Vào lãnh địa 'cát tặc'

TP - Tiếng máy nổ rền vang từ các tàu hút cát, tiếng xe tải gầm rú nối đuôi nhau vào “ăn” cát… là cảnh thường thấy tại các bãi cát lậu trong hồ Dầu Tiếng, bất kể ngày hay đêm.
Đại công trường khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng. Ảnh: PV.

Giáp ranh 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, hồ Dầu Tiếng không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, nơi đây có trữ lượng cát khổng lồ nên “cát tặc” coi đó là lãnh địa vàng, ngày đêm vươn vòi khai thác.

Đại công trường

Từ TPHCM phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương - nơi được mệnh danh là “thánh địa” của “cát tặc”. Xã Minh Hòa khép mình bên lòng hồ Dầu Tiếng. Vùng quê hiền hòa này, thời gian gần đây bỗng nhiên sôi động bởi các đoàn xe tải, xe ben của doanh nghiệp và “cát tặc” đổ về khai thác cát.

“Mấy chú đi đâu?” - một người dân ở ấp Hòa Lộc hỏi. Khi biết chúng tôi muốn vào đại công trường khai thác cát ở phía hồ Dầu Tiếng, người này xua tay: “Coi chừng giang hồ đánh đó. Ở đây, hầu như người lạ mặt ít xuất hiện. Ngay cả người dân nơi đây cũng không bén mảng tới những nơi này bởi sợ nhóm tay chân của các chủ tàu “cát tặc” hỏi thăm”.

Trong vai những chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, chúng tôi tiến về các bãi tập kết cát nằm dưới rừng cao su, liền bị hai thanh niên xăm trổ đến chặn đầu. “Đi đâu?”- một thanh niên hỏi và yêu cầu cấm ghi hình vì thấy chúng tôi dùng điện thoại. Chúng tôi nói “đi mua cát” và đang chơi game không chụp hình, hai thanh niên này mới thôi bám theo.

Lọt qua rừng cao su, trước mắt chúng tôi là hồ Dầu Tiếng. Những nhánh suối chảy vào hồ đục ngầu không còn trong xanh như trước. Ở phía ngoài lòng hồ là một đại công trường với hàng chục tàu khai thác cát đang dùng “vòi rồng” hối hả vươn ra hút cát. Một số tàu hút cát dưới lòng hồ, sau đó xả thẳng lên bãi tập kết, nước đỏ đục tràn ra ngoài rồi lại chảy về hồ. Trong khi dọc ven lòng hồ là những hố sâu, lồi lõm như bãi chiến trường.

Ngoài lòng hồ hối hả bao nhiêu, phía trên bờ hồ tấp nập bấy nhiêu. Tại đây hàng nghìn khối cát được các doanh nghiệp khai thác tập kết về thành ụ cao như những quả đồi lớn. Những máy xúc làm việc hết công suất, đưa bàn tay khổng lồ ra “ngoặm” cát rồi hất đầy hàng chục chiếc xe container, xe ben gắn thương hiệu của doanh nghiệp Lan Phong. Hết xe này rời đi xe khác lại đến. Một số xe gia cố thùng cao lao đi cuốn theo đất và bụi cát bay mịt mù.

Theo quan sát của phóng viên, không chỉ hoạt động rầm rộ vào ban ngày, hằng đêm tại khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận xã Minh Hòa còn có hơn 50 chiếc tàu tham gia với khoảng 20 điểm bãi để bơm hút cát lên. “Ở dưới là đại công trường ghe tàu và vòi hút cát, còn ở trên bờ chúng tôi gọi là lãnh địa của cát. Dân chúng tôi sống nơi đây ngày nào cũng ngập ngụa trong bụi và tiếng xe gầm rú, chạy bạt mạng”- ông Trần N.A, ở xã Minh Hòa, than thở.

Đại công trường khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng. Ảnh: PV.

