Vì đâu người Nhật nghiện Mumi?

TP - Làm nên tên tuổi của Tove Jansson là loạt truyện về loài Mumi. Bà cho chúng một hình hài mập mạp với bộ mặt to dài - tựa mõm hà mã.

Nhật Bản có những quán cà phê theo phong cách Mumi dành cho người độc thân. Đến đó, người ta không phải ngồi một mình mà có thú bông Mumi ở ghế đối diện. Người Nhật “nghiện” Mumi đến độ xây cả công viên mô phỏng xứ sở của Mumi. 

Nhiều hoạt động xuất bản, triển lãm, hội thảo, làm phim… đang diễn ra ở Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan… nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Phần Lan Tove Jansson (1914-2001). Bà nhận nhiều giải thưởng, trong đó có Hans Christian Andersen (được coi như Nobel cho văn học thiếu nhi) năm 1966. 

Cà phê Mumi đang gây sốt ở Nhật. Ảnh: Russian News

Không chỉ sáng chế Mumi, Tove Jansson còn tạo ra cả một thế giới với nhiều loài sinh vật có trí tuệ và cảm xúc như người với đủ loại hình thù đa dạng theo trí tưởng tượng không chỉ của một nhà văn. Trước khi khởi nghiệp văn, Tove Jansson sớm thành danh trong vai trò họa sĩ vẽ minh họa, biếm họa cho nhiều tờ báo lớn. Dĩ nhiên bà trực tiếp minh họa cho truyện Mumi. 

Hình mẫu Mumi đầu tiên được Tove phác họa trên bức tường nhà nghỉ mùa hè ở Pellinge trong lúc tranh luận với em trai. Bức tranh đến nay vẫn được lưu giữ: bên cạnh hình Mumi nổi bật dòng chữ: “Tự do là những gì tốt đẹp nhất” của giáo chủ Thomas tạc vào lớp xi măng. Lần đầu Tove nghe đến từ “Mumi”, khi sống với gia đình ông bác Einar lúc còn nhỏ ở Thụy Điển. 

Tình cờ phát hiện Tove ngỗ nghịch giữa đêm lục tủ tìm bánh kẹo, ông bác dọa: “Coi chừng những chú lùn Mumi (nhân vật tí hon ranh mãnh trong thần thoại xứ Scandinavi) nấp sau ống khói!”. Theo cảnh báo của ông bác vui tính, những chú tí hon này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và sẽ dí mũi vào chân lũ trẻ để cù buồn hoặc thổi hơi vào miệng cho ngạt thở. 

Tuy nhiên người đọc không băn khoăn nhiều về nguồn gốc, lai lịch của Mumi và các nhân vật kỳ dị khác mà bị cuốn theo những câu chuyện ly kỳ không đầu không cuối mà Tove Jansson kể. 

Đó không hẳn là cuộc đấu tranh quen thuộc giữa cái thiện và cái ác, trong đó có nhân vật sẽ phải đau đớn hay bị trừng phạt. Tove Jansson thoát khỏi công thức đơn điệu đó để xây dựng một thế giới yên bình trong đó diễn ra những cuộc phiêu lưu “cho vui” của những nhân vật mang tâm hồn trẻ thơ. 

Tạo nên sự hấp dẫn mà không cần bạo lực hay đấu tranh chính là phép màu của Tove Jansson khiến tác phẩm và các nhân vật của bà có sức hút mạnh mẽ.

Truyện Mumi đã được chuyển thể thành phim, kịch, trò chơi… không chỉ ở Phần Lan. Đáng chú ý là 104 tập phim hoạt hình Những câu chuyện ở Thung lũng Mumi do Nhật Bản và Phần Lan sản xuất (1990-1992).

Loài Mumi đến Việt Nam lần đầu qua bản dịch cuốn Mumi và trận đại hồng thủy in trong tạp chí Văn học nước ngoài (1999), số chuyên về Văn học Phần Lan. NXB Kim Đồng xuất bản Chiếc mũ của phù thủy năm 2010. Năm 2013, Kim Đồng ấn hành Mumi và sao chổiNhững cuộc phiêu lưu li kì của Mumi bố; trong năm nay, sẽ tiếp tục cho ra Ngày hạ chí nguy hiểmĐứa trẻ vô hình.