Dân làng nghề tái chế nhôm lớn nhất nước lo mất kế sinh nhai

0:00 / 0:00
0:00
Dân làng nghề tái chế nhôm lớn nhất nước lo mất kế sinh nhai
TPO - Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn (làng nghề tái chế nhôm lớn nhất nước, tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) triển khai 6 năm nay nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, dự án đang lộ nhiều bất cập về tiến độ, quy trình thực hiện, hiệu quả chống ô nhiễm môi trường, đặc biệt là giá cho thuê quá cao khiến nhiều hộ dân có nguy cơ mất nghề.

Dân phải thuê đất qua bên thứ 3 với giá 'ngất ngưởng'

Trong đơn gửi đến Tiền Phong, các hộ dân ở Mẫn Xá cho hay, tháng 8/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt xây dựng CCN làng nghề Mẫn Xá -Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) với diện tích 26,5 ha nhằm thu hút các hộ sản xuất tái chế nhôm, nhằm giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm. CCN do Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau gần 6 năm triển khai, CCN Mẫn Xá - Văn Môn đang tồn tại hàng loạt bất cập khiến nhiều người muốn sản xuất không thể vào cụm CCN như quy hoạch.

Dân làng nghề tái chế nhôm lớn nhất nước lo mất kế sinh nhai ảnh 1

Khu rác thải cạnh CCN Mẫn Xá - Văn Môn.

Ông Mẫn Văn Tuân, Phó trưởng thôn Mẫn Xá cho biết, khi họp dân để thực hiện chủ trương thu hồi đất xây dựng CCN, chủ đầu tư hứa với người dân sẽ đền bù 158,4 triệu đồng/sào ruộng (tức 440 nghìn đồng/m2) và sẽ ưu tiên cho thuê lại với giá là 4 triệu đồng/m2, thời hạn thuê 50 năm.

“Để hoạt động được, mỗi hộ sản xuất sẽ phải thuê 200m2, nhưng với giá thuê hiện nay thì người dân phải bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng. Giá này quá cao so với giá thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp trong huyện, tỉnh. Chưa kể, sau khi thuê, chúng tôi phải đầu tư xây dựng lò, nhà xưởng rất tốn kém”, ông Tuân cho hay.

Theo quy định, CCN phải hoàn thành hạ tầng đồng bộ mới được triển khai cho thuê xây dựng nhà xưởng và tiến hành sản xuất. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên, CCN Mẫn Xá - Văn Môn hiện vẫn chưa hoàn thành. Đáng chú ý, tại khu vực 3,8 ha được quy hoạch xây dựng hệ thống xử thải mới đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chưa có hoạt động xây dựng. Trong khi, phía trong CCN đã có một số nhà xưởng đã xây dựng và đi vào sản xuất. Các xưởng này vẫn sử dụng công nghệ cũ, cô nhôm bằng phương pháp thủ công.

Trả lời báo chí mới đây, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka cho rằng, Tập đoàn này không hứa cho thuê 4 triệu đồng/m2 mà chỉ khái toán, ước lượng ban đầu như vậy nếu việc giải phóng mặt bằng xong trong một năm. Tuy nhiên, do thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, phải trả lãi vay nên Hanaka tăng giá bán.

Theo phản ánh của người dân, hiện nay họ không thể thuê được trực tiếp của chủ đầu tư mà phải thuê qua các cá nhân khác và giá càng bị đẩy lên cao. Ngoài tiền trong hợp đồng, người thuê phải trả khoản tiền tương đương hoặc hơn giá thuê lô đất cho bên thứ 3. Theo tài liệu và phản ánh của người dân, có hợp đồng thuê với chủ đầu tư chỉ 6,6 triệu đồng/m2 trong 50 năm (lô đất 200m2, có tổng giá thuê là 1,32 tỷ đồng) nhưng họ phải trả thêm cho bên thứ 3 thêm 1,5 tỷ đồng nữa.

