Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu thăm chính thức Uruguay nghỉ tại khách sạn Radisson Montevideo Victoria Plaza Hotel. Các đoàn công tác khá đông đúc của các bộ ngành đi theo đoàn chính thức để làm việc với các cơ quan tương ứng của nước bạn cũng được nghỉ tại đó. Khách sạn nằm ngay bên quảng trường Độc lập của thành phố thủ đô Uruguay mà ở phía bên kia quảng trường là Dinh Tổng thống. Trên quảng trường có tượng đài rất đẹp của José Artigas (1764 - 1850), anh hùng dân tộc người được coi là cha đẻ nền độc lập của Uruguay.
Đi Nam Mỹ lần này, hiểu thêm nhiều về lịch sử của châu lục đặc biệt này. Mấy thế kỷ liền, hầu hết lục địa này nằm dưới ách cai trị của Tây Ban Nha, chưa chia thành các quốc gia độc lập. Chỉ đến thế kỷ XIX, khi người dân bản địa (cũng là người Tây Ban Nha hoặc châu Âu di cư) vùng lên đánh đuổi thực dân Tây Ban Nha thì dần dần mới hình thành nên các quốc gia. Thành thử Nam Mỹ có những người được coi là bậc khai quốc của nhiều nước. Ví dụ như Simon Bolivar (1783 - 1830), người mà ngày nay nước Bolivia mang tên, sinh ra ở Caracas nay là thủ đô Venezuela, là người đã lãnh đạo cuộc chiến đấu thắng lợi chống quân Tây Ban Nha và lập nên nhà nước Đại Colombia sau phân rã thành 4 nước là Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador. Ông còn là người góp phần quyết định để giải phóng và giành độc lập cho Peru, Bolivia. Hôm ở Buenos Aires, thấy tượng của José de San Martín (1788 -1850), tôi cất công tìm hiểu thì mới biết vị anh hùng dân tộc Argentina này là một danh tướng đứng hàng thứ 50 trong một danh sách bình chọn 100 nhà quân sự xuất sắc nhất mọi thời đại, người không chỉ đánh đuổi quân Tây Ban Nha ra khỏi Argentina mà còn cả Chile, Peru.
Quay lại José Artigas, ông cũng là một vị tướng, một nhà chính trị nổi bật khi Argentina và Uruguay còn chưa tách rời. Cuộc chiến đấu của ông rốt cuộc đã dẫn tới việc hình thành quốc gia Uruguay, nhưng khi còn sống ông đã không được hưởng thành quả và sự vinh quang. Ông có giai đoạn thất thế phải rút qua Paraguay và bị chính quyền ở đây lưu đày một thời gian rất dài cho đến khi ông qua đời ở tuổi 86. Năm 1977, di cốt của ông được chuyển về Lăng Artigas nằm âm dưới chân tượng đài ông trên quảng trường Độc lập.
Điều đặc biệt là tôi không thấy có ai gác lăng cả. Lối đi xuống lăng chỉ bị ngăn bởi cặp cọc sắt và sợi xích mà nếu muốn ngay cả trẻ em cũng có thể bước qua. Cả dinh Tổng thống Uruguay, một toà nhà cũ nhưng không phải là cổ, không lấy gì làm đẹp cũng không thấy vệ binh gác ngoài. Chúng tôi có “chộp” được hai vệ binh sắc phục theo lối cổ khi họ thay ca để chụp ảnh cùng trên quảng trường nhưng khi làm nhiệm vụ họ đứng đâu đó khuất bên trong.
Do thời gian lưu lại ở Mentevideo ngắn, tôi và một số người mua vé một tua tham quan thành phố trong 4 tiếng đồng hồ. Một tua hỗn hợp cho khách ở nhiều khách sạn khác nhau, người dẫn là một phụ nữ đứng tuổi thuyết minh bằng hai thứ tiếng Tây Ban Nha và Anh. Tiếng Anh bà nói như một khẩu đại liên tốc độ bắn cực nhanh khiến cho không chỉ người tiếng Anh lởm khởm như tôi gần như không nghe được gì mà ngay cả các thành viên tiếng xịn xò trong đoàn cũng chỉ nghe được lõm bõm. Tuy vậy đó vẫn là một tua hết sức giá trị vì sau khi bắt đầu bằng quảng trường Độc Lập và Lăng José Artigas, chúng tôi còn được qua Toà Nhà Quốc hội hùng vĩ của Uruguay đúng vào thời điểm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam làm việc xong và đang rời đi. Cũng nhờ tua này mà lần đầu tiên trong đời, tôi được ra đến bờ Đại Tây Dương và thò tay xuống khoả nước đại đương lớn này (điều này có ý nghĩa lớn trong “bộ sưu tập đại dương” của tôi vì tôi đã được bơi ở giữa Thái Bình Dương lần đến Hawaii; khoả tay xuống làn nước lạnh giá giữa trưa hè gay gắt ở Nam Thái Bình Dương ở Gold Coast - Úc; bơi giữa Ấn Độ Dương ở Maldives; bơi ở các biển lớn khác như Địa Trung Hải - lần đến Hy Lạp, và Biển Đen - khi đi nghỉ ở TP Tuavse thời đi học ở Liên Xô).
