Vì sao chi tiền tỷ, công nghệ chưa liên thông?

TP - Chi hơn nghìn tỷ đồng, công nghệ thông tin vẫn chưa liên thông; BHXH Việt Nam chủ động giúp người dân tới cỡ nào… là những phản hồi từ tổng giám đốc cơ quan này.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh.

+ Thưa bà, BHXH Việt Nam chi những 1.200 tỷ đồng đầu tư công nghệ thông tin, nhưng bộ máy chưa liên thông và dẫn tới sai sót như vừa qua?

- Đây cũng là yêu cầu của Quốc hội, để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phục vụ người dân tốt hơn. Chúng tôi đang phải đầu tư công nghệ thông tin. Vài năm nữa việc đó sẽ không còn. Còn hiện nay xảy ra lạm dụng quỹ BHYT, vì cùng 1 thẻ có thể mang đi nhiều bệnh viện các huyện, xã để khám, bệnh viện vẫn thanh toán.

Về phía bệnh viện cũng có thể xảy ra lạm dụng kỹ thuật cao dù không cần thiết. Tất cả điều này đang và sẽ sử dụng công nghệ thông tin để kết nối và kiểm soát. Thế nhưng đầu tư công nghệ không đơn giản, phải xây dựng phần mềm, phần cứng, con người. Với những trường hợp 5 năm tham gia BHYT cũng vậy, nếu có công nghệ thông tin sẽ tự động tích hợp và xác định chính xác thời gian người đó tham gia thế nào; nhưng giờ chưa có. Đầu tư cái này phải có thời gian, phải có khoảng trễ để vận hành được.

+ Quyền lợi được hưởng, nhưng người dân làm thủ tục khám BHYT rất lâu, phiền hà?

- Đồng ý là như thế, nhưng không thể làm được ngay, hiện chúng tôi đang tích cực làm, không phải muốn là có thể triển khai ngay được. Xin lưu ý với các anh, làm thủ tục BHYT là nhân viên của bệnh viện, nhân viên của BHXH chỉ giám sát, thẩm định hồ sơ khi bệnh viện đề nghị thanh toán.

+ Luật BHXH sửa đổi 2014 có hiệu lực từ năm 2016, thì hệ thống công nghệ thông tin phải đi trước để đáp ứng yêu cầu thực thi chính sách, thưa bà?

- Đáng ra thì phải thế, tuy nhiên giữa năm 2014 tôi mới được phân công về BHXH. Việc này Chính phủ chỉ đạo quyết liệt có tháng 4 đến 5 lần, BHXH họp liên tục để triển khai. Không phải ngẫu nhiên mà được như hôm nay, kết quả này là cố gắng rất lớn của toàn ngành và chỉ đạo quyết liệt của cấp trên.

+ Vậy việc BHXH chưa liên thông gây ra sai sót lại bắt người dân tới cơ quan bảo hiểm sửa là sao, thưa bà?

- Nguyên tắc trên hết là tạo thuận lợi cho người dân, không thể bắt người dân tới cơ quan BHXH. Tuy nhiên, có nhiều phương án, nên có cả đề nghị người dân tới cơ sở BHXH nếu người dân có nhu cầu (là một trong 2 cách) để giải quyết tình trạng hiện nay. Không phải tất cả mọi người phải tới cơ quan BHXH. Quan điểm của tôi là không yêu cầu người dân, doanh nghiệp tới BHXH, có thể giao dịch qua điện tử và bưu điện… Chúng tôi cũng đang cải cách thủ tục hành chính, giảm số giờ làm thủ tục BHXH, nhưng đâu đó có một số nhân viên còn chậm trễ, thiếu sót.

Cảm ơn bà.