Vào công viên xem đá và đất?

TP - Cuối tháng 9, Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu do UNESCO bảo trợ khẳng định Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) tiếp tục nằm trong danh sách 111 thành viên trên khắp thế giới. Đồng nghĩa đánh dấu thương hiệu quốc tế về du lịch và mở ra hướng mới cho các khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta.

Khu bảo tồn Na Hang có thể trở thành công viên địa chất

Hài hòa Đồng Văn

Chẳng phải bây giờ người ta mới lên Đồng Văn ngắm đá. Nhưng mà ngày trước, dân tour tới đây thường nhằm khám phá từ rặng đá tai mèo đến sức dẻo dai của bản thân. Vì đường sá xấu lắm, tiện nghi vật chất hầu như không có. Hợp với người thích phiêu lưu, không hợp với đa số.

Từ khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (năm 2010), mọi thứ đã tốt dần đều nhờ du lịch. Quãng hai phần ba thời gian năm nay đã có hơn 400.000 khách tới, bằng cả năm ngoái. Mà lên Hà Giang sao có thể bỏ qua Đồng Văn?!

Đồng Văn nhiều cảnh đẹp. Xin mượn lời anh Kevin (Úc): “Mấy ngày chỉ để lên xuống các con đường, tôi không thể rời mắt khỏi cảnh quan. Đẹp. Khỏi cần nói nhiều, chỉ cần đi”. Đồng Văn giàu văn hóa địa phương.

“Ngọn núi đá vôi kết hợp với cuộc sống của đồng bào dân tộc đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi” - Hakota, du khách Nhật, phản hồi sau khi thăm cao nguyên đá.

Giá trị của đá đã được thế giới công nhận. Giá trị văn hóa cũng đang nâng tầm. Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá và Lễ hội năm mới của người Giáy, Mèo Vạc mới được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, việc phát lộ một loạt di tích khảo cổ mới chứng tỏ Đồng Văn sẵn sàng cho lộ trình xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tới 2030.

Cái chất của du lịch địa chất

Về du lịch địa chất, TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản, nói: “Cũng là tour leo núi hay chèo thuyền qua thác được lồng vào bối cảnh công viên địa chất. Khách vừa khám phá vừa tăng vốn kiến thức thông qua giới thiệu lịch sử kiến tạo vùng đất và các truyền thuyết xung quanh”.

“Cái hay ở chỗ nếu là khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn quốc gia thì cũng chỉ ở cấp độ tỉnh, quốc gia. Còn chuyển sang hình thức công viên địa chất sẽ mở ra cơ hội được công nhận toàn cầu giá trị vượt hơn hẳn. Trên thế giới, nhiều khu vực chuyển đổi như thế đã tạo thương hiệu quốc tế”.

TS Trần Tân Văn -Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản

Công viên địa chất không thể chỉ toàn địa chất. Đất và đá, ai xem? Phải có chỗ này mấy món di sản văn hóa, chỗ kia khảo cổ, xa xa là khu rừng với vài con voọc… Đặc biệt không thể thiếu di sản phi vật thể. Phải tạo nên một khu vực giàu giá trị văn hóa khảo cổ mới hấp dẫn du khách.

Nước ta không thiếu nơi đảm bảo được yêu cầu trên. Mới khảo sát miền Bắc đã khoanh tới 15 khu vực có triển vọng.

Trong đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang) đang chuẩn bị hồ sơ thành lập công viên địa chất. Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), di sản thiên nhiên của ASEAN, cũng hội tụ các yếu tố cần thiết.

Còn chưa kể miền Trung, miền Nam. Nghe đâu dự tính hình thành một mạng lưới quốc gia với các điểm nhấn vươn ra quốc tế. Nếu mọi chuyện thuận lợi, chúng ta sẽ có thêm vài công viên địa chất toàn cầu nữa rải từ Bắc vào Nam.

“Địa phương bảo vệ và khai thác di sản. Không phải núi đấy đá đấy cứ đào về mà dùng. Khai thác đi đôi với xây dựng giá trị văn hóa tạo ra những tour du lịch chất lượng. Khai thác bền vững, không hủy hoại cũng là ý nghĩa của du lịch địa chất”, TS Văn nhận định.

Tuy nhiên, vẫn mới là dự tính. Còn người Việt làm du lịch thế nào, ai cũng biết rồi. Cách làm “chặt gốc lấy ngọn” cần thời gian để thay đổi.

Công viên địa chất muốn được Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO công nhận phải có một số điểm di sản mang ý nghĩa quốc tế như các hẻm vực, hang động, hóa thạch, miệng núi lửa, hồ nước hoặc thác nước..., tương tự những gì vùng đá vôi rộng lớn của cao nguyên đá Đồng Văn đã có.