Cuốn sách gần 500 trang này rất gần với mối quan tâm của bạn đọc về cách mạng 4.0, được viết đầy cuốn hút, trong đó tác giả tham vọng cắt nghĩa được các vấn đề như: Cái gì quan trọng hơn - trí tuệ hay ý thức; Điều gì sẽ xảy ra với xã hội, chính trị và đời sống hàng ngày khi các thuật toán phi ý thức nhưng trí tuệ cao biết ta rõ hơn ta biết chính mình.
Tác giả nêu những vấn đề cần giải quyết của loài người hiện nay, làm sao để không lạc hậu nhưng vẫn giữ được quyền kiểm soát bản thân. Một trích đoạn trong sách: “Một số người lo sợ hiểm họa diệt vong do núi lửa phun trào hay va chạm thiên thạch. Thế nhưng trên thực tế, hiểm họa là rất nhỏ. Thay vì sợ thiên thạch, ta nên sợ chính mình”.
Tuần trước, cuộc ra mắt sách Homo Deus - Lược sử tương lai dưới dạng một cuộc tọa đàm đã diễn ra ở Hà Nội. Các diễn giả như chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành và dịch giả Nguyễn Việt Long đã cùng bàn luận về những vấn đề được đề cập trong sách như: Viễn cảnh của loài người là gì? Trí thông minh nhân tạo mà chúng ta đã tạo ra sẽ biến đổi chúng ta như thế nào? Song song đó, các diễn giả cũng cập nhật những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, y tế... cho phép con người kéo dài tuổi thọ, thậm chí nghĩ tới sự bất tử.
Trong sách có vô số triết lý, chiêm nghiệm đáng chú ý. Ví dụ: “Để đạt hạnh phúc, nhân loại cần làm chậm lại cuộc kiếm tìm lạc thú chứ không phải tăng tốc nó lên”. Hoặc: “Cũng như chúng ta đã thoát khỏi những gọng kìm của Luật Chekhov trong chiến tranh, chúng ta cũng có thể thoát khỏi chúng trong các sân chơi khác. Một số khẩu súng xuất hiện trên sân khấu mà không bao giờ được bắn. Đấy là lý do vì sao việc suy nghĩ về danh sách vấn đề ưu tiên mới của con người là cực kỳ quan trọng. Chính bởi vì chúng ta có một chút lựa chọn trong việc sử dụng các công nghệ mới, tốt hơn cả là ta phải hiểu điều gì đang diễn ra và quyết định nên làm gì trước khi điều ấy quyết định giùm chúng ta”.