Đại công trường khoét núi, đánh mìn
Con đường độc đạo từ ngã ba Hòa Bắc hướng lên phía núi ngoằn ngoèo, hiểm trở. Đường cấp phối, mở tạm sau cơn mưa rừng trơ từng ụ đá lớn. Ngày thường, Khe Đương hoang vắng, ít ai dám lui tới. Nhưng hai tháng nay, từng đoàn người lũ lượt xe máy, cuốc bộ, cắt rừng tìm về “lãnh địa” tiểu khu 27, 29 Khe Đương.
Gần tiếng đồng hồ vượt núi, trước mắt chúng tôi, Khe Đương như một “công trường” với hàng chục đội quân phu vàng, tất bật đào đãi, căng mắt tìm vàng sa khoáng.
Các căn lều tạm lụp xụp, xiêu vẹo dựng chênh vênh bên các vách núi. Tiếng máy nổ rền vang, xé toạc không khí thâm u cả khu rừng rộng lớn. 4 điểm khai thác ở những vị trí khác trong các quả đồi Khe Đương, cách nhau cả tiếng đồng hồ đi bộ.
Rảo quanh, con số phu vàng đến vài chục người, chưa kể những người đang ẩn mình đào khoét, đặt mìn trong đường hầm tạm. Vừa làm, họ vừa hướng ánh mắt dò nghi, canh chừng đoàn khách lạ.
Thạch (22 tuổi, quê Thái Bình) dáng người dỏng cao, quệt vội mồ hôi nhễ nhại, thấm đen trên khuôn mặt chui ra từ miệng hầm cao chưa bằng nửa người. Trong khoảng tối thâm u, lòng hầm cứ kéo dài sâu hun hút.
Chủ hầm của Thạch tên là Đạt- người đàn ông chừng 40 tuổi, mặt sắc lạnh, ít nói. Hơn nửa tháng nay, đội Đạt từ Bắc dạt vào. Hết “tăm vàng” (dò vàng) ở những hầm cũ, Đạt cho đào hầm mới ở con đồi phía cao nhất của Khe Đương. Tuần lễ, hầm được khoan sâu đến cả trăm mét.Không cột đỡ, gia cố, lòng hầm dựa vào kết cấu tự nhiên của đá đồi.
“Lo gì chuyện sập, sợ nhất là không thấy vàng”, Thạch nói. Trong lán nhỏ tạm bợ bên miệng hầm, vài ba phu vàng nằm nghiêng ngả nghỉ trưa. Tất cả đều độ tuổi quá trẻ. Từng xe đất đá được phu vàng đẩy nhanh từ lòng hầm ra tập kết tại bãi nhỏ trước khi sàng đãi.
Công trường Khe Đương nham nhở với cả chục hầm lớn nhỏ khoét vào đồi núi. Một số hầm cũ để lại từ thời Cty Trường Sơn chi nhánh Đà Nẵng. Hầm dài đến vài trăm mét, càng vào sâu càng chia thành các ngã rẽ 2-3 đường khác nhau. Trần hầm nứt nẻ vết đá, dột nước tong tong, nhiều chỗ để lại vết trắng ngà-dấu tích sau các vụ đánh mìn khai thác.
5-7 phu vàng lặng lẽ rọi đèn pin, xe đất đá ra ngoài miệng hầm. Trong cùng, một thanh niên hì hục đào đẽo, tìm vị trí đặt mìn. Theo cánh phu vàng, thêm vài hầm mới vừa được khoan thăm dò. Có hầm mở chừng vài ba mét phải đóng do “tăm vàng” thiếu chính xác. Số còn lại, từng tốp vàng tặc mặc sức mở hầm khoét sâu vào lòng núi.
Ầm! Ầm… Những tiếng nổ lớn liên thanh, chấn động núi rừng Khe Đương. Anh Nguyễn Văn Đông (quê Thái Nguyên) nhân viên Cty Bông Sen Vàng (Hà Nội)- được Đà Nẵng đồng ý chủ trương “tiếp quản” bãi vàng Khe Đương, hiện đang hoàn tất thủ tục thăm dò, khai thác bảo: họ (các đội vàng tặc-PV) đánh mìn đó.
Ngày nào cũng đánh. Nhiều nhất là ban trưa, có khi cả đêm. Gần tháng trời bám trụ thực địa để nắm tình hình, Đông nhiều lần giật thột bởi tiếng đánh mìn thốc bên tai. Để khoét hầm, đánh đá, cánh “vàng tặc” dùng kíp mìn sức công phá lớn.
Theo anh Đông, công ty khai thác vàng tuân thủ quy trình tăm vàng, đào và đãi vàng. Từng khâu đoạn tiến hành bài bản, phân bổ hợp lý để không tác động lớn vào môi trường tự nhiên nhưng với cánh “vàng tặc” mạnh ai nấy làm. Họ lạm dụng mìn để đánh đá khối lượng lớn. Mỗi ngày, các mũi hầm khoét sâu vào lòng núi cả chục mét.
Chưa dứt lời, hai tiếng đánh mìn lớn trong hầm tự phát lại rền vang. Bên ngoài, cánh phu vàng tất bật sàng đãi. Nhiều phụ nữ theo cánh trai tráng, bỏ đồng ruộng lên tìm giấc mơ đổi đời. Tin đồn trúng vàng khiến người dân bản địa đến vùng lân cận Quảng Nam, Huế và cả cánh săn vàng ngoài Bắc lũ lượt kéo nhau đổ về Khe Đương.
