> Người từ chối giải Nobel Hòa bình
> Trích đoạn chuyện đánh - đàm Ba Lê
Cuộc phỏng vấn thú vị
Trong số cán bộ phục vụ, ông Lưu Văn Lợi là người hiếm hoi chứng kiến từ đầu đến cuối. Những dòng ghi chép với chức phận người thư ký có những dòng đại loại:
Tôi đã có 15 câu hỏi của bà, tôi có thể trả lời tổng hợp vào 4 vấn đề. Về giác ngộ cách mạng của tôi. Những khó khăn trong công tác mà tôi đảm nhiệm và ước vọng của tôi. Về Hội đàm Paris trong đó có 3 câu hỏi của bà. Câu hỏi về Hiệp định Paris. Về ông Kissinger trong Hội đàm. Về giải thưởng Nobel. Bà còn có câu hỏi, làm việc trong tập thể Bộ Chính trị, tôi thuộc phái nào? Diều hâu hay bồ câu?
Vào thời điểm ông Lê Đức Thọ từ chối giải Nobel Hòa bình, bằng chất giọng ôn tồn điềm tĩnh, ông cố vấn truyền đạt lại cho người thư ký nội dung trả lời Ủy ban Giải thưởng Nobel... Có một chút tò mò háo hức, tôi rụt rè đề nghị ông Lợi cho xem nội dung.
Ông Lợi ngồi lặng một lát như đang nhớ lại điều gì. Rồi ông đứng dậy, chậm chạp lên gác. Trong tay ông là một xấp giấy. Háo hức đón lấy. Thì ra, người thư ký năm xưa vẫn vẹn nguyên sự cẩn trọng cần thiết? Trên tay tôi vẫn là nội dung bản trả lời phỏng vấn của bà phóng viên UPI.
Tôi hiểu, trả lời của ông Lê Đức Thọ với bà phóng viên Mỹ gần như là toát yếu nội dung thư phúc đáp Ủy ban Giải thưởng Nobel mà ông Thọ là tác giả.
"Bây giờ tôi nói về Giải thưởng Nobel. Chúng tôi biết, Giải thưởng Nobel là một giải thưởng lớn với thế giới. Từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tại sao tôi không nhận? Tôi không phải có khó khăn như bà nói đâu. Chỉ một điều là ai làm cho hòa bình? Bà biết rằng đây là giải thưởng Nobel cho hòa bình.
Mỹ tiến hành xâm lược đất nước tôi 20 năm. Người chống Mỹ và làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập đưa hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ.
Trong thư gửi Ủy ban Giải Nobel, tôi đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào? Nhưng Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel!
Bây giờ Việt Nam đã thống nhất, ông có nhận lại giải thưởng đó không?
Về cơ bản với tính chất của giải thưởng đó nó đã sai lầm ngay từ đầu, sai lầm cơ bản. Nếu bây giờ có giải thưởng riêng cho tôi thì tôi nhận.
Nhưng dù sao ông vẫn đi vào lịch sử như là người đã giành được giải thưởng đó?
Lịch sử ghi lại như vậy. Như đối với chúng tôi đó cũng là điều mà Ủy ban giải Nobel có sai lầm. Một sai lầm đáng tiếc".
Coi qua biên bản bài phỏng vấn nữ phóng viên UPI, thú vị khi biết thêm chi tiết về... những cái đập bàn của cố vấn Lê Đức Thọ!
Cũng cần nói thêm, những cái đập bàn ấy nó lạ đến mức các yếu nhân như Thủ tướng Trung Hoa Chu Ân Lai, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Gromyko phải lấy làm ngạc nhiên (có lẽ mình chả thể hành xử được như ông Lê Đức Thọ nọ trước người khổng lồ Cố vấn an ninh Kissinger và ông này sau là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ?) Gẫm thêm thời điểm ấy, và cả cho đến sau này, trong số các chính khách hành tinh, hình như chưa có ai dám hành xử đại loại thế?
