Về hai siêu dự án của Tập đoàn Tân Tạo tại Kiên Giang

TPO - Ngày 27-9-2010, Tổng Biên tập báo Tiền Phong đã ký văn bản trả lời những khiếu nại của Tập đoàn Tân Tạo (tại văn bản 2009/CV-ITAGROUP-10 của Tập đoàn Tân Tạo, đề ngày 20-9-2010), đối với nội dung bài báo “Các siêu dự án của hai siêu tập đoàn và những dấu hỏi” của tác giả Hồng Lĩnh đăng trên báo Tiền Phong ra ngày 17-9-2010.

Tiền Phong Online đăng nguyên văn nội dung trả lời của báo Tiền Phong đồng thời đăng công khai văn bản khiếu nại của Tập đoàn Tân Tạo để các bên liên quan và bạn đọc có cái nhìn đầy đủ và chân xác về vụ việc.

 ______________________________________________________________________

Ngày 22/9/2010, Báo Tiền Phong nhận được văn bản 2009/CV-ITAGROUP-10 của Tập đoàn Tân Tạo (do Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Tạo Thái Văn Mến ký, đề ngày 20/9/2010), gửi báo Tiền Phong để khiếu nại nội dung bài báo “Các siêu dự án của hai siêu tập đoàn và những dấu hỏi” của tác giả Hồng Lĩnh đăng trên báo Tiền Phong ra ngày 17/9/2010. Văn bản này của Tập đoàn Tân Tạo cũng đồng gửi cho: Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin & Truyền thông; Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Cơ quan Điều tra…. Văn bản khiếu nại của Tập đoàn Tân Tạo đã đưa ra rất nhiều điểm lập luận mà trong đó hầu hết các điểm đều nằm ngoài nội dung bài báo đề cập, từ đó kết luận rằng: “Tất cả thông tin được đăng tải trên báo Tiền Phong ngày 17/9/2010 của phóng viên Hồng Lĩnh là sai sự thật, bịa đặt vu khống, bảo vệ kẻ phạm pháp đang lẩn trốn và đồng bọn…”. Văn bản này đề nghị báo phải cải chính và cơ quan pháp luật “điều tra đường dây tội phạm được bảo kê bởi phóng viên…”. Báo Tiền Phong cũng nhận được công văn 100/CV-VNLAND của Công ty cổ phần phát triển đô thị Việt Nam (Vietnam Land) gửi báo và các cơ quan chức năng nêu trên, cho rằng “bài viết nói sai sự thật và sử dụng những thông tin từ các đối tượng đang được các cơ quan điều tra khởi tố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Tân Tạo và Vietnam Land”.

Ban Biên tập báo Tiền Phong đã xem xét, đối chiếu bài viết của tác giả Hồng Lĩnh với hồ sơ, tài liệu liên quan vụ việc và văn bản khiếu nại của Tập đoàn Tân Tạo. Theo Luật Báo chí và quy định hiện hành của TƯ Đoàn, Ban Biên tập báo Tiền Phong xin báo cáo toàn bộ vụ việc liên quan đến khiếu kiện của Tập đoàn Tân Tạo đối với bài báo “Các siêu dự án của hai siêu tập đoàn và những dấu hỏi” như sau:

Trước hết, báo Tiền Phong khẳng định, bài viết “Các siêu dự án của hai siêu tập đoàn và những dấu hỏi” đăng trên báo Tiền Phong ra ngày 17/9/2010 của tác giả Hồng Lĩnh xuất phát từ quan điểm khách quan dựa trên các cơ sở, chứng lý đầy đủ và vững chắc. Bài báo của tác giả Hồng Lĩnh đề cập nội dung: Tập đoàn Tân Tạo ở TP Hồ Chí Minh trong mấy năm qua được tỉnh Kiên Giang chấp thuận đầu tư nhiều dự án, trong đó có hai siêu dự án là Khu đô thị đảo Hải Âu, Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương. Dự án Khu đô thị đảo Hải Âu sau hơn 2 năm khởi công vẫn im lìm; Dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương thì đại diện Tập đoàn tại Kiên Giang không còn ở Việt Nam và đang nợ nần tiền thi công nạo vét mặt bằng với các doanh nghiệp thầu phụ.