Dân làng nghề tái chế nhôm lớn nhất nước lo mất kế sinh nhai ảnh 2

Tháng 1/2022, 140 hộ gia đình sử dụng sai mục đích đất, cơi nới cơ sở sản xuất ở Mẫn Xá đã bị cưỡng chế, tháo dỡ cơ sở sản xuất.

Chủ đầu tư bị xử phạt

Vì CCN chưa được hoàn thiện hạ tầng, chưa đủ điều kiện bán chính thức, giá bán "chui" cao khiến người dân lâm vào vòng luẩn quẩn. Ông Nguyễn Văn Dần, một hộ sản xuất ở thôn Mẫn Xá cho hay: “CCN chưa xây xong, chưa được bán nhưng chúng tôi bị yêu cầu dừng sản xuất trong làng. Nếu muốn mua, phải mua trao tay, giá lại cao. Vì thế, dân vướng vào vòng luẩn quẩn”.

Dân làng nghề tái chế nhôm lớn nhất nước lo mất kế sinh nhai ảnh 3

Hiện giá đền bù giải phóng mặt bằng trả cho người dân tại dự án này là 158 triệu đồng/sào (360m2), nhưng để thuê lại diện tích đó để sản xuất, người dân phải bỏ ra nhiều tỷ đồng. Trong ảnh là đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka tiếp tục chi trả tiền đền bù vào cuối tháng 4 vừa qua.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, Dự án CCN làng nghề Mẫn Xá được giao cho Công ty cổ phần tập đoàn HANAKA làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 CCN được giao diện tích là 26,1ha, sau đó được bổ sung 3,1ha để xây dựng khu xử lý rác thải. Đến nay, CCN vẫn đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại khu vực 3,1ha đang tiến hành các bước thu hồi đất.

“Dự án chưa hoàn thành, chưa bàn giao lại cho UBND huyện quản lý nên chưa quy định giá bao nhiêu tiền/m2. UBND xã có nắm được việc các hộ dân tự thỏa thuận với chủ đầu tư thuê lại mặt bằng trong CCN nên đã báo cáo UBND huyện kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện chủ đầu tư cho bên thứ 3 thuê đất, có một số thủ tục chưa đúng quy định của pháp luật nên báo cáo UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư 275 triệu đồng”, ông Thuyên nói và cho biết thêm, qua nắm bắt đến nay đã có khoảng 40 hộ vào CCN xây dựng xưởng, sản xuất.

Dân làng nghề tái chế nhôm lớn nhất nước lo mất kế sinh nhai ảnh 4

Các hộ dân ra CCN để sản xuất chỉ có điểm khác duy nhất là được chủ đầu tư phân lô bán cho diện tích vuông vức. Công nghệ sản xuất và việc xả khí thải và sỉ nhôm không có gì khác so với trong làng cũ.

Ngoài ra, ông Thuyên cho hay, địa phương cũng nhận được thông tin nhiều hộ dân muốn vào CCN sản xuất nhưng giá thỏa thuận cao. Tại các hội nghị UBND xã đã đề nghị các cấp quan tâm, hỗ trợ người dân chuyển tư liệu sản xuất từ thô sơ sang hiện đại và mặt bằng. Đặc biệt, xã Văn Môn cũng đề nghị các cấp có hỗ trợ về giá khi các hộ sản xuất vào CCN; trong đó có biện pháp khống chế giá của chủ đầu tư hợp lý theo mặt bằng chung; hỗ trợ về vốn và chính sách.

Quy hoạch không được công khai?

Một trong những nội dung người dân khiếu nại là quy hoạch cụm công nghiệp này không được công khai nên không biết dự án này có quy hoạch đúng quy định và dự án có được thực hiện đúng quy hoạch hay không.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Văn Môn cho hay, xã không có hồ sơ quy hoạch chi tiết CCN này (!?).

MỚI - NÓNG