Xin trích ra đây câu hỏi của nữ phóng viên UPI:
"Trong trường hợp nào ông nói rằng Kissinger là người nói dối?
Trong khi hội đàm với ông ấy, nhiều khi ông ấy (Kissinger - NV) đồng ý rồi ngày mai lại lật ngược! Cho nên quá trình đàm phán những lúc như vậy tôi đã dùng những câu như vậy. Có lúc tôi cũng đập bàn. Ngoại trưởng Pháp Dobre hỏi tôi, có phải ông bảo Kissinger là người nói láo không, tôi bảo phải và ông ấy từng viết trong hồi ký như vậy. Khi trở về Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai hỏi có phải đồng chí đập bàn khi hội đàm với Kissinger không? Tôi trả lời đúng".
Có chuyện ép Mặt trận Quảng Trị?
Ngập ngừng nhưng rồi trong không khí chuyện trò cởi mở, tôi cũng bộc bạch ra được với ông một băn khoăn... Gần đây có dư luận, cụ thể là một cuốn sách đang xới lên việc những người chỉ huy chiến dịch Quảng Trị năm 1972 từng phải chịu rất nhiều áp lực từ các cuộc Hội đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ!
Rằng không hiểu ông Lê Đức Thọ bằng con đường nào, đã thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn đang tham chiến ở Mặt trận Quảng Trị không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Rằng ngay từ năm 1972 nhiều ý kiến phàn nàn “Cố đánh Quảng Trị là do nhu cầu đàm phán” v.v…
Ông Lợi vẻ nhẫn nhịn ngồi nghe… Để ý suốt cả cuộc nói chuyện, ông hầu như không ngắt lời khách. Thái độ ấy như là một thứ gien trội luôn thường trực của những người ở ngạch ngoại giao? Mãi một lúc, giọng ông mới khẽ khàng:
Như mọi người đều biết, sau chuyến thăm Bắc Kinh của TT Mỹ R. Nixon ngày 22-3-1972, Mỹ tuyên bố ngừng họp Paris vô điều kiện.
Ngày 30-3-1972, Quân giải phóng miền Nam mở chiến dịch Xuân Hè tấn công từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngày 6-4-1972, TT Mỹ R. Nixon ra lệnh ném bom lại miền Bắc VN.
Sau chuyến thăm Matxcơva tháng 5-1972, ngày 11-6-1972 đoàn Mỹ gửi công hàm cho đoàn ta ở Paris đề nghị nối lại cuộc gặp riêng vào ngày 28-6-1972.
Thời điểm đó, ta đã giải phóng được Quảng Trị và Lộc Ninh. Trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng so sánh thế lực giữa ta và địch trên chiến trường quan hệ Mỹ - Xô - Trung và tình hình nội bộ chính trị nước Mỹ, Bộ Chính trị quyết định đã có thể tới lúc đi vào giải pháp đàm phán ở Paris.
Cố vấn Lê Đức Thọ sẵn sàng gặp riêng Kissinger chậm nhất là vào ngày 15-7-1972.
Một cuộc họp kín giữa Lê Đức Thọ và Kissinger đã được đôi bên thỏa thuận vào ngày 2-5-1972. Tình hình chiến trường đã giúp phái đoàn ta đến Paris với một tư thế ngẩng cao đầu.
Sáng 1-5-1972, Quân giải phóng chiếm cầu Quảng Trị và sân bay. Ngày 2-5-1972, Quảng Trị được giải phóng.
Một tuần trước đó, Quân Giải phóng đã triển khai một cuộc tấn công lớn đe dọa Kontum và Pleiku; tiêu diệt khoảng một nửa Sư đoàn 22 của Sài Gòn. An Lộc, một thị xã cách Sài Gòn hơn 100 km cũng gần như thất thủ.
Gần sát cuộc gặp, Sư đoàn 3 của Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt hoàn toàn. Ở Quảng Trị, nhiều đơn vị Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy tán loạn.