Điều tôi tiếc trong tua tham quan thành phố là chỉ được đi ngang qua mà không được dừng lại và vào sân vận động Centenario lịch sử, nơi diễn ra một số trận đấu và trận chung kết World Cup bóng đá thế giới năm 1930. Đây là World Cup bóng đá thế giới lần thứ nhất bởi trước đó chỉ có giải bóng đá nằm trong khuôn khổ Olympic. Ở lần tổ chức đầu tiên cách đây gần một thế kỷ đó, Uruguay được chọn làm nước chủ nhà vì đội tuyển bóng đá nước này xuất sắc giành ngôi vô địch ở hai Thế vận hội gần nhất vào các năm 1924, 1928. Hồi đó, bóng đá của đất nước Uruguay chỉ có 1,3 triệu dân (ở thời điểm đó) quả là cực mạnh. Ở World Cup 1930 ấy, đội tuyển của họ đã thắng tất cả các trận đấu hầu hết với tỷ số cách biệt lớn, trong đó có trận bán kết với Nam Tư 6-1 và chung kết với Argentina 4-2. Uruguay còn vô địch thế giới một lần nữa vào năm 1950, sau khi World Cup được khôi phục sau khi gián đoạn 2 kỳ (1942, 1946) do Đại chiến Thế giới lần thứ hai.
Quả thật là cho đến hôm nay, hầu hết người Việt Nam mình không biết gì về Uruguay ngoài bóng đá của nước này. Mang lại danh tiếng thế giới cho Uruguay những năm gần đây là các danh thủ Luis Suares, Edinson Cavani; xa hơn trước một chút là Diego Forlan, Enzo Francescoli, Alvaro Recoba; còn hiện nay là Darwin Nunez của Liverpool và Federico Valverde của Real Madrid. Hầu hết chúng ta không biết được là đất nước nhỏ diện tích bằng nửa nước ta, có 3 triệu dân nằm kẹp giữa hai người khổng lồ Brazil và Argentina và một bề thoát ra Nam Đại Tây Dương này có nền kinh tế phát triển hàng đầu ở Nam Mỹ. Riêng với đàn bò trung bình khoảng 20 - 30 triệu con hằng năm thì bổ đầu mỗi người có khoảng 7 đến 10 con bò. Thủ đô Montevideo của Uruguay là một trong những thành phố có mức sống cao nhất ở Nam Mỹ và đang là trụ sở của những tổ chức thương mại, mậu dịch lớn của châu lục này như ALADI (Hiệp hội Hội nhập Mỹ Latin) và đặc biệt là Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR, bao gồm Argentina, Brazil, Uruguay, Paraguay mà một trong những mục đích của chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này là thúc đẩy quan hệ hợp tác của Việt Nam với khối này).
Khi máy bay cất cánh rời Montevideo kết thúc chuyến viễn du Caribe - Nam Mỹ, tôi nhìn thành phố dưới cánh bay và luyến tiếc nghĩ chắc đời mình chắc khó có dịp trở lại miền đất xa xôi này. Từ đây, chiếc chuyên cơ mang số hiệu VN1 dù chỉ hạ cánh kỹ thuật một tiếng rưỡi xuống sân bay Madrid, cũng phải mất tổng cộng 25 tiếng đồng hồ mới đưa được chúng tôi về đến đất mẹ Việt Nam.
Nhìn trên bản đồ, mặc dù còn cách cực nam của Nam Mỹ là Cape Horn (Mũi Sừng) thuộc Chile rất xa nhưng điều thú vị là Montevideo của Uruguay là thủ đô nằm xa về phía nam nhất trong tất cả các thủ đô của Nam Mỹ. Nó gần như cũng là cực nam của Uruguay. Tuy nằm bên tả ngạn con sông La Plata chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nhưng do hướng dòng chảy ở đoạn cuối mà Monteviedo vẫn nằm xa hơn về phía nam so với Buenos Aires của Argentina nằm ở hữu ngạn sông này cách đó có 3 giờ đi phà. Xem một bức tranh màu nước “Monte Video nhìn từ chỗ neo tàu ngoài vịnh” do Emeric Essex Vidal (1791 - 1861), một sĩ quan hải quân Hoàng gia Anh kiêm họa sĩ, vẽ toàn cảnh Montevideo nhìn từ vịnh biển vào thêm hiểu tại sao tên thành phố lại được đặt như vậy. Trong tiếng Tây Ban Nha, Montevideo có nghĩa là “tôi thấy một ngọn đồi”. Mentevideo từ năm 1820 xa xôi thời điểm vẽ tranh đó đã là một thành phố lớn nhằm trên một thế đất hình đồi trên bờ biển.