Chiều 5/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 8 địa phương vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về tình hình và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, chăm lo đời sống cho nhân dân.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.
Thủ tướng đề cập một số vấn đề cần suy nghĩ, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới như, việc phối hợp, cảnh báo, dự báo phải nhịp nhàng, khoa học, không lúng túng, bị động, bất ngờ. Rà soát lại hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là các hồ chứa. Tăng cường năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai; đề cao ý thức người dân…
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục bám sát, dự báo tình hình, diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để người dân và các địa phương chuẩn bị phòng chống, ứng phó.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”, không để dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh.
Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai tại miền Trung, Nam bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện. Nâng cao khả năng dự trữ nước của các hồ đập, xây dựng các kịch bản vận hành chung và đặc thù phù hợp từng hồ đập, từng thời điểm, từng địa bàn…
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, lập quy hoạch, triển khai di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết đến nay, tình hình mưa lũ đã giảm; cơ bản các tuyến đường đã thông xe; mực nước các sông đã xuống dưới báo động 1; người dân, chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất. Tuy nhiên việc khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn, do điều kiện địa phương hạn chế, trong khi thiệt hại lớn.
Đặc biệt, qua đợt mưa lũ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như các hồ có dung tích cắt lũ nhỏ; công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh còn một số bất cập về quy trình, các điều kiện bảo đảm vận hành, thông tin và bảo đảm an toàn hạ du... khiến công tác phòng, chống lũ lụt hiệu quả chưa cao.