Khác hẳn với những tuyên bố chốt chặn, truy quét của các đội liên ngành Hòa Vang tại “điểm nóng” Khe Đương, ngày giữa tuần và trong giờ hành chính, cả lúc đến và rời khỏi Khe Đương, chúng tôi không thấy bất kỳ bóng dáng của cơ quan chức năng. Thay vào đó, các đội “chim mồi” cảnh giới hoạt động ráo riết để nghe ngóng sự xuất hiện của người lạ. Một nhóm người xăm trổ, bặm trợn rảo quanh các điểm đào đãi vàng, để quản lý và xử lý tình huống.
Theo chủ một điểm khai thác vàng tự phát, để được có mặt trên Khe Đương họ phải xin được cái gật đầu của một người tên T. (trú Đà Nẵng).
T. được xem là cai vàng khét tiếng thống lĩnh Khe Đương, tự đặt luật rừng để quản lý, điều hành các nhóm “vàng tặc” hoạt động trên bãi đi vào khuôn khổ. Tỷ lệ ăn chia được thỏa thuận ngầm giữa các chủ hầm và T..
Bù lại, T. làm nhiệm vụ cảnh giới, đảm bảo an ninh và báo tin khi các đoàn kiểm tra xuất hiện. Lấy lí do người của Cty Bông Sen Vàng lên chụp ảnh hiện trạng bãi về làm báo cáo, T. mới dịu giọng.
Quanh cai nậu này lúc nào có 3-4 đệ tử mặt mày bặm trợn theo dõi từng cử chỉ của chúng tôi. Vừa mời thuốc, rót trà, T. lớn tiếng xua đám người ra ngoài đào đãi: Hầm nào không được cho đánh sập hết. Mai có đoàn kiểm tra dưới phố lên nhưng chúng mày đừng lo. Có lúc ở đây vài trăm người, tao còn lo được, chỉ cần hú tiếng là họ kéo nhau lên hoặc về hết- T. thị uy.
Anh Đông bảo: nhóm người của cánh cai nậu tự ý cai quản, sử dụng tất cả các cơ sở Khe Đương. Máy móc của Cty mang lên để chạy thử cũng bị cánh cai nậu trưng dụng. “Họ không cần biết mình là người của công ty nào, không đưa thì chắc chắn có chuyện”, Đông nói.
Lãnh đạo Cty Bông Sen Vàng lo lắng: chúng tôi hoàn tất thủ tục chờ cơ quan chức năng ra quyết định khai thác. Thành phố đồng ý chủ trương nhưng về danh nghĩa thì chưa có, nên công ty không có bất kỳ quyền hành gì trên này. Bãi để không, người dân tự phát lên khoét núi, tìm vàng, huy động máy móc đặc biệt liên tục đánh mìn tác động rất lớn vào các hầm cũ. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, chuyện sập hầm, chết người là điều dễ xảy ra.
Theo Hạt kiểm lâm Hòa Vang, thực tế từ năm 2005 khi người dân tự ý khai thác vàng tại Khe Đương đã xảy ra một số vụ chết người bí hiểm. Năm 2009, UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Cty Trường Sơn (trụ sở ở Hà Nội) vào khai thác.
Tình hình khai thác có giảm. Nhưng khi công ty này hết hạn (cuối năm 2013) và không được gia hạn, bãi vàng Khe Đương nhốn nháo, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nạn “vàng tặc” nở rộ. Đặc biệt, tin đồn về người dân trúng đậm 16kg vàng khiến hàng trăm người lũ lượt tìm về Khe Đương.
Ông Huỳnh Thủy, Trạm phó Trạm kiểm lâm Hòa Bắc xác nhận: Chuyện dân trúng vàng chưa biết thực hư ra sao, nhưng tình hình mất an ninh trật tự, người dân đổ xô khai thác vàng trái phép là có thật. Trung tá Nguyễn Văn Tăng, Phó công an huyện Hòa vang cho hay: huyện phối hợp tổ chức truy quét. Nhưng sau mỗi đợt đẩy đuổi, tháo dỡ lán trại, lực lượng chức năng rút đi thì đâu lại vào đấy.
“Đáng nói Khe Đương còn nhiều hầm lớn của Cty Trường Sơn để lại, không được gia cố. Người dân tự phát, ồ ạt chui vào đó khai thác, nếu sập hầm thì hậu quả khó lường”, ông Tăng lo ngại.
Theo thượng tá Đặng Văn Khuôn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP Đà Nẵng), thành phố có văn bản chỉ đạo việc đảm bảo trật tự, an toàn, và môi trường tại mỏ vàng Khe Đương; giao Thành đội Đà Nẵng chủ công phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý.
Lực lượng PC49 tiến hành các đợt truy quét, đẩy đuổi. Tuy nhiên, cần có giải pháp căn cơ hơn. Chúng tôi nhiều lần đề nghị nên sớm cấp phép cho công ty được khai thác để quản lý, lập lại trật tự bãi vàng này. Lãnh đạo Cty Bông Sen Vàng cho hay: theo quy định Luật Khoáng sản để có giấy phép khai thác vàng, cần có ý kiến của Bộ TN&MT, cùng điều kiện hoàn nguyên trồng rừng. Chúng tôi được giao trồng 22ha rừng và đang nỗ lực hoàn thành sớm.
Ngày 14/7, khắp vùng Hòa Vang rộ tin đồn một người tên Tài đứng đầu nhóm thanh niên Hòa Liên trúng đậm 16kg vàng khai thác trái phép tại khu vực Khe Đương. Ngay trong đêm, rất nhiều người lạ, phương tiện đổ xô về khu vực Hòa Liên, Hòa Bắc. Khu vực Khe Đương.