Báo Tiền Phong chỉ nêu các chứng lý và sự thật khách quan trong khuôn khổ nội dung bài viết của tác giả Hồng Lĩnh đã đăng trên Tiền Phong ngày 17/9/2010. Còn những nội dung khác mà văn bản của Tập đoàn Tân Tạo nêu ra hoặc suy diễn để quy chụp cho bài viết và tác giả (trong khi bài báo hoàn toàn không hề đề cập), báo Tiền Phong không bàn tới trong văn bản này.

1. Về dự án “Khu đô thị đảo Hải Âu”, bài báo nêu: Dự án có diện tích 199,7 ha với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng của Tập đoàn này làm lễ khởi công xong (ngày 19/5/2008) đến nay đã hơn 2 năm vẫn im lìm. Theo dự kiến 53 ha của dự án sẽ bố trí khoảng 4.000 cư dân, diện tích đảo nhân tạo còn lại xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, công viên, khách sạn, các công trình phục vụ lễ hội, văn hóa du lịch và dịch vụ thương mại… Tại thời điểm khởi công (19/5/2008) dự án chưa có qui hoạch chi tiết và còn thiếu một số thủ tục cần thiết nhưng Tập đoàn đã tổ chức lễ khởi công. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm khởi công, hiện nơi dự kiến có đảo nhân tạo vẫn là mặt biển xanh rờn. Người dân địa phương cho biết, chủ đầu tư hầu như không thấy xuất hiện. Văn phòng đại diện của Tập đoàn Tân Tạo trên đường Lạc Hồng ở TP Rạch Giá cũng ít khi mở cửa. Tấm bảng quảng cáo Khu đô thị đảo Hải Âu đã phải làm lại lần thứ hai do gió biển xé nát, nay đứng chơ vơ giữa nơi hoang vắng với cỏ dại.

Báo Tiền Phong khẳng định: nội dung này của bài báo được phóng viên Hồng Lĩnh phản ánh khách quan và chính xác với những gì diễn ra trên thực địa của dự án. Công trình này cũng đã được nhiều đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang chất vấn trong các kỳ họp HĐND tỉnh, ngay trong Đại hội tỉnh Đảng bộ Kiên Giang vừa qua cũng đã có đại biểu đề cập rằng: Một công trình lớn trong nhiệm kỳ qua đã không thực hiện, cần phải rút kinh nghiệm khi chấp thuận đầu tư.

Chính trong văn bản ngày 20/9/2010 của Tập đoàn Tân Tạo gửi báo Tiền Phong cũng thừa nhận: “Dự án được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 12/2009” và “Tập đoàn Tân Tạo đã thuê tư vấn xin phép Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Kiên Giang cho phép thăm dò và lập hồ sơ khai thác cát ven biển để phục vụ dự án, nhưng cho đến hôm nay UBND tỉnh vẫn chưa cấp giấy phép khai thác cát để san lấp, chưa giao mặt nước khu vực dự án thì làm thế nào chúng tôi có thể chính thức thực hiện san lấp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án”. Chưa hết, văn bản 63/TB-ITA-10 (ngày 22/9/2010) của Tập đoàn Tân Tạo gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cũng ghi rõ: “Dự án Đảo Hải Âu. ITACO (tức Tập đoàn Tân Tạo-TP) chưa triển khai vì chưa được bàn giao mặt nước, mặt khác ITACO đang xin khai thác nguyên liệu cát, đá để san lấp mặt bằng nhưng chưa được chấp nhận”.

Như vậy, một lần nữa việc bài báo đề cập dự án Khu đô thị Hải Âu của Tập đoàn Tân tạo “khởi công xong, im lìm” và “khởi công khi chưa có quy hoạch chi tiết và còn thiếu một số thủ tục cần thiết” là chính xác.

