Ưu đãi cho sinh viên sư phạm, đầu vào không bằng đầu ra

TPO - Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo đề xuất bỏ chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm, thay bằng chính sách ưu đãi cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng. Đề xuất này được nhiều người ủng hộ song không ít chuyên gia vẫn nhận định: ưu ái đầu vào không bằng chính sách cởi mở cho đầu ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo đề xuất bỏ chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo đề xuất bỏ chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm, thay bằng chính sách ưu đãi cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng. Cụ thể hình thức thực hiện như sau: Sinh viên sư phạm lập hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng chính sách xã hội, các khoản vay tín dụng bao gồm: Học phí: Mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học.

Sinh hoạt phí: để chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo, định mức: 3- 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học tương đương 30 - 35 triệu/1 năm (định mức này vận dụng mức sinh hoạt phí cho lưu học sinh Lào và Campuchia diện Hiệp định học tập tại Việt Nam theo Thông tư số 140/2014/TT-BTC ngày 24/9/2014 của Bộ Tài chính).

Về cơ chế bồi hoàn học phí và sinh hoạt phí: Sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu trong thời gian 5 năm sẽ không phải trả khoản tín dụng học phí và sinh hoạt phí.
Nếu trong vòng 2 năm sau khi ra trường, sinh viên không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải thực hiện hoàn trả khoản vay học phí và sinh hoạt phí trong vòng 3 năm tiếp theo.

Sinh viên ra trường có làm trong ngành sư phạm, tuy nhiên thời gian công tác trong ngành chưa đủ 5 năm cũng sẽ phải hoàn trả khoản vay học phí và sinh hoạt phí.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, cả nước hiện có khoảng 40.000 cử nhân sư phạm đang thất nghiệp. 

Lí giải cho việc bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, Bộ giáo dục cho rằng, tỷ lệ sinh viên sư phạm tốt nghiệp và có việc làm trong ngành giáo dục sau 3 tháng là trên 50%. Như vậy, số lượng sinh viên không theo ngành sư phạm sẽ làm việc ngoài ngành. Điều này dẫn đến việc đầu tư của nhà nước sẽ không mang hiệu quả như mong đợi, sự “thất thu” trên bình diện đầu tư sẽ diễn ra.

Mặc dù được hưởng chính sách miễn học phí nhưng có tới 50% sinh viên sư phạm ra trường không làm việc trong ngành sư phạm. Chính sách này đã gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước mỗi năm, tạo sự mất công bằng với sinh viên các ngành khác.

Hiện ngân sách nhà nước dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm không nhỏ. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Mức chi dự toán xấp xỉ 500 tỷ đồng.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, thực tế chính sách miễn học phí không còn hiệu quả, vì lâu nay chúng ta đã thấy tình trạng sinh viên sư phạm ra trường nhưng không làm trong ngành là phổ biến. Trước đây ngân sách rót về lớn thì học phí không đóng vai trò quyết định, nhưng khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp thì học phí lại đóng vai trò quyết định, vì vậy nhiều trường muốn xóa bỏ chính sách miễn học phí này để được tự chủ.

TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng nêu quan điểm: Nên bỏ chính sách miễn học phí cho SV sư phạm. Chính sách này gây nhiều lãng phí, trong khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều, hoặc làm cho nơi khác chứ không phục vụ cho sư phạm. Đồng thời, trường sư phạm ít có cơ hội được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học từ nguồn học phí cấp bù, không chủ động hoàn toàn theo cơ chế tự chủ cũng là một tác động ngược.

Kết quả khảo sát tại một trường Cao đẳng Sư phạm cho thấy 13,7% sinh viên khẳng định gia đình họ có khả năng đóng tiền học phí, 18,8% sinh viên khẳng định bản thân có khả năng tự đóng học phí, 22,1% sinh viên khẳng định vẫn tiếp tục học ngành sư phạm dù không được miễn học phí. 

GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Giải pháp mấu chốt vẫn là đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp chứ không phải là miễn học phí. Tuy nhiên, trước tiên phải quy hoạch lại các trường sư phạm, tính toán đào tạo giáo viên thật chính xác, đúng theo nhu cầu thực tế chứ không phải cứ giao chỉ tiêu đào tạo tràn lan như hiện nay. Điều đó cũng là nguyên nhân chính khiến cho nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm. Đồng thời, việc tuyển dụng phải gắn với đào tạo, chứ hiện nay Bộ GD-ĐT cứ đào tạo còn Bộ Nội vụ lại tuyển dụng nên chẳng ai chịu trách nhiệm để làm sao cho cung phù hợp với cầu”.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đoàn Đồng Tháp; “Việc chuyển sang hình thức tín dụng là một điểm mới và để gỡ bất cập này, tuy nhiên tôi nghĩ rằng, giải quyết bằng hình thức đưa chính sách tín dụng chỉ là phần ngọn, tức là chỉ giải quyết được vấn đề ngân sách nhà nước bỏ ra cho việc đào tạo sinh viên sư phạm không bị lãng phí. Phần gốc của vấn đề là phải tạo cơ hội việc làm để những sinh viên sư phạm tốt nghiệp giỏi khi ra trường có việc làm ngay. Đây mới chính là nút thắt cần phải gỡ để thu hút số lượng những học giỏi ở phổ thông hiện nay lựa chọn để học ngành sư phạm”.

PGS. TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TPHCM cũng cho rằng, Chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm không chỉ riêng học phí mà phải bao gồm cả học bổng, tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Các khoản vay cho sinh hoạt phí, sinh viên sẽ hoàn trả trong một khoảng thời gian nhất định sau khi đi làm. Học bổng sinh viên sư phạm là khoản cần thiết để khuyến khích sinh viên tích cực học tập.

Cũng cần phải tính đến việc, những sinh viên sư phạm không sử dụng tín dụng sinh viên phải được nhà nước hoàn trả học phí nếu sau khi ra trường họ phục vụ trong các cơ sở giáo dục. Những sinh viên đang theo học và đã được hưởng từ chính sách miễn học phí hiện hành sẽ được miễn học phí cho đến hết khóa học. Nếu làm được như vậy sẽ không thiếu người học, chất lượng giáo viên nhất định sẽ tăng lên.