Ngày 26/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) phối hợp tổ chức vòng chung kết Cuộc thi lập trình dành cho thanh thiếu niên Youth-On! Hackathon 2023.
Đây là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên từ 14 - 19 tuổi, nằm trong khuôn khổ Dự án Thành phố lành mạnh cho Thanh thiếu niên giai đoạn 2 - một phần của Sáng kiến Thành phố Thân thiện với Trẻ em - TP Đà Nẵng giai đoạn 2023 - 2026.
Cuộc thi năm nay có chủ đề sức khỏe tâm thần và thông điệp “Mở lòng và Kết nối" thu hút được 17 đội thi đăng ký tham gia với tổng cộng 70 thí sinh dự thi. Thành viên của các đội thi đến từ các trường THCS, THPT, CĐ, ĐH trên địa bàn.
Xuyên suốt cuộc thi, các đội sẽ nhận được sự hỗ trợ, định hướng, đồng hành của 15 mentors là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Vòng chung kết là phần tranh tài của 9 đội thi xuất sắc vượt qua bán kết.
Mỗi đội thi có 5 phút để trình bày ý tưởng và demo sản phẩm; 5 phút để trả lời các câu hỏi, phản biện các ý kiến từ BGK. Mang đến dự án ứng dụng My Care - Sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện cảm xúc & hành vi tiêu cực, đội thi Supernova (đến từ trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) đã thuyết phục được BGK và chiến thắng Cuộc thi Youth-On! Hackathon năm nay.
Ứng dụng sử dụng thư viện DeepFace để nhận diện 7 trạng thái cảm xúc trên khuôn mặt sau của con người: tức giận, khó chịu, sợ hãi, hạnh phúc, buồn, bất ngờ, trung lập. Sau đó, các trạng thái cảm xúc này sẽ được quy đổi thành điểm số và sử dụng thang điểm để đánh giá.
"Để nhận diện cảm xúc trong giọng nói, phần mềm sẽ sử dụng các bộ dữ liệu: RAVDESS, TESS, EMO-DB để đào tạo và nhận diện; có thể phát hiện được 9 cảm xúc: trung lập, bình tĩnh, hạnh phúc, buồn, tức giận, sợ hãi, khó chịu, bất ngờ, chán nản. Từ đó, áp dụng kĩ thuật tính điểm tương tự phần trên. Chúng em mong muốn xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện sự tiêu cực, trầm cảm thông qua các bài đăng trên mạng xã hội", em Lê Minh Lộc (thành viên đội thi Supernova) chia sẻ.
Bên cạnh đó, BTC cũng trao giải Nhì cho đội thi Cocogame với dự án Website cho trẻ em mắc chứng ADHD; giải Ba cho đội thi Melingo với dự án ứng dụng Hỗ trợ trẻ em phát triển ngôn ngữ Tiếng Anh; giải Khuyến khích cho đội thi LHV với dự án Hệ thống chuyển đổi suy nghĩ thành giọng nói dành cho bệnh nhân hậu tai biến và giải Dự án được yêu thích nhất cho đội thi Sleep Enhancement Initiative.
Theo bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu nhi đang là vấn đề rất được quan tâm, đây cũng là vấn đề được các bạn lựa chọn nhiều nhất khi thực hiện khảo sát về chủ đề Cuộc thi Youth-On! Hackathon năm nay.
"Sức khỏe tâm thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất và cần có cách nhìn nhận và đối diện với vấn đề này bình thường như sức khỏe thể chất. COVID-19 khiến vấn đề này nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu. Qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều giải pháp, sáng kiến để nâng cao sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu nhi", Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nói.
Youth-On! Hackathon 2023 là sân chơi dành cho các lập trình viên trẻ, ứng dụng công nghệ để tìm ra các giải pháp mới và sáng tạo nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên ở Đà Nẵng nói riêng và toàn cộng đồng nói chung.