2. Về dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương:

Bài báo của tác giả Hồng Lĩnh nêu: Siêu dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang) với qui mô 4.400MW - 5.200MW và cảng trung chuyển nước sâu tại quần đảo Nam Du, tổng vốn đầu tư khoảng 7,7 tỷ USD, được Chính phủ đồng ý cho Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư năm 2008. Dự án này dự kiến khởi công cuối năm 2009, sau đó lại dời sang dịp 30-4-2010, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công. Trong quá trình chuẩn bị khởi công, Tập đoàn Tân Tạo xin thay đổi vị trí đặt nhà máy nhiệt điện và được tỉnh Kiên Giang chấp thuận, cho lấn thêm 300 ha mặt nước biển. Về nhân sự cũng có sự thay đổi, ông Trần Jimmy, Trưởng đại diện của Chi nhánh Cty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tại Kiên Giang (Tập đoàn Tân Tạo), nay đã về Mỹ. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết: Tập đoàn Tân Tạo đã thay đổi nhân sự tại tỉnh từ 20-5-2010 nhưng chưa có thông báo chính thức. Và hiện dự án đang có tình trạng “Nợ nần và xáo trộn”.

Bài báo nêu rõ: Chưa chính thức khởi công nhưng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương cũng đã bước đầu triển khai giải tỏa, nạo vét và san lấp mặt bằng. Người dân quanh vùng siêu dự án cho biết, trước ngày 30-4-2010, có nhiều phương tiện xe máy, tàu thuyền kéo về vùng dự án hoạt động. Thế nhưng chỉ được thời gian ngắn, đại công trường lại vắng bóng tàu, xe và để lại… nợ nần. Bà Lê Thị Kim Châu, GĐ Cty TNHH Châu Phát (Kiên Giang) cho biết: "Tập đoàn Tân Tạo nợ chúng tôi gần 8 tỷ đồng, hơn bốn tháng qua chưa trả đồng nào. Chúng tôi cũng không thể liên lạc, họ trốn đâu mất hết rồi. Tôi gọi điện thoại cho bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, thì không nghe máy. Cty chúng tôi ký hợp đồng với Cty Cổ phần Phát triển đô thị Việt Nam, do ông Trần Jimmy là chồng của bà Yến làm TGĐ, nay ông này đã về Mỹ. Từ tháng 5- 2010 tới giờ không gặp được ai của Tập đoàn Tân Tạo để nói chuyện phải quấy. Họ thông báo bà Vũ Thị Nga lên làm GĐ thay ông Trần Jimmy, tuy nhiên cũng không thể liên lạc được với bà này. Điện tới ai người ta cũng trả lời là mới vào làm không biết chuyện trước đó".

Còn ông Cao Minh Hùng, GĐ Cty TNHH Đức Vân (Vũng Tàu) còn gửi đơn đến cả cơ quan công an khiếu nại, đòi nợ Tập đoàn Tân Tạo. "Tôi ký hợp đồng nạo vét bùn tại khu vực đầu tư nhà máy nhiệt điện Kiên Lương với Tập đoàn Tân Tạo từ đầu tháng 1-2010. Hiện nợ quá hạn theo hợp đồng đã trên 36 tỷ. Chúng tôi điện thoại, rồi nhắn tin rất lịch sự nhưng họ không nghe, không trả lời. Nếu họ không trả tiền nạo vét bùn cho tôi thì tôi sẽ không giao mặt bằng cho họ san lấp", ông Hùng quả quyết. Người dân trong vùng dự án đã bị xáo trộn cuộc sống. Nhiều người không chịu nhận tiền giải phóng mặt bằng vì giá bồi hoàn quá thấp.

Những chi tiết và nội dung bài báo đề cập nêu trên, được tác giả Hồng Lĩnh thu thập thông tin đúng quy định tác nghiệp của nhà báo, phản ánh trung thực tình hình thanh toán và nợ nần của việc thi công nạo vét san lấp mặt bằng của dự án.

