Về làng chài cổ, đẹp nhất thế giới

TP - Có cả chục chiếc thuyền buồm được kết hoa ngũ sắc. Trai gái trên thuyền đan tay nhau, chèo thành từng hàng giữa mênh mông sóng nước, bốn bề trùng điệp núi non 
Làng chài Cửa Vạn.

“Có cả chục chiếc thuyền buồm được kết hoa ngũ sắc. Trai gái trên thuyền đan tay nhau, chèo thành từng hàng giữa mênh mông sóng nước, bốn bề trùng điệp núi non để rước dâu. Đám cưới dân chài chúng tôi không gửi thiệp hồng, ngày cưới được xem là ngày hội của cả làng, ai cũng đến góp sức, chung vui. Trẻ con tha hồ ăn uống, chạy nhảy trên các bè được nối vào nhau. Người lớn thi nhau hát giao duyên, hò đối, hát chèo đường râm ran cả một vùng sóng nước” - cụ ông Nguyễn Văn Hào, 72 tuổi, ở tổ 8, khu tái định cư, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bồi hồi nhớ lại ký ức về làng chài đẹp nhất thế giới.

Làng chài cổ, đẹp nhất thế giới

Trên chiếc thuyền cũ kỹ, ông Vũ Văn Hùng, Phó giám đốc HTX du lịch làng chài Hạ Long đưa chúng tôi ra thăm các làng chài trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long vào một ngày cuối tháng 5. Cái nắng đầu hè gay gắt rọi xuống mặt biển, làm ánh lên những vệt sáng loang lổ trên những vách núi đá. Chiếc thuyền chầm chậm luồn qua những khe núi dựng đứng, trùng điệp. Sau gần 2 giờ lênh đênh, chỉ tay về phía trước ông Hùng nói: “Đây là làng chài Cửa Vạn, làng chài đẹp nhất thế giới”.

Thấp thoáng phía sau những ngọn núi, dần xuất hiện những mái nhà nhiều màu sắc, được kết lại trên những chiếc bè nằm sát nhau, lưng tựa vào núi. Một khung cảnh yên bình và đẹp đến mê hồn hiện ra trước mắt. Xung quanh được núi bao bọc, không gian yên bình của làng chài trên biển như một bức tranh thủy mặc được khắc họa rõ nét đến từng chi tiết. Làng chài Cửa Vạn được website du lịch Journeyetc.com đưa vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới (năm 2012).

Trước đây, Cửa Vạn là nơi sinh sống của gần nghìn ngư dân chuyên làm nghề chài lưới trên vịnh. Không chỉ là nơi trú ngụ của ngư dân trong vùng mà còn là trung tâm văn hóa của tất cả các làng chài khác trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. “Cứ đến rằm Trung Thu là ngày hội làng, hầu như cư dân trên vịnh tập trung đến đây vui chơi và ca hát. 

Đặc sắc nhất vẫn là màn hát giao duyên của các đôi nam nữ, rồi còn có hát ghẹo, hát chèo đường... Mọi người kết thuyền lại thành sân khấu trên biển và vui chơi đến tận sáng. Yêu nhau, cưới nhau, sinh con đẻ cái đều trên thuyền, trên bè. Tuy lênh đênh, thiếu thốn nhưng lúc đấy thấy tình người nó gần gũi và thân thương” - ông Vũ Văn Hùng hồi tưởng lại một thời hoàng kim của làng chài.

“Từ khi sinh ra đã là cư dân của làng chài, hằng ngày theo bố mẹ bắt con tôm, con cá kiếm sống qua ngày. Hỏi những người cao tuổi cũng không ai biết làng chài có từ bao giờ, chỉ nghe các ông nói mình có gốc gác là người Quảng Yên (Quảng Ninh) thôi” - cụ Nguyễn Văn Hào, cho biết. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, làng chài Cửa Vạn là cả một kho tàng lịch sử, những bí ẩn của một nền văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của những cư dân biển thời tiền sử được khai quật tại một số hang động gần làng chài, trong đó có hang Tiên Ông.

Không chỉ có phong cảnh hữu tình mà con người nơi đây cũng chân chất, mặn mà như được trộn lẫn giữa nắng, gió và vị mặn của biển. Cửa Vạn sớm trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Trước đây, hàng năm Cửa Vạn đón hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan. Sau khi được đắm mình trong khung cảnh bình yên và thơ mộng, nhiều du khách vẫn muốn được quay lại để khám phá nhiều hơn về con người và mảnh đất nơi đây.

Ông Vũ Văn Hùng và những hình ảnh về làng chài.

“Chông chênh” làng chài

Con thuyền nhỏ lại nhẹ nhàng lach mình qua những vách núi đá vôi để đưa chúng tôi đến làng chài Vung Viêng, một ngôi làng nằm ẩn mình trong thung lũng núi trên vịnh Bái Tử Long. Vung Viêng không chỉ nổi tiếng về vẻ đẹp hoang sơ mà còn nổi tiếng với sản phẩm ngọc trai hảo hạng. Vung Viêng cũng là trung tâm kinh tế, buôn bán, trao đổi của cả khu Cặp Dè (bao gồm khu Cống Đỏ, Cống Đầm, Cặp La và Vung Viêng).

