và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến Bộ GTVT, Bộ Xây dựng về quy hoạch bến, bãi đỗ xe Hà Nội. Cho ý kiến về việc này, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đều có quan điểm, cần xem xét lại việc xây bến xe trung hạn và di dời bến xe liên tỉnh ra ngoại thành.
Bộ GTVT cho rằng cần duy trì các bến xe nội đô để bổ trợ cho các bến xe cửa ngõ về sau. Ảnh: A.Trọng

Xóa bến xe khách trong nội đô

Theo văn bản do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký gửi lãnh đạo Bộ GTVT, Xây dựng, để cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thời gian qua thành phố đã giao các sở ngành tổ chức lập đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn đến năm 2030 tầm nhìn 2050. “Đến nay đồ án đã cơ bản hoàn chỉnh, để làm cơ sở báo cáo HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ GTVT nghiên cứu, cho ý kiến thống nhất”, ông Chung nêu rõ trong văn bản.

Cùng với văn bản trên, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng gửi kèm đồ án Quy hoạch và phụ lục. Theo đó, với mạng lưới bến xe khách liên tỉnh, đồ án nêu: Các bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm, với bến Giáp Bát, Gia Lâm dự kiến sau năm 2020 sẽ di chuyển ra ngoại thành; bến Mỹ Đình, Nước Ngầm sẽ di chuyển sau năm 2025. Sau khi di chuyển, các bến xe này sẽ trở thành các trung tâm đầu mối, trung chuyển phục vụ vận tải hành khách công cộng.

Để tiếp nhận các lượt tuyến xe khách trong nội thành được di dời, đồ án đưa ra chỉ tiêu, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 7 bến xe ở ngoại thành, vị trí nằm tại các cửa ngõ thuộc đường vành đai 4 (bến xe khách phía Bắc (Nội Bài); bến xe khách Đông Anh; bến xe khách Đông Bắc (Cổ Bi); bến xe khách phía Nam (Ngọc Hồi); bến xe khách Yên Nghĩa (Hà Đông); bến xe khách phía Tây (đại lộ Thăng Long - Vành đai 4); bến xe khách phía Tây Bắc Phùng).

Ngoài ra, đồ án quy hoạch cũng xác định, Hà Nội sẽ xây thêm bến xe khách Yên Sở với vai trò là bến xe trung hạn làm nhiệm vụ tiếp nhận các lượt tuyến xe khách khi các bến xe khách liên tỉnh Giáp Bát, Gia Lâm “đóng cửa” vào năm 2020. Thông tin về bến xe này, đồ án quy hoạch nêu: “Bến xe Yên Sở được xây dựng tại vị trí tiếp giáp vành đai 3, phường Yên Sở (Hoàng Mai) với diện tích 3,2 ha. Bến xe được xây dựng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến quy hoạch mới”.

Không nên đưa hết bến xe ra ngoại thành?

Cho ý kiến về các nội dung trên, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, cho biết rõ quan điểm. Cụ thể, văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký cho hay: Quan điểm quy hoạch của Bộ GTVT là không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4, thay vào đó cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm. Cần học hỏi kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… đang thực hiện việc này. “Song song với quy hoạch các bến xe liên tỉnh ở vành đai 4, cần quy hoạch giữ ổn định các bến xe liên tỉnh hiện có từ vành đai 3 trở ra, như bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm… Đồng thời nâng cấp hiện đại hóa các bến xe này theo hình thức áp dụng công nghệ, tổ chức điều hành, phân luồng giao thông khoa học, hiệu quả… đáp ứng được tốt nhu cầu đi lại của nhân dân”, văn bản nêu quan điểm.

Đề cập đến việc Hà Nội đưa ra phương án xây dựng bến xe trung hạn, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, thành phố cần xem xét và không nên xây dựng mới bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng đất không lâu dài, chỉ để khai thác trong thời gian quá độ như được nêu trong quy hoạch nhằm tránh lãng phí vốn đầu tư, quỹ đất của thành phố. “Sau khi hoàn thành xây dựng các bến xe tại khu vực của ngõ vành đai 4 thì tổ chức, điều chỉnh đồng bộ với các bến xe khách trong vành đai 4 (khu vực nội đô hiện có) để nâng cao hiệu quả vận tải khách liên tỉnh và vận tải công cộng”, ông Nguyễn Văn Công đề nghị trong văn bản.

Cùng với nội dung trên, văn bản của lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, thành phố Hà Nội cần học tập kinh nghiệm của các nước đã áp dụng đối với công tác quản lý các bến xe, bãi đỗ xe. Chủ đầu tư và tư vấn cần tham khảo thực tế công tác xây dựng, quy hoạch bến bãi để tham mưu cho lãnh đạo thành phố các giải pháp hợp lý; mạnh dạn đề xuất giải pháp mới có tính đột phá đối với việc giải quyết bến, bãi đỗ xe…”.

Ðề cập đến việc Hà Nội đưa ra phương án xây dựng bến xe trung hạn, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, thành phố cần xem xét và không nên xây dựng mới bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng đất không lâu dài, chỉ để khai thác trong thời gian quá độ như được nêu trong quy hoạch nhằm tránh lãng phí vốn đầu tư, quỹ đất của thành phố.