Việc Tập đoàn Tân Tạo quy chụp bài báo và tác giả “viết sai sự thật, bịa đặt vu khống, bảo vệ kẻ phạm pháp đang lẩn trốn…” là dựa trên luận điểm Tập đoàn Tân Tạo đưa ra rằng: “Công ty cổ phần Phát triển đô thị Việt Nam-Vietnam Land, là một công ty trong nhiều công ty thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp Tân Đức-một trong những khu CN của Tập đoàn Tân Tạo... Công ty Vietnam Land hoàn toàn không phải là công ty con của Tập đoàn Tân Tạo, đây là một công ty có pháp nhân hoàn toàn độc lập và đang thi công các công trình cho Tập đoàn Tân Tạo”; và “ Việc Vietnam Land chưa thanh toán tiền cho các nhà thầu phụ không liên quan đến Tập đoàn Tân Tạo”. Rồi “Do vụ án Trần Jimmy (nguyên Tổng giám đốc Vietnam Land-TP) và đồng bọn tinh vi, phức tạp, liên quan đến đường dây chuyển ngân lậu qua biên giới và còn trong giai đoạn điều tra. Riêng các Công ty Châu Phát, công ty TNHH Đức Vân, Công ty Huỳnh Một, Công ty Quốc Linh, Công ty Ngô Minh Trường và nhiều Công ty khác đều có nhiều dính líu đến vụ án Trần Jimmy và đồng bọn, vì vậy, ngày 10/6/2010 công ty Vietnam Land đã có văn bản thông báo ngừng tất cả các giao dịch đối với các doanh nghiệp này để chờ kết luận của cơ quan điều tra”.

Báo Tiền Phong có cơ sở để khẳng định lời lẽ trong công văn của Tập đoàn Tân Tạo là không đúng và có thái độ quy kết.

Thứ nhất, theo giấy phép đăng ký kinh doanh số 1100857456 (ngày 7/12/2009) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cấp thì Công ty cổ phần Vietnam Land (do ông Jimmy Trần làm Tổng giám đốc) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Công ty cổ phần Đại học Tân Tạo (góp 35% vốn); Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Tân Tạo (góp 30% vốn); Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (góp 35% vốn). Tại thời điểm 2009, tập đoàn Tân Tạo đã thông báo Công ty cổ phần năng lượng Tân Tạo là chủ đầu tư của Dự án nhiệt điện Kiên Lương này. Tập đoàn Tân Tạo nói “Vietnam Land không liên quan đến Tập đoàn Tân Tạo” là trốn trách nhiệm. Hơn nữa, thực tế, từ 2009 đến 20/5/2010, Tổng giám đốc Vietnam Land (người ký các hợp đồng với các thầu phụ) là ông Jimmy Trần lại đồng thời là Trưởng đại diện của Tập đoàn Tân Tạo tại Kiên Giang. Cho đến ngày 2/6/2010 Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Tạo Thái Văn Mến mới ký Thông báo số 247/CT-10 gửi UBND tỉnh Kiên Giang thông báo ông Jimmy Trần thôi giữ chức Tổng giám đốc Vietnam Land, đồng thời cũng không còn là Trưởng đại diện Tập đoàn Tân Tạo tại Kiên Giang nữa, kể từ ngày 20/5/2010. Đồng thời, Jimmy Trần cũng chính là chồng của bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch tập đoàn Tân Tạo.

Chưa cần dẫn ra nhiều tư liệu để chứng minh cũng đủ dễ hiểu khi hai chủ hai doanh nghiệp (Cty Châu Phát và Cty Đức Vân) phát biểu trong bài báo trên Tiền Phong rằng: “Tập đoàn Tân Tạo nợ chúng tôi…, và gởi đơn đến cơ quan công an đòi nợ Tân Tạo” vì họ đều khẳng định Vietnam Land với Tân Tạo là một.

