UBND tỉnh Cao Bằng đứng trước nguy cơ bị kiện

Do thiếu trách nhiệm trong quá trình phê duyệt thiết kế cơ sở các bậc thang thuỷ điện trên sông Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng đang đứng trước nguy cơ bị doanh nghiệp Hoà Thuận kiện ra toà.

Nếu điều này xảy ra, UBND tỉnh Cao Bằng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khá lớn. Tuy nhiên, đó không phải là mối hiểm hoạ lớn nhất mà điều nguy hiểm hơn là nguy cơ gây ra những phức tạp, bất ổn về an sinh xã hội về khả năng gây ngập lụt và chia cắt giao thông được coi như đã cảnh báo trước.

Theo quy hoạch được duyệt, trên sông Bằng được bố trí 3 bậc thuỷ điện là Hồng Nam, Tiên Thành và Hoà Thuận. Tính từ trên xuống dưới, thuỷ điện Hồng Nam có mực nước dâng 174 mét, công suất lắp máy là 6,5 MW, tiếp theo là thuỷ điện Tiên Thành, mực nước dâng là 162 mét, công suất lắp máy là 7 MW. Phía dưới cùng là thuỷ điện Hoà Thuận có mực nước dâng 152 mét, công suất lắp máy là 7 MW.

Trong 3 nhà máy, thuỷ điện Hoà Thuận được phê duyệt thiết kế cơ sở đầu tiên vào tháng 11/2007. Theo đúng quy hoạch, cao trình nước dâng của thuỷ điện Hoà Thuận là 152 mét.

Đáy sông thấp hơn so với quy hoạch... 9,1 mét

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở, Sở Công thương Cao Bằng đã không tổ chức khảo sát thực tế (trong khi đáy sông thấp hơn quy hoạch 9,1 mét).

Chỉ đến khi Sở Công thương nhận được thiết kế của 2 nhà máy thuỷ điện Tiên Thành và Hồng Nam mới phát hiện ra đáy sông thấp hơn so với quy hoạch 9,1 mét. Nếu cứ tiến hành xây dựng theo đúng thiết kế ban đầu đã được phê duyệt thuỷ điện Tiên Thành sẽ bị ngập đến 6 mét.

Về việc “nhầm” này đã được các lãnh đạo tỉnh Cao Bằng thừa nhận tại văn bản số 1233/BC-UBND báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy (ngày 25-6-2009), trong đó ghi: “ Khi lập quy hoạch, do chưa có điều kiện và kinh phí dùng để đo đạc, chuẩn hóa tất cả các số liệu của từng bậc thang thủy điện trên địa bàn tỉnh .... nên trong quá trình các đơn vị khảo sát, lập hồ sơ thiết kế dự án đã phát hiện cao độ đáy sông thực tế thấp hơn so với số liệu quy hoạch”.

Để khắc phục sự cố này, Sở Công thương Cao Bằng đành tiếp tục có văn bản xin ý kiến cơ quan lập quy hoạch là Viện năng lượng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) . Khảo sát lại thực tế, Viện năng lượng quyết định thay đổi độ cao cột nước dâng của cả 3 nhà máy thuỷ điện theo thông số mới.

Thiệt hại hàng chục tỷ cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, kể từ lúc phát hiện việc đáy sông thấp hơn so với thực tế cho đến lúc ra quyết định hạ độ cao của hệ thống thuỷ điện trên sông Bằng thời gian kéo dài khoảng gần một năm. Chính vì việc thay đổi “thông số kỹ thuật” này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị thi công.

Sau khi phát hiện sự cố này, UBND tỉnh Cao Bằng đã tiến hành một số cuộc họp để “mổ xẻ” vấn đề và thống nhất đưa ra giải pháp là bỏ bớt bậc thang Thiên Thành, nâng công suất Hoà Thuận và giữ nguyên bậc thang Hồng Nam.

Theo các chuyên gia, phương án này là tốt nhất vì : Ít thiệt hại cho các chủ đầu tư nhất, đền bù giải phóng mặt bằng không lớn, ít phải di dân tái định cư và hiệu quả đầu tư cao.

Tuy nhiên, không hiểu sao lãnh đạo tỉnh Cao Bằng lại cương quyết thực hiện ba bậc thang thủy điện?!

Việc thiếu trách nhiệm trong vấn đề quy hoạch, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp đã được các lãnh đạo tỉnh thừa nhận. Nhưng trong quá trình giải quyết hậu quả, không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo tỉnh Cao Bằng lại đưa ra những quyết định thiếu căn cứ khoa học. Thay vì đưa ra quyết định cắt bớt một bậc thang như đã nêu ở trên thì ngày 07/9/2009, UBND tỉnh lại ra công văn 1897/UBND-CN yêu cầu cả nhà thầu phải sửa lại cao trình theo các thông số mới.

Theo tính toán này, khi đỉnh lũ lên đến 2,5 mét sẽ gây ngập một khu vực dân cư khá lớn, chia cắt đường giao thông phục vụ quốc phòng, anh ninh. Còn theo quy hoạch mới, trong lúc 2 nhà máy thuỷ điện kia phải hạ độ cao mực nước thì mực nước dâng của nhà máy thuỷ điện Hồng Nam (nhà máy nằm ở bậc thang trên cùng) lại tăng lên 180 mét, mực nước này ngang bằng với mố cầu Bằng Giang ở thị xã Cao Bằng.

Và hậu quả là thị xã Cao Bằng sẽ đứng trước nguy cơ bị ngập, đó là chưa tính đến những bất thường của lũ thượng nguồn.

Theo bà Hoàng Thị Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần thuỷ điện Hoà Thuận, Việc UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định 1897/UBND-CN là chưa đúng theo quy định của pháp luật. Việc này sẽ gây thiệt hại cho Công ty khoảng trên 50 tỷ đồng.

Do vậy, nếu UBND tỉnh Cao Bằng không giải quyết thoả đáng, Công ty sẽ làm thủ tục kiện ra Toà để đòi bồi thường thiệt hại.

Theo Mạnh Hà
TTXVN