> Triều Tiên sắp xây khu du lịch đẳng cấp thế giới
> Nối lại đàm phán Liên Triều
Ra khỏi “thiên đường”
Thật bất ngờ khi đến Làng an dưỡng Ba Thương (huyện Củ Chi, TPHCM) tôi gặp một cặp cô dâu chú rể đang chụp hình đám cưới trong làng! Ở đây, những con đường rợp cây xanh, thậm chí con đường dẫn đến toa lét công cộng cũng đi giữa hai hàng cau. Nhà thủy tạ mọc giữa hồ sen, nhà ngâm thơ, nhà tập thiền, sân thể dục, hồ nước lung linh, trong đó đặt con thuyền gỗ nhỏ, một khu biểu diễn nghệ thuật và xem phim. Khung cảnh làng dưỡng lão đẹp không thua kém gì một khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho giới thượng lưu!
Những ngôi nhà dành cho người già được xây riêng biệt, gồm bốn phòng, mở cửa ra bốn phía. Mỗi phòng hơn 20 mét vuông trang bị ti vi, tủ lạnh, điều hòa, như phòng khách sạn. Các cụ già được nấu cơm theo từng thực đơn riêng. Đội ngũ điều dưỡng viên được đào tạo luôn theo dõi sức khỏe của họ.
Giang, một nhân viên ở làng dưỡng lão, nói: “Ở đây có cả các cụ trong nước và các cụ Việt kiều cùng an dưỡng. Làng được xây dựng từ năm 2007, trải nhiều thăng trầm”. Cụ lớn tuổi nhất là 92 tuổi, người Sài Gòn. Còn các cụ đa số trên 70 tuổi. Cụ Ái - Việt kiều cao tuổi nhất 85 tuổi.
Các cụ già Việt kiều, hoặc người Việt Nam nhưng con cái ở nước ngoài, đều khá cô độc nên đã tìm tới làng dưỡng lão. Nhiều người thích không khí yên tĩnh ở đây nhưng không chọn nơi đây làm chỗ nghỉ dưỡng cuối đời, bởi mô hình này còn quá mới và giá cả không rẻ.
Người ở ít thì chừng vài tháng, có người ở chừng một năm. Cá biệt có người đã ở làng bốn năm. Nhiều người mất vợ hoặc mất chồng. Nhưng cũng có hẳn một cặp vợ chồng già đang ở trong làng giữa phong cảnh đẹp như mơ.
“Người ta cứ ở rồi đi. Có người phải về nước ngoài lãnh tiền trợ cấp rồi quay lại. Có người đi về nước ngoài rồi kẹt, chưa thấy về”. Giang nói “nhân viên trong trại thường nhận được những lá thư gửi về từ Mỹ, châu Âu, cám ơn sự chăm sóc của làng”. Anh Hải, nhân viên của làng nói: “Ai cũng mong ngày trở lại. Các cụ ra đi, buồn lắm”.
Bà Long đã ở bốn năm trong làng dưỡng lão. Năm nay bà 83 tuổi. Bà thích không khí ở Việt Nam. Về nước, bà được nghe tiếng Việt hàng ngày, trò chuyện với người cùng trang lứa, ăn những món yêu thích. Điều đó khác nhiều với khi bà ở Mỹ. Nhưng khi tôi đến, bà Long cũng chuẩn bị rời khỏi làng an dưỡng. “Người ta đã thông báo tạm ngưng nhận khách để thay đổi hình thức kinh doanh” – người nhà của các cụ nói.
Dạo quanh một vòng, thấy Làng an dưỡng vắng tanh. Cảnh đẹp, nhưng chẳng có người già. Một người con (gần 60 tuổi) từ Tây Ninh lên thăm mẹ, ngồi buồn bên bậu cửa, nói: “Làng bảo chúng tôi đưa các cụ về để họ nâng cấp sửa chữa. Chúng tôi còn có nhà đưa mẹ về, những người không có nhà cửa ở Việt Nam thì sao đây?”. Cô cho biết phần lớn các cụ già đã ra khỏi làng Ba Thương.
Giấc mơ quá lớn?