Thứ hai, theo tài liệu do chính Tập đoàn Tân tạo cung cấp thì ngày 8/9/2010, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trần Jimmy và đồng bọn (chưa khởi tố bị can-TP), trong khi những thông tin thực tế về công nợ của Vietnam Land với các nhà thầu phụ được phóng viên Hồng Lĩnh thu thập (kể cả cuộc liên lạc với ông Trần Jimmy được thực hiện ngày 7/9) đều diễn ra trước ngày vụ án được khởi tố. Khi phóng viên Hồng Lĩnh điện thoại xin gặp người thay thế ông Jimmy Trần làm đại diện Tập đoàn Tân Tạo ở Kiên Giang là ông Nguyễn Tuấn Minh và bà Huỳnh Hoài Châu để trao đổi thông tin liên quan đến việc nợ nần nói trên thì ông Minh nói rằng ông không có trách nhiệm trả lời, có gì cứ email câu hỏi thắc mắc sẽ có bộ phận khác giải đáp. Phóng viên Hồng Lĩnh đã email câu hỏi theo địa chỉ ông Minh cung cấp nhưng không được hồi âm. Phóng viên Hồng Lĩnh tiếp tục điện thoại cho bà Châu thì câu đầu tiên bà này trả lời rằng: “Anh hỏi bà chủ tịch tập đoàn ấy”, sau đó bà này lại nói tôi không còn làm cho Tân Tạo ở Kiên Giang nữa. Tư liệu chứng lý đang được phóng viên lưu giữ chặt chẽ.

Dù vậy, tác giả Hồng Lĩnh, trong bài viết cũng đã dẫn thông tin “Tại văn bản số 50 ngày 5-7-2010, gửi Cty TNHH Châu Phát, bà Vũ Thị Nga, TGĐ Vietnam Land viết: Do ông Trần Jimmy có nhiều biểu hiện tiêu cực trong vấn đề hợp đồng kinh tế nên đã bị bãi nhiệm kể từ ngày 20-5-2010. Văn bản này cho rằng ông Trần Jimmy đã tự ý nâng đơn giá hợp đồng nạo vét bùn với Cty Châu Phát vượt 46% so với giá đã xin ý kiến của hội đồng quản trị. Hiện toàn bộ hồ sơ các hợp đồng kinh tế liên quan đến ông Trần Jimmy đều đã được chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ. Vietnam Land sẽ không chịu thanh toán cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra”.

Như vậy, tác giả đã thông tin hai chiều, và vì vậy, Tập đoàn Tân Tạo không thể quy chụp phóng viên Hồng Lĩnh là “tiếp tay, bảo kê cho tội phạm”. Đó là chưa kể, nếu mới chỉ khởi tố vụ án để điều tra thì chưa khẳng định được ai có tội cho đến khi Tòa án xét xử, tuyên án. Báo Tiền Phong khẳng định, bài báo chuyển tải thông tin khách quan, trung thực, được thực hiện đúng quy trình tác nghiệp, đúng quy định của pháp luật, thể hiện quyền được thông tin của báo chí. Tiền Phong không vu khống ai, không tiếp tay cho tôi phạm và cũng không thể nào phá được công trình trọng điểm quốc gia như Tân Tạo suy diễn và quy chụp.

3. Việc Tập đoàn Tân Tạo trong văn bản viết: “Phía Tập đoàn Tân Tạo trước khi chưa đăng bài báo, chúng tôi đã thông báo tới phóng viên Hồng Lĩnh là các đối tượng quý Báo đang bênh vực (Jimmy Trần và đồng bọn) đã bị cơ quan an ninh Bộ Công an khởi tố, và đề nghị xác minh thông tin chính xác trước khi đăng tải nhưng phóng viên Hồng Lĩnh đã bỏ qua chi tiết này, nghiêm trọng hơn phóng viên Hồng Lĩnh tiếp tục phát tán hồ sơ qua email, điện thoại, thông tin sai sự thật “một chiều” gửi tới các báo bạn như Đài truyền hình Việt Nam, các phóng viên khác... để phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Chúng tôi đặt dấu hỏi rằng : phải chăng phóng viên Hồng Lĩnh được Jimmy Trần và đồng bọn thuê viết bài đăng trên Báo Tiền Phong”.