Bất lực nhìn “cát tặc” lộng hành

Dọc các bãi tập kết, để xe vào chở cát không bị “nhầm đường”, một số công ty có đặt bảng chỉ dẫn lối vào điểm khai thác cát của đơn vị mình, số khác lại lập bãi khai thác tự do không có biển. Theo quan sát, các công ty khai thác cát quy mô lớn như: doanh nghiệp tư nhân Lan Phong; doanh nghiệp Nguyễn Thắng; Xí nghiệp khai thác cát Dầu Tiếng; doanh nghiệp Nhân Hậu; Cty Trường Đại Phát…, đều có đội tàu từ 2-5 chiếc, kèm theo hàng loạt bến bãi tập kết cát ven hồ. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Lan Phong hoạt động khai thác cát có quy mô lớn nhất với đội ngũ xe tải, xe ben hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm.

Dù chính quyền nói liên tục kiểm tra, nhưng qua nhiều ngày theo dõi chúng tôi thấy, các hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ. Đặc biệt, tại phía hồ Dầu Tiếng thuộc xã Minh Hòa, các doanh nghiệp không được cấp phép vẫn vô tư khai thác. Khi có lực lượng chức năng xã Minh Hòa đến, các tàu tắt máy, sau khi lực lượng này rút đi mọi chuyện đâu vẫn vào đấy. Hàng chục “vòi rồng” lại hối hả hút cát xả thẳng lên các bãi tập kết.

Trên bờ, hàng chục xe trọng tải lớn ra vào chở cát băm nát những thân đường yếu ớt và đương nhiên, tịnh không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra xử lý. Các con đường vào lòng hồ Dầu Tiếng chỉ đủ cho 2 ô tô con tránh nhau nhưng có doanh nghiệp điều cả xe container, xe ben quá khổ, quá tải chạy với tốc độ cao vào tận lòng hồ. Nhiều người dân mỗi khi thấy xe ben chở cát chạy qua, đều dạt vào lề, thậm chí phải tránh vào nhà dân. Có một trạm cân và cảnh sát giao thông được đặt tại đây. Ngày 29/5, chúng tôi có mặt tại khu vực này quan sát, hàng chục xe ben, xe tải có logo của các doanh nghiệp chạy bạt mạng qua mặt lực lượng cảnh sát.

“Đường nhỏ nhưng xe container, xe ben chạy tốc độ cao né tránh nhau rất nguy hiểm. Con đường khoảng 1km từ các bãi khai thác cát ra đường lớn là nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây. Trên con đường này đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Gần đây nhất, chiếc xe ben chở cát tông cô gái đang mang thai. Kinh hoàng hơn là chiếc container đang chạy thì bánh sau rơi ra ngoài trúng người đàn ông đi đường khiến người này nguy kịch”, bà Ng.T.V, ngụ ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa kể lại.

Nguồn nước bị ô nhiễm nặng, xe tải chạy liên tục gây tiếng ồn, khói bụi, đe dọa tính mạng người tham gia giao thông…, nhưng theo người dân, họ liên tục phản ánh đến chính quyền song đến nay chưa ai đứng ra bảo vệ họ. Trao đổi với Tiền Phong, đại diện chính quyền xã Minh Hòa nói không đủ thẩm quyền để có thể xử lý các điểm khai thác cát ở địa bàn này. “Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân ngụ nơi đây đã phản ánh rất nhiều việc khai thác cát bừa bãi trên hồ Dầu Tiếng gây ra vô số hệ lụy. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ghi nhận để tham mưu lên cấp trên chứ không đủ thẩm quyền để xử lý. Các trường hợp khai thác trái phép cát, khi phát hiện, xã cũng chỉ lập biên bản rồi gửi lên trên”, người này nói.

Xe chở cát quá tải đi qua trạm CSGT không bị dừng lại kiểm tra. Ảnh: PV.

Dầu Tiếng không của riêng ai!

Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, có 270 km2 diện tích mặt nước và 45,6 km2 đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỷ m3 nước. Hồ cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp cho TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An; cung cấp nước tưới trực tiếp cho 100.000 ha đất nông nghiệp 1 vụ cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và TPHCM; tạo nguồn tưới cho vùng hạ du sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông với diện tích 40.140 ha.