Anh Tùng làm giám đốc điều hành làng Ba Thương đã 7 năm, nói: “Đầu tư vào làng quá lớn mà tiền thu được không đáng kể, thu không đủ bù chi, liên tục thua lỗ, không thể duy trì mô hình cũ được nữa”. Theo anh Tùng, số cụ ở Việt Nam vào làng không nhiều: “Quan niệm của người Việt ta còn nguyên nếp cũ. Người nào quan niệm thoáng lắm mới đưa cha mẹ vào làng dưỡng lão, đa số vẫn để các cụ ở nhà thôi. Việt kiều thì thoáng rồi, nhưng không lẽ chúng tôi chỉ nhận khách Việt kiều? Hơn nữa, chúng tôi không thể áp dụng hai mức giá cho các cụ”.
Mức giá hiện tại áp dụng chung là 8 triệu đồng/ tháng. Giám đốc điều hành nói: “Với các cụ trong nước, mức 8 triệu đồng mỗi tháng đã than mắc, làm sao tăng lên 20 -30 triệu được. Không có tiền làm sao duy trì phát triển? Chúng tôi có hơn 80 phòng, nhưng hiện chỉ có mười mấy cụ thôi”.
Sau 5 năm đưa vào sử dụng, phòng ốc bắt đầu xuống cấp. Anh Hải, nhân viên của làng nói: “Tôi làm bảo vệ, có tháng lương được hơn một triệu đồng. Sống giữa nơi tiên cảnh, nhưng lại không có tiền. Chỉ vì chữ tình mà làm thôi”. Nhiều người cho rằng mức thu 8 triệu mỗi tháng quá cao so với mức sống của người già Việt Nam. Bởi vậy ít khách. Một Việt kiều nói rằng: “Các cụ Việt kiều không hẳn ai cũng giàu có. Bằng chứng nhiều người chỉ có thể lưu lại vài ba tháng để an dưỡng, rồi họ lại về Mỹ, về châu Âu”.
Anh Hải cho biết: “Ông giám đốc cũ đã cùng anh em dựng lên làng an dưỡng Ba Thương từ mảnh ruộng để thành làng nghỉ dưỡng tiêu chuẩn châu Âu”. Nhưng rồi, khách trong nước thì ít, khách Việt kiều đến rồi đi. “Tình hình kinh tế rất bi đát – anh Hải nói – giám đốc cũ đột quỵ qua đời khi mới hơn 50 tuổi”.
Có còn ngày trở lại?
Mới đây, một bác sĩ Việt kiều đã quyết định mua lại dự án để duy trì và phát triển làng. Gặp vị giám đốc mới, ông cho biết: “Trước kia là làng an dưỡng, nay tôi nâng cấp thành làng nghỉ dưỡng. Tôi đặt lại tên là thôn Kinh Đông vì ở đây có con kinh Đông”.
Người chủ mới là Việt kiều Pháp, ông đánh giá: “Việt Nam mình chưa nơi dưỡng lão nào đáp ứng được tiêu chuẩn trại dưỡng lão châu Âu, trừ cái làng này. Ở nước Pháp có trên 4.000 cái như vầy”.
Người chủ mới than phiền, hiện còn hơn chục giường có khách, nhưng điều kiện chăm sóc người già rất thiếu thốn: “Chúng tôi phải nâng cấp làng này thành nơi nghỉ dưỡng. Chúng tôi đang làm sân đánh golf, sân quần vợt, bể bơi. Như thế, làng có thể đón được những Việt kiều về Việt Nam chăm sóc bố mẹ có nơi lưu lại, tăng doanh thu, lấy tiền nuôi các cụ. Chúng tôi sẽ đón nhiều khách nghỉ dưỡng hơn, không kể tuổi tác, và nhiều Việt kiều về hơn”.
Được biết, khoảng cuối năm làng sẽ hoạt động trở lại.
7/2013
Làng dưỡng lão Việt kiều đẹp nhưng vắng tanh
Một gia đình ở Bến Cầu, Tây Ninh tâm sự rằng đang chuẩn bị đưa mẹ về nhà. Bà cụ đang đọc kinh. Người con gái nghe phong thanh, “sau khi nâng cấp sửa chữa, sẽ đón khách trở lại, nhưng mức giá có thể cao hơn rất nhiều”.
Cô nói: “Hẳn làng sẽ còn đẹp hơn bây giờ. Nhưng, với mức thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam như chúng tôi, thì có lẽ càng ít người già trong nước có thể nghỉ dưỡng được trong ngôi làng đạt tiêu chuẩn quốc tế này”.