Về xứ Lạng thưởng thức ngọn sau sau

TP - Những ngày này, các khu rừng, đồi núi xứ Lạng xanh mướt nhành lá sau sau. Bà con các dân tộc Tày-Nùng tranh thủ đi hái thứ rau đặc sản này từ sớm, mang ra chợ huyện, thành phố Lạng Sơn bán.
Mang đặc sản núi rừng ra thành phố bán. Ảnh: Duy Chiến

Ngay từ sáng sớm, tại các chợ huyện Lộc Bình, Chi Lăng, Cao Lộc và các chợ đầu mối ở thành phố Lạng Sơn như Kỳ Lừa, Chợ Đêm, Giếng Vuông, Chi Lăng, ngoài sự tấp nập của kẻ bán người mua hàng hóa thông dụng, đó đây là những sắc áo thổ cẩm bày bán gánh lá sau sau non tơ. Bà Chu Thị Liên vui vẻ chào mời khách: “Mua rau về ăn giải nhiệt đi. Cây sau sau rừng của tôi ở Gia Cát, Bản Ngà (huyện Cao Lộc) đấy. Rau sạch từ thiên nhiên, giá bán 5.000 đồng/mớ”.

Sau sau ở Lạng Sơn phổ biến có hai loại, một loại lá tím và một loại lá trắng đục. Người tiêu dùng ưa thích loại màu tím hơn vì có vị đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, trị mẩn ngứa... Bà Liên tư vấn cho khách: “Nếu ăn lẩu thì chỉ cần rửa sạch, nhúng rau vào nồi khi nước đã sôi. Còn ăn ghém thì cần phải có bát nước chấm. Bát nước chấm này làm bằng ruột cá làm sạch, băm nhỏ cùng thịt cá, thính nếp, nước mẻ, hành tỏi, ớt, củ sả, nước mắm ngon, sau đó đem nấu khoảng 10 phút sẽ tạo thành một thứ nước sền sệt thơm lừng”.

Tới các chợ ở thành phố Lạng Sơn, bà con dân tộc thiểu số, chủ yếu là phụ nữ đến từ các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Quan, Lộc Bình mang sau sau rừng ra bán. Họ thường là người thân quen trong làng bản, đi theo từng tốp và thống nhất giá cả theo từng ngày.

Dịp xuân, vào bất kỳ quán ăn nào ở xứ Lạng, thực khách cũng sẽ được khuyến mại một đĩa lá sau sau tươi rói kèm bát nước chấm “đặc chủng”. Nó có thể là nước chấm “xà đúc” nấu bằng tủy xương lợn, hòa trộn với một số gia vị địa phương tạo nên hương vị rất riêng và chỉ loại nước chấm này mới tải nổi chất núi rừng của lá sau sau một cách trọn vẹn.

Lạng Sơn và một số tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều cây sau sau mọc hoang trên các sườn đồi, sườn núi. Lá sau sau trở thành món ăn đặc sản từ vài năm nay. Nhiều gia đình đã có khoản thu nhập kha khá đầu năm, cuộc sống bớt đi khó khăn thời kỳ nông nhàn đầu xuân.

Mùa này ở Lạng Sơn có nhiều lễ hội. Nhà nhà làm cơm khoản đãi bạn bè, người thân. Du khách phương xa không chỉ thưởng thức món ăn lạ miệng, độc đáo mà còn tranh thủ mua rau sau sau mang về xuôi làm quà, vì vậy, bà con bán rau sau sau rất đắt hàng.

Theo các chuyên gia, sau sau còn được gọi là sau trắng, phong hương, bạch giao hương, cây thau, cổ yếm... Cây sau sau có ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Tây, Hòa Bình... Bộ phận dùng làm thuốc là quả (lộ lộ thông), lá (phong hương diệp), rễ (phong hương căn), nhựa (phong hương chi). Ngọn lá non được dùng làm thực phẩm. Lá sau sau chứa nhiều tanin. Quả chứa acid liquidamric, acid liquidamric lacton, acid beturonic. Nhựa chứa tinh dầu và nhiều chất khác.               

 BTV