Điều ngạc nhiên nhất khi đến với Vung Viêng là chiếc “cổng làng”, Hang xuyên thủy đã tạo nên một chiếc cổng kỳ vỹ nằm giữa muôn trùng sóng nước. “Xưa kia, dân làng chỉ cần chèo thuyền ra đến cổng là quay trở về, vì cá ở cổng làng nhiều vô kể, chưa kịp thả lưới xuống thì cá đã nhảy cả lên mạn thuyền” - cụ Nguyễn Văn Hiệp, ngư dân cao tuổi nhất trong làng kể lại.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh đồ gốm có niên đại hàng trăm năm, khi thủy triều xuống, một vài nơi vẫn lộ lên những móng nhà được cho là của người xưa để lại. Cách thương cảng Vân Đồn không đến 2 giờ căng buồm, Vung Viêng chính là nơi tập trung của các thương lái trong và ngoài nước làm nơi trú chân và tránh bão trước khi cập bến cảng Vân Đồn.

“Vung Viêng được đọc là “vông vênh” cũng có nghĩa là “chông chênh” như cuộc sống của dân chài chúng tôi luôn lênh đênh cùng sóng nước. Phận người cũng chông chênh như con thuyền, lúc sóng to gió lớn thì nghiêng ngã, chao đảo, cũng có thể chìm bất cứ lúc nào. Vung Viêng chính là nơi che chở cho nhưng thân phận nhỏ bé của dân chài trước phong ba bão táp. Là nơi chốn tìm về của con dân trên vịnh Bái Tử Long này” - cụ Hiệp mắt rơm rớm khi nói về Vung Viêng.

Hàng năm, Vung Viêng đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, nhưng thời gian gần đây số lượng khách đến với các làng chài trên vịnh đang giảm dần. Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định di dời các làng chài trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long lên định cư trên bờ tại khu tái định cư thuộc phường Hùng Thắng (TP Hạ Long) vì lý do an toàn và vệ sinh môi trường vịnh. Các làng chài hiện chỉ còn trơ trọi những ngôi nhà cửa đóng then cài. Có một số ít người dân được ra chèo thuyền cho du khách tham quan nhưng đến tối lại phải vào bờ.

Làng chài Vung Viêng.

“Làng chài giờ chỉ còn trong ký ức, những ngôi nhà vô hồn lênh đênh cùng sóng nước. Nhiều du khách đến đây đã không hài lòng vì cảm giác cô quạnh khi tham quan những di tích còn sót lại. Chúng tôi cũng đã đề xuất với UBND tỉnh để có hướng bảo tồn và phát triển tiềm năng du lịch của các làng chài cổ trên vịnh và tạo công ăn việc làm cho ngư dân khi được chuyển lên bờ” - ông Vũ Văn Hùng, Phó giám đốc HTX làng chài du lịch Hạ Long, nói.

Ánh nắng chiều le lói qua những vách đá, con thuyền vẫn nhẹ nhàng rẽ sóng đưa chúng tôi vào bờ. Những làng chài dần khuất sau những ngọn núi, màn đêm dần buông xuống bao trùm cả một khoảng không vô định. “Làng chài sẽ được hồi sinh, tôi sẽ dành quãng đời còn lại để gây dựng lại và giữ gìn bản sắc của những làng chài “tiền sử” này” - Nói đoạn, ông Hùng cất cao giọng, hò một đoạn hò biển cho chúng tôi nghe. Giọng hò của ông âm vang cả một vùng sóng nước, như thấm qua những kẽ đá của muôn trùng núi non, cũng giống như lời hứa của ông với làng chài trên vịnh.

“Cao nhất là núi Vung Viêng

Thấp nhất là biển, cao hơn là trời”…

Theo bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Chủ trương di dời dân từ các làng chài trên vịnh Hạ Long trong năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh là chủ trương đúng, nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới vịnh Hạ Long, đồng thời giúp ngư dân và con em có điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe. 

Những làng chài cổ trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long có một bề dày văn hóa từ rất lâu đời, đây cũng là một sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo nằm trong lòng di sản. Đang có các đơn vị cùng phối hợp giúp dân làng chài mở lại nghề nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ và bền vững.

Ông Tăng Văn Phiến, Chủ nhiệm HTX Du lịch làng chài Hạ Long cho biết: Trong đề án “Phục dựng lại làng chài cổ” gửi các cơ quan chức năng có đề xuất phương án “Mỗi làng chỉ để khoảng 20 nóc nhà, với 2-3 ngư dân trẻ/nhà, vừa chèo đò đưa khách đi thăm, vừa nuôi thủy sản - như một sinh kế, đồng thời là điểm tham quan của du khách. Sau giờ hành chính, các gia đình phải vào bờ, cùng lắm chỉ để lại một người trông coi”.