Kinh doanh hàng đồng giá 10.000 đồng đã giảm sức hút đối với người tiêu dùng ngay từ giữa năm 2014. Nhiều khách hàng cho biết, nguyên nhân chính là sản phẩm phần lớn xuất xứ Trung Quốc, chất lượng không đảm bảo nên họ đã không còn hào hứng.
Thị hiếu khách hàng thay đổi, cùng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ, số lượng cửa hàng đồng giá 10.000 đồng đứng vững còn rất ít. Phần lớn các điểm kinh doanh này đóng cửa, số còn lại chuyển sang bán mặt hàng khác với mức giá phong phú hơn.
Nguyễn Phương Thanh, sinh viên đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, từng một thời gian “nghiện” mua đồ 10.000 đồng, nhưng nay đã không còn hứng thú. Các sản phẩm 10.000 đồng chủ yếu là những vật dụng nhỏ, phụ kiện như khẩu trang, kẹp tóc, son, bát đĩa... Phần lớn những món đồ này đều có mã vạch Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc. Tuổi đời của những mặt hàng này cũng thường rất ngắn. “Thậm chí, một số vật dụng đã hỏng ngay từ lần đầu sử dụng”, Phương Thanh nói.
"Với mức giá 10.000 đồng, 100% các sản phẩm không được bảo hành. Khách mua hàng cũng không được hoàn trả sản phẩm" là khẳng định của một chủ shop đồng giá ở Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Yếu tố trên tưởng rằng sẽ đem lợi cho chủ shop. Nhưng thực tế, đây lại là điểm "chết" về uy tín chất lượng sản phẩm cũng như lòng tin của khách hàng với hàng đồng giá 10.000 đồng. Tâm lý khi mua đồ giá rẻ, khách thường im lặng thay vì lên tiếng đòi hỏi, tranh cãi về sự cố sản phẩm. Kéo theo đó, họ sẽ có xu hướng lẳng lặng quay lưng với sản phẩm thay vì thích thú như trước kia.
Nhiều người cho rằng, kinh doanh hàng đồng giá 10.000 đồng "lấy lớn bù nhỏ", nghĩa là lấy lãi của món rẻ tiền bù cho lỗ của món đắt tiền. Tuy nhiên, thực tế, các sản phẩm nhập vào chỉ có một giá chung nhất định. Một chủ cửa hàng kinh doanh theo hình thức này cho biết, mỗi sản phẩm họ chỉ thu lãi 2.500 đến 3.000 đồng. Vì thế, doanh thu cửa hàng phụ thuộc vào số lượng sản phẩm bán ra.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh, chuyên gia e-marketing, với thị trường bán lẻ hiện nay, dòng sản phẩm 10.000 đồng chỉ phù hợp với những người thu nhập thấp. Trong khi đó, các cửa hàng, siêu thị có nhiều sản phẩm, mẫu mã phong phú, ưu đãi tốt, lại phục vụ được nhiều khách hàng. Điều này khiến cho doanh thu của những đơn vị nói trên tương đối tốt, khả năng thu lợi nhuận cao hơn.
Gần đây, nhiều chủ cửa hàng đồng giá 10.000 đồng thay đổi chiến lược kinh doanh bằng các sản phẩm có giá cao hơn, phổ biến 49.000 đồng, 59.000 đồng, 149.000 đồng... Chất lượng hàng hóa được cải thiện, tỷ lệ thuận với mức giá. Tuy nhiên, việc thay đổi trên làm mất đi ý nghĩa thực tế của cửa hàng một giá. Nhiều khách hàng bị “hớ” và thất vọng khi thanh toán. Do đó, cơ hội trụ vững của hình thức kinh doanh này trong thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt hiện nay, theo đánh giá của chuyên gia nói trên, là rất khó.
"Hiện nay, kinh doanh online qua mạng xã hội phát triển rất mạnh, nhiều ưu hoá nên việc một hình thức cũ, lạc hậu sẽ dần mất đi là điều dễ hiểu. Vì thế, hiện tượng nhiều cửa hàng đồng giá 10.000 đồng rủ nhau đóng cửa là quy luật đào thải của thị trường", ông Phan Anh cho hay.