Vở diễn hay cũng có thể là liveshow Chuyện của dòng sông đo kết thúc sau chỉ hơn một tiếng kể từ lúc mở màn khiến khán giả khá hẫng hụt. Có ý kiến cho rằng ngắn cũng là một cách tiết kiệm. Vì thêm thời lượng, thêm ca khúc, thêm nhạc, thêm múa… đồng nghĩa thêm kinh phí. Tuy nhiên chính tổng đạo diễn đã cắt không thương tiếc chừng nửa tiếng. Đạo diễn âm nhạc Minh Đạo không đồng ý nên hai người đã mâu thuẫn sâu sắc, đến giờ vẫn chưa nhìn mặt nhau. Nguyễn Cường- nhạc sĩ tham gia sáng tác trong vở diễn bình luận: “Đạo cũng hay, Tùng cũng hay nhưng trên sân khấu người quyết định phải là Tùng. Nghệ thuật phải như vậy. Không thì làm tổng đạo diễn làm gì!”. Nguyễn Cường cũng khẳng định sau khi giao hai sáng tác của bản thân, việc dùng hay không là tùy tổng đạo diễn, ông không có ý kiến.
Ngoài việc quá ngắn ra, đêm diễn còn không giống như bất cứ một mô hình diễn xướng thường thấy nào trong nhiều năm trở lại đây. Dù xét dưới góc độ operetta (nhạc kịch hài, nhẹ nhàng kiểu cổ điển châu Âu) hay musical (nhạc kịch hiện đại) thì còn xa Chuyện của dòng sông đỏ mới mon men tới được. Cũng biết thế nên ngay từ đầu, tác giả - tổng đạo diễn đã cho nó một cách gọi khác là “ca nhạc có chủ đề”.
Kể cả sau khi nghe đạo diễn kể về nội dung vở diễn thì cũng không thấy dấu vết gì của cốt truyện. Duy có đoạn đầu khi Tùng Dương - vai Hoàng tử út - giả dạng ông lão đi chơi hội - bị hề tổng quản phát hiện ra lôi về cung vua là có hành động kịch. Cũng chỉ đoạn đó là có diễn xuất, còn lại các ca sĩ dù có phân vai hẳn hoi thì nói chung cũng chỉ cầm mic ra hát đúng bài của mình rồi đi vào. Nếu không có sự kết nối đưa đẩy của hề tổng quản - vai của NSƯT Thu Huyền, tổng thể chương trình không khác một đêm ca nhạc gồm các bài đơn/song ca và các tiết mục múa. Tách riêng từng tiết mục thì tất cả đều hay. Hiếm khi thấy các nghệ sĩ trình diễn tập trung và thăng hoa đến thế. Các bài hát được viết riêng cho từng giọng hát và hầu hết đều rất khó. Dường như các ca sĩ đều không bỏ phí cơ hội này để thể hiện hết thành công lực. Cũng rất có thể nhiệt huyết của tổng đạo diễn phần nào truyền sang cho anh em.
Toàn bộ phần dẫn, ngâm, hát chèo do Thu Huyền tự lo với sự hỗ trợ của soạn giả Lê Thế Song. “Anh Tùng chỉ cho mình cái khung kịch bản, nói ý tưởng”, chị cho biết. “Anh rất thoải mái, rất tôn trọng sự sáng tạo của mọi người. Tất nhiên cũng phải ngồi với nhau, cái gì không hợp lý thì thôi”. Nhiều khán giả ngạc nhiên vì tưởng Huyền chỉ diễn được đào thương, đào lẳng ai dè làm hề rất thoải mái, nhẹ nhõm. Hóa ra vai đầu tiên sau khi ra trường của chị là hề Cu Nhỡ trong Cô Son. “Vai đấy mọi người không biết nhiều nên cứ tưởng tôi không đóng được”, chị cho hay. “Làm hề tôi tự tin nhưng ban đầu vẫn ngần ngại làm trong sân khấu ca nhạc sẽ là kiểu gì. Nhưng nghệ sĩ mà, cứ thích cái gì mới mẻ, thử xem thế nào…”.
Tác giả bài Dòng sông sắc đo nhạc sĩ Nguyễn Cường chú giải: “Sông Hồng- dòng sông cội nguồn của văn hóa Việt Nam. Ông vua cũng là nhân vật chèo thuyền, chèo lái con thuyền văn hóa, con thuyền dân tộc”. Lời hát của Nguyễn Cường có đoạn: “Trời cao đất rộng, dòng sông sắc đỏ. Ta đứng đây, cha ông ta đã cắm sào nơi này. Niềm vui vô tận nỗi khổ vô tận, thì ta vẫn đứng đây. Những cơn bão đã đi qua, những cơn bão sẽ đi qua, thì ta vẫn đứng đây. Thi gan cùng đất trời”. Bài hát có hơi hướng tuyên ngôn kiểu Nam quốc sơn ha được Tấn Minh trong vai vua trình bày phải nói là hùng hồn.
Bên dòng sông, nảy nở tình yêu nhưng cũng có khi là nỗi đau như khi người đàn bà chửa hoang bị thả trôi sông. Sự việc được diễn tả bằng tiết mục múa, nhưng quả thực nếu không được thuyết minh thì tôi cũng không biết có tình tiết này. Nguyễn Cường khen sắc trắng của sân khấu cũng như của trang phục toàn bộ ca sĩ diễn viên. Hiệu quả thị giác thì đúng là có nhưng lại khiến khán giả khó theo dõi hành động diễn viên, nhất là ở tiết mục múa đông người.
Nhà tài trợ phút chót không tham gia nữa, anh em nghệ sĩ xúm vào can Hoàng Hà Tùng hoãn chương trình nhưng đương nhiên không được. Kết quả, theo thông báo từ nhà sản xuất Thu Hương- tức phu nhân tổng đạo diễn, số tiền lỗ vào khoảng 1 tỷ. Chị phát biểu: “Nói chung mình cũng không tiếc số tiền đó. Mình cũng là người duy tâm, thôi thì trong rủi có may. Có những cái không bao giờ nghĩ được nên tốt nhất là không nghĩ!”.
Chị cho hay, buổi sáng sau đêm diễn nhớ đời, tổng đạo diễn vẫn đi ăn phở. Tâm trạng của anh đang hân hoan, vì đã chiến thắng chính mình, làm được điều mình thích và… muốn làm nữa. Chị cũng kể một số cán bộ ở Sở VHTT thành phố sau khi xem chương trình đã động viên ê-kip và khuyến khích diễn tiếp.
Hoàng Hà Tùng không chỉ “độc đoán” trong nghệ thuật, ông còn tham gia cả vào việc sản xuất. Theo chị Hương thì ông cấm cả quảng cáo trên Facebook về chương trình, cũng như không cho treo băng-rôn hay phướn ngoài đường, tờ rơi cũng phải bé tí theo ý ông… “Mình ở cùng nhà nên cứ bị bắt nạt. Lần đầu thế thôi, lần sau mình sẽ vượt quyền”, chị nói.
Về chứng ung thư tủy gây thiếu máu của chồng, chị cho hay xạ trị, hóa trị đều không tác dụng, chỉ có duy nhất loại thuốc của Thụy Sĩ có thể tạm thời làm ức chế cơn bệnh. Chị nhận xét chồng đáp ứng tốt với loại thuốc này sau ba năm rưỡi sử dụng. Nói chung Hoàng Hà Tùng còn khỏe thì nhiều khả năng Chuyện của dòng sông đỏ lại được kể.