Với Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh nói riêng và với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung, dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là mối liên kết, là động lực quan trọng để kiến tạo không gian phát triển mới. Thực hiện thành công, dự án trên mở ra “cánh cửa” bài học, kinh nghiệm cho các địa phương, cho các vùng miền về cơ chế phối hợp, tăng cường mối liên kết để cùng nhau phát triển.
Có thể nói một trong những hạn chế trong phát triển kinh tế vùng hiện nay là tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu tính liên kết, đồng bộ giữa các địa phương. Tại Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng Vùng đồng bằng Sông Hồng đã phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế là do liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Chất lượng quy hoạch vùng và địa phương trong vùng thấp, thiếu liên kết; tình trạng tuỳ tiện trong điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến. Nguồn lực bố trí thực hiện các công trình, dự án có tính liên kết vùng gặp khó khăn.
Để khắc phục những bất cập hạn chế trên, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị xác định việc phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng, hạ tầng số, hạ tầng đô thị, các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai, các trục hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh; khẩn trương hoàn thành các tuyến Metro tại Thủ đô Hà Nội.
Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc... Về mục tiêu cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2030, hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm và các tuyến vành đai vùng Thủ đô (ưu tiên vành đai 4, vành đai 5).
Phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, anh ninh ở Vùng đồng bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cả nước vì đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước; phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và tiềm năng, lợi thế vượt trội để luôn luôn xứng đáng là trung tâm chính trị đầu não quốc gia; là một trong hai động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho việc hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”…
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, Chính phủ, Quốc hội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa trong việc thực hiện dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô.
Tại các cuộc họp về phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó có dự án Vành đai 4 nói riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, đây là các dự án hạ tầng rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị cho các địa phương trong vùng. Tuyến đường sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố Hà Nội và các tỉnh xung quanh, tạo kết nối về kinh tế vùng, giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc đầu tư hoàn thành dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông qua gia, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.
Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai đầu tư dự án. Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn (giai đoạn 2021- 2025) đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương để thực hiện các dự án. Cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ hồ sơ; cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, GPMB… Trong giai đoạn triển khai dự án, cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án… Phân chia dự án thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, dự án Vành đai 4 đảm bảo được tính kết nối, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; mở rộng được không gian phát triển cho Hà Nội và cho cả vùng. Nâng cao được sức cạnh tranh, tạo động lực cho phát triển. “Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Dũng nói
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8 km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Nghị quyết là kết tinh quyết tâm, tầm nhìn và khát vọng của Quốc hội, cử tri và nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị mà sẽ tạo nên sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông cũng lưu ý, đây là cao tốc của vành đai cho nên khi tuyến đường hình thành, khu vực lân cận sẽ có các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối…
“Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển các vùng này, nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Chính vì vậy, việc áp dụng cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này là điều vô cùng quan trọng”, GS Cường cho hay.
“Đây dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương…. Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.
Đặt kỳ vọng lớn vào dự án giao thông trọng điểm này, TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, hai từ khóa “đường cao tốc” và “thể chế đặc thù” hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế. Nhưng để đạt được mục tiêu này, rất cần có những cơ chế đột phá về tư duy.
“Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, nhưng chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính, để có thể khơi thông những điểm nghẽn, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước”, TS. Lộc bày tỏ.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), việc triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm này là một bước cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Với dự án Vành đai 4, không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung.
“Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh, thành phố trong vùng, giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đây, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế, gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng”, ông Thắng nhận định.