20 năm 'giữ lửa' làm nghề
Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại hình đồ chơi hiện đại của nước ngoài cũng du nhập vào Việt Nam và thu hút các bạn trẻ. Tuy nhiên, ngôi làng làm chuồn chuồn tre Thạch Xá hiếm có ở Hà Nội vẫn tồn tại và phát huy tốt sứ mệnh 'lưu giữ ký ức tuổi thơ'.
Tiếng cắt, cạo tre, đục, mài đã đồng hành cùng hai vợ chồng cô Nguyễn Thị Xoan (thôn 8, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) 20 năm nay với hàng triệu con chuồn chuồn được sản sinh. Thông thường, để sản xuất ra được 1 con chuồn chuồn, cô Xoan nói vui: "Phải nâng lên đặt xuống hơn 10 lần mới có thể hoàn thiện".
Theo cô Xoan, từ khâu chọn tre cũng phải cẩn thận, phải chọn tre bánh tẻ, không quá già hay quá non. Với phần thô của con chuồn chuồn, người thợ phải trải qua gần 10 công đoạn làm thủ công: cạo bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, phơi khô, để nước trong thân tre bốc hơi hết, cắt chia thành từng thanh tre nhỏ, có chiều rộng khoảng 1cm để làm bộ phận cánh, thân, uốn cong phần mỏ bằng thanh sắt nung đỏ; lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn màu, vẽ họa tiết.
Điều đặc biệt ở mỗi con chuồn chuồn đó chính là sự thăng bằng. Vì thế, việc gắn cánh lên thân chuồn chuồn là công đoạn quan trọng nhất quyết định chuồn chuồn có giữ được thăng bằng hay không.
Theo chia sẻ của cô Xoan: "Những năm gần đây, nhiều nhà không làm chuồn chuồn tre nữa bởi không có đầu ra lại tốn nhiều công sức. Thay vào đó, người ta đi làm công nhân nhà máy cũng có thu nhập ổn hơn trước rất nhiều.
Hiện nay, nói là làng nghề nhưng chỉ có một mình gia đình tôi còn duy trì. Một phần là do gia đình muốn lưu giữ lại ký ức tuổi thơ qua con chuồn chuồn, phần vì cái nghề đã đưa mình từ nghèo khó đến mua được nhà, nuôi được con ăn học. Tuy mỗi con chuồn chuồn bán chỉ có giá 7.000 đồng nhưng tích cóp lại nhiều, bán cho khách quen, gia đình vẫn có thể duy trì được đến ngày hôm nay".
Chuồn chuồn tre 'bay' khắp năm châu
Nhiều người khó tin, chuồn chuồn tre của gia đình chú Liên, cô Xoan lại 'bay' khắp năm châu. Thế nhưng, đó lại là động lực chính giúp gia đình vừa duy trì nguồn thu nhập ổn định, vừa giữ được lửa nghề trong 20 năm qua.
Có con trai làm công nghệ thông tin nên việc quảng bá, truyền thông sản phẩm từ cây tre rừng của gia đình đã được đẩy mạnh và hiệu quả hơn nhiều. Các fanpage trên mạng xã hội về chuồn chuồn tre vẫn thu hút lượng tương tác, theo dõi nhất định từ cộng đồng.
"Khách đặt mua của gia đình chủ yếu là khách quen từ xưa đến nay. Có người mua lẻ vài con, có người mua số lượng lớn để bán ở cửa hàng lưu niệm. Với khách nước ngoài, cần giao dịch bằng tiếng Anh, con tôi sẽ phụ trách. Có đợt, gia đình nhận đơn hàng 10.000 con xuất sang Trung Quốc, Italia hay đơn hàng chuồn chuồn tre trang trí họa tiết lá cờ nước Mỹ để xuất sang Mỹ", ông Liên nói.
Tuy sức mua của thị trường không đều nhưng gia đình ông Liên vẫn nhận được sự ủng hộ từ những du khách đến từ nhiều nơi khác nhau. Bởi lẽ, khi nhìn vào mỗi con chuồn chuồn tre là nhìn thấu sự tỉ mỉ, tâm huyết của người làm nghề, nhìn thấy được một phần tuổi thơ ý nghĩa.