Báo Tiền Phong khẳng định: Đây là thông tin bịa đặt! Và hoàn toàn không có bất kỳ một đại diện của Tập đoàn Tân Tạo nào trực tiếp gặp phóng viên Hồng Lĩnh để thông báo những vụ việc liên quan đến họ. Chỉ có hai người, một tự xưng là phóng viên của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và một người xưng là phóng viên báo Quân đội Nhân dân điện thoại vào máy của phóng viên Hồng Lĩnh nói kiểu năn nỉ không đăng bài liên quan đến Tân Tạo lên báo Tiền Phong vì “là chỗ đồng nghiệp với nhau, vì Tân Tạo là đối tác truyền thông với đài bọn em, …”. Hồ sơ chứng lý đã được phóng viên Hồng Lĩnh tập hợp đầy đủ và báo cáo nghiêm túc.

4. Việc Tập đoàn Tân Tạo khiếu nại : “Quý báo công bố ông Jimmy Tran là chồng của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn là hoàn toàn chưa chính xác và tiếp tay cho hoạt động lừa đảo của Ông Jimmy Tran và một phụ nữ mà ông đã đưa đi giới thiệu là vợ và chủ tịch của Tập đoàn để lừa đảo, bàn việc ký kết Hợp đồng, nhận tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt hiện cơ quan pháp luật đang điều tra làm rõ”.

Về việc này, Báo Tiền Phong thấy rằng, chi tiết ông Jimmy Trần là chồng bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo nằm ở câu trích dẫn lời nói của bà Lê Thị Kim Châu, GĐ Cty TNHH Châu Phát. Trong hồ sơ của phóng viên cũng có bản sao Giấy đăng ký kết hôn của ông Jimmy Trần với bà Đặng Thị Hoàng Yến tại Hạt Haris, Bang Texas (Mỹ) ngày 14/8/2007. Và thực tế, ở thời điểm đề cập trong bài báo ông Jimmy Trần được giới thiệu ở rất nhiều nơi với tư cách chồng bà Đặng Thị Hoàng Yến. Tuy nhiên, mới đây bà Yến trực tiếp cho báo Tiền Phong biết hai người đã ly hôn.

5. Việc bài báo đăng phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương, rằng: “Những vấn đề liên quan đến đầu tư của Tập đoàn Tân Tạo vào tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh đang giao cho ông Phạm Vũ Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công nghiệp - xây dựng, rà soát lại xem thế nào. Tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch như vậy là rất chậm. Việc san lấp mặt bằng hiện vẫn chưa được bao nhiêu. Có thể họ khó khăn về tài chính”.

Báo Tiền Phong thấy rằng, đây là phát ngôn chính thức khi ông Chủ tịch tỉnh Kiên Giang làm việc với phóng viên (được lưu tư liệu), và với tư cách người đứng đầu UBND tỉnh, ông Bùi Ngọc Sương là người chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.

6. Kết luận

Ban Biên tập báo Tiền Phong căn cứ trên hồ sơ, tài liệu đầy đủ của vụ việc, khẳng định rằng tác giả bài báo đã nêu sự thực khách quan chứ không hề có cái gọi là “hoàn toàn bịa đặt, vu khống dựa trên thông tin thu thập từ kẻ phạm pháp và đồng bọn… để bảo vệ tội phạm” như đã nêu trong văn bản khiếu nại của Tập đoàn Tân Tạo. Ban Biên tập báo Tiền Phong nhận định lời lẽ trong công văn khiếu nại của Tập đoàn Tân Tạo là không bình thường, ở chỗ quy chụp tác giả và báo Tiền Phong một cách thiếu cơ sở; lại được gửi đi rất nhiều cơ quan và cá nhân không đúng thủ tục quy định của Luật Báo chí và các quy định hiện hành.

Báo Tiền Phong, cơ quan của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, luôn tuân thủ nguyên tắc sự thật, luôn ủng hộ các doanh nghiệp và mong muốn đóng góp ý kiến trong chức năng báo chí để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, và đóng góp lâu dài cho đất nước.

Toàn văn trả lời của Báo Tiền Phong (bản PDF)

Toàn văn văn bản khiếu nại của Tập đoàn Tân Tạo (bản PDF)