Thời gian gần đây, lòng hồ Dầu Tiếng đang bị “rút ruột” không thương tiếc, nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Trước vấn nạn “cát tặc” hoành hành, ngày 20/5, đích thân Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp phép khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng, đồng thời có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng cũng giao chủ tịch UBND 3 tỉnh này phải chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc khai thác cát tại lòng hồ Dầu Tiếng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8.

Thế nhưng những ngày qua “cát tặc” vẫn lộng hành rút ruột lòng hồ Dầu Tiếng. Đại diện Cty TNHH MTV Dầu Tiếng - Phước Hòa, đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng cho biết, hiện trên lòng hồ Dầu Tiếng có 19 đơn vị được cấp phép khai thác cát. Theo quy định, số lượng tàu khai thác cát tại đây chỉ tối đa 100 chiếc, nhưng thực tế ghi nhận của các cơ quan chức năng và phóng viên có đến 240 tàu đang hoạt động thường xuyên tại đây.

Cũng theo vị đại diện này, trong quá trình khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng, nhiều doanh nghiệp dùng tàu hút cát vượt mức được cấp phép, tự thành lập bến bãi tập kết cát trên diện tích đất nông nghiệp trái quy định và có hành vi trốn thuế. Thậm chí, một số đơn vị còn đưa xe có tải trọng lớn vào các bãi tập kết cát trong lòng hồ và gần chân đập, nguy cơ gây mất an toàn cho đập chứa.

Vẫn xin “rút ruột” hồ Dầu Tiếng

Trong khi cơ quan chức năng đang bất lực với nạn khai thác cát lậu trên lòng hồ Dầu Tiếng, mới đây doanh nghiệp tư nhân Lan Phong ở huyện Dầu Tiếng lại gửi đơn đến Sở TN&MT tỉnh Bình Dương xin được thăm dò, khai thác cát xây dựng trên địa bàn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Theo tài liệu mà Tiền Phong có được, sở này đã tham mưu lên cho UBND tỉnh Bình Dương để cho doanh nghiệp này xin khai thác cát tại suối nhánh và hồ Dầu Tiếng với diện tích 30ha. Trước đó, năm 2015, doanh nghiệp này cũng đã gửi đơn đến Sở TN&MT Bình Dương xin thăm dò và khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống vi phạm khai thác cát, sỏi ở đây nên sở này đã không tham mưu cho tỉnh. 

Trao đổi với Tiền Phong sáng 1/6, ông Phạm Danh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cho biết, sở đã nghe Phòng TN&MT huyện Dầu Tiếng báo cáo về tình trạng khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng và đã vào cuộc thanh tra. “Phòng TN&MT Dầu Tiếng có tham mưu hướng xử lý đối với các bãi cát trên địa bàn. Tình trạng khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng chủ yếu từ phía tỉnh Tây Ninh, riêng phía Bình Dương chúng tôi thường xuyên tổ chức lực lượng thanh kiểm tra”, ông Danh nói. 

“Cát tặc” vây Dầu Tiếng tứ bề

Trong khi phía bên hồ Dầu Tiếng đoạn thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, có đến hàng chục điểm khai thác cát lớn, nhỏ khác nhau thì phía bên địa phận huyện Dương Minh Châu và Tân Châu thuộc tỉnh Tây Ninh cũng tấp nập tàu cát vươn “vòi rồng” ngày đêm khai thác.

Dọc đường ven hồ đi qua địa phận hai xã Phước Minh của huyện Dương Minh Châu, hàng trăm ghe tàu đang hoạt động khai thác cát rầm rộ. Theo Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh, có 15 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng. Nhưng thực tế, con số này gấp đôi, bởi một số đơn vị không được cấp phép nhưng mượn bến bãi của các đơn vị khác khai thác lậu. Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang 5 tàu vỏ sắt cùng 10 người đang hút cát trái phép trong hồ Dầu Tiếng ở địa bàn giáp ranh giữa xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.