Nhiều thời điểm chúng ta đã nhuần nhuyễn khéo léo phối hợp hiệu quả giữa chính trị - quân sự - ngoại giao. Những dẫn chứng trên đây chứng tỏ sự nhịp nhàng giữa đánh và đàm, kết hợp giữa thực tế chiến trường với bàn đàm phán (Đánh đàm Nam Bắc hai tay/Anh đi muôn dặm trời Tây gập ghềnh - thơ Tố Hữu tặng Lê Đức Thọ - NV).
Và mọi người đều biết, sau đó chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, ta đã chịu nhiều tổn thất.
Việc rút khỏi Thành cổ sau 81 ngày đêm chiến đấu một cách bi hùng không thể nói là không ảnh hưởng đến bàn đàm phán nhưng không làm thay đổi cục diện cũng như quan điểm cuộc đàm phán Paris.
Cũng cần nói thêm một điều hiển nhiên, quyết định thành bại ở chiến trường phải là người lính là sự phối hợp, điều phối chỉ huy từ Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu đến Tư lệnh các chiến trường trong việc tiến công lẫn phòng ngự. Nếu nói cố đánh Quảng Trị do nhu cầu đàm phán là hạ thấp vai trò của chỉ huy cũng như người lính!
Còn nói đồng chí Lê Đức Thọ không rõ bằng con đường nào, đã thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn đang tham chiến ở Mặt trận Quảng Trị không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh là chưa hiểu thực tế thông tin liên lạc đặc thù cũng như cung cách thông tin thời điểm đó trên mặt trận ngoại giao.
Qua câu chuyện tất nhiên còn nhỏ giọt (có thể đến thời điểm này chưa phải toàn bộ tài liệu về cuộc hòa đàm Ba Lê đều đã được giải mật?) của người thư ký, tôi tạm hiểu toàn bộ các bức điện từ thông thường đến Mật cũng như Tối mật liên quan đến cuộc đàm phán, sau khi được mã hóa đã được chuyển từ Hà Nội đi Matxcơva qua thiết bị riêng do Liên Xô giúp đỡ.
Từ Matxcơva, những thông tin ấy lại được chuyển tiếp qua kênh liên lạc đặc biệt đến Trụ sở Phái đoàn ta ở Paris. Điện đi, điện về đều phải được tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt. Quy trình ấy có sự tham gia của cá nhân và các bộ phận có trách nhiệm.
Do công việc, ông Lợi đều phải tiếp cận với những thông tin đó với các cấp độ mật khác nhau. Vậy nói ông Lê ĐứcThọ điện trực tiếp cho các sư đoàn (?) đang tham chiến, là điều không thể.
Mười năm nữa sẽ là thời điểm 50 năm kỷ niệm cuộc Hòa đàm Ba Lê. Nhưng tại sao đợi phải mươi năm nữa mới phát lộ những điểm son điểm sáng: Câu chuyện mà người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện... Ba Lê này? Những chuyện Kissinger bí mật thăm Hà Nội ngày 12,13 tháng Giêng năm 1973. Chuyện tại sao Lê Đức Thọ lại không tiếp tục viết hồi ký ( mặc dầu đã từng được khởi thảo).
Chuyện thư ký Lưu Văn Lợi theo đồng chí Lê Đức Thọ vào chiến trường miền Nam rồi cả chuyện ông được trực tiếp nghe đồng chí Lê Đức Thọ kể lại hoàn cảnh đầu những năm 1950 quyết định cử Phạm Xuân Ẩn khi đó 28 tuổi (sau này là tướng tình báo, Anh hùng LLVT) đi học bên Mỹ như thế nào.
Và chuyện của ông Lợi trở lại công việc bỏ dở ở Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô 18 năm trước...) Kẹt khuôn khổ bài báo dịp 40 năm này có hạn, xin kính khất bạn đọc một lần khác...
Còn nữa