Từ giải thưởng Loa Thành đến khát vọng tái sinh lòng đất

Đó là câu chuyện về Nguyễn Khắc Phước, người đoạt giải Nhất giải thưởng Loa Thành 2013. Phước muốn xây những khách sạn tiện nghi, những khu vui chơi giải trí trong lòng đất, trong những mỏ đá, sau khi được khai thác. Và đó không phải là một giấc mơ viển vông của tuổi trẻ.

Phước quê ở Nghệ An. Khi còn là cậu bé hơn 10 tuổi, Phước có một sở thích rất… già đó là: Chơi bonsai. Cậu chắt chiu tiền rồi mua về sân nhà khoảng 30 - 40 chậu bonsai. Ở trong nhà, chẳng ai thích thú với bonsai, ngoài cậu. Mỗi cây bonsai là một kỷ niệm, một dấu ấn. Cứ mỗi lần sưu tầm được bonsai mới, Phước lại mất ngủ đến vài đêm.

Có lần, Phước được một người anh tặng cho cây xương cá. Phước mất rất nhiều thời gian chỉ để ngồi ngắm cái cây yêu thích của mình. Phước bảo: “Đó là một cây đã hơn 30 năm tuổi, sống trên vách núi đá. Nó có dáng thác đổ tuyệt đẹp. Cây xương cá sống ở nơi vô cùng cằn cỗi, trên vách đá không có đất, thời tiết thì khắc nghiệt nhưng điều đó đã tạo nên một sức chịu đựng ghê gớm. Sự cằn cỗi trên từng thớ cây chỉ càng chứng tỏ sự gan góc của nó. Cái cây cũng như dạy mình một bài học về cuộc sống”.

Nhiều người chơi bonsai để cắt lá, tỉa cảnh, uốn chúng thành một cây nghệ thuật. Nhưng Phước yêu bonsai bởi những đường gấp khúc tự nhiên trên những cây bonsai mình chăm sóc. Phước cũng chưa từng bán một cây bonsai nào vì với Phước, đó chỉ đơn thuần là sở thích, ngay cả khi có ai đó trả giá cao. Rồi đến khi ra Hà Nội học đại học, nghe tin ở nhà bố Phước thấy cây um tùm nên mang dao ra phạt bớt lá đi. Phước nói: “Mình nghe tin mà đau xót mất mấy hôm. Mình gọi điện về xin bố đừng làm gì thêm những cái cây mà mình yêu quý. Và cũng thật may, mình không phải tận mắt chứng kiến những cảnh ấy”.

Phước yêu bonsai đến mức chỉ muốn sẽ được học cái gì liên quan đến vẽ vời, cấu trúc. Và mặc dù bonsai với kiến trúc chẳng có nhiều điểm tương đồng nhưng cậu quyết định thi đại học vào ngành học này: “Mỗi cây bonsai là một công trình. Có khi chính những cây bonsai đã mách bảo Phước hãy thi trường Kiến trúc”.

Nhưng năm đầu tiên, Phước trượt đại học, thiếu 1 điểm để vào trường Kiến. Phước không thể ôn luyện vẽ tại “lò”, giống như nhiều bạn khác vì đơn giản, vùng quê Phước ở không có “lò” luyện vẽ. Thi tốt nghiệp THPT xong, Phước khăn gói ra Hà Nội nhưng thời gian chẳng đủ dài để Phước hiểu nổi đề thi vẽ bố cục tạo hình là thế nào.

Phước chỉ làm xong bài vẽ tượng và như thế là không đủ. Nhưng năm sau, Phước lại thi tiếp. Và Phước trở thành sinh viên lớp 2008 K4, khoa Kiến trúc, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Và giờ thì Phước được giải Nhất giải thưởng Loa Thành và giải Nhất của Hội đồng công trình xanh và Viện Kiến trúc nhiệt đới với đồ án “Tái sinh lòng đất – mỏ đá Dĩ An, Bình Dương”.

“Thiết kế thiên đường từ địa ngục”

Thầy hướng dẫn vẫn nhận xét vui về đề tài của Phước là “em đang thiết kế thiên đường từ địa ngục”. Bởi những mỏ đá, sau khi khác thác để lại những khoảng trống lớn, những hố sâu trong lòng đất. Và nơi đó, nếu xử lý không tốt sẽ là điểm đen ô nhiễm môi trường. Mặc dù theo Luật Khoáng sản, trước khi cấp phép khai thác một mỏ đá, người ta phải nhìn thấy rõ ràng các phương án sử dụng mỏ sau khai thác. Nhưng trên thực tế, các mỏ đá sau khai thác đều có chung một hiện trạng: Hoang tàn. Và ngay cả 9 mỏ đá ở Bình Dương trong đề tài của Phước cũng đang chuẩn bị… đóng cửa.

Nhưng Phước đã khai sinh một cuộc sống mới cho những mỏ đá hoang tàn bằng những ý tưởng táo bạo của mình. Phước chia sẻ: “Đề tài của Phước là một hệ thống các công đoạn để tái sinh lòng đất như cải tạo môi trường, xây dựng hệ thống hạ tầng, thiết kế khách sạn, các khu nghỉ dưỡng. Sẽ có spa ở trong lòng đá, phòng ngủ trong đá. Sẽ có những khu vui chơi giải trí đơn giản như trò leo núi hay thám hiểm, khám phá địa chất… chẳng hạn.

Những tour du lịch mới sẽ ra đời. Những hố sâu hoang tàn sẽ được khôi phục và trở thành một nơi sống lý tưởng. Điều quan trọng trong đề tài này là Phước tìm cách biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể, biến những yếu tố tưởng như bất lợi của mỏ đá sau khai thác thành những yếu tố thuận lợi phục vụ cho cuộc sống con người. Chín mỏ đá ở Bình Dương, với những hố sâu hàng trăm mét hoàn toàn có thể trở thành một khu nghỉ dưỡng đặc biệt”.

Hỏi Phước rằng, đó có là một câu chuyện phi thực tế của một anh sinh viên mơ mộng không? Phước nói rằng: “Trên thực tế Phước đã biết về những mỏ đá được biến thành sân khấu biểu diễn. Và khu nghỉ dưỡng của Phước hoàn toàn khả thi”.

Ngày đầu nộp đồ án lên khoa, Phước có phần thất vọng vì bài mình không được đánh giá cao. Dù chưa chấm điểm nhưng khoa vẫn chọn những bài tốt để trưng bày ngoài sảnh. Trong số những đồ án đó, không có đồ án của Phước. Cậu hụt hẫng. Nhưng rồi lại về hì hục thay đổi và sửa sang bài của mình. Phước in thêm một bài mới cho đồ án. Ngày bảo vệ, Phước nộp thêm những ý tưởng mới cho đồ án, các thầy bắt đầu chú ý. Và đến nay, qua nhiều cuộc thi Phước chưa bao giờ dừng lại việc hoàn thiện đồ án của mình. Mỗi lần sửa sang là một lần đầu tư thêm tâm huyết.

Nhưng để có một đồ án để đời, không phải là chuyện dễ dàng. Sinh viên trong trường Phước không phải ai cũng theo đến cùng nghề thiết kế. Có những người, sau này chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng hay chụp ảnh và chẳng bao giờ giới thiệu mình là kiến trúc sư nữa. Nhưng Phước thì khác, cậu bám trụ nghiên cứu từ những ngày học năm thứ nhất cho đến hàng loạt các đồ án sau này.

Phước từng đoạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế nhanh dành cho sinh viên giỏi; từng đoạt giải Nhì cuộc thi về nhà ở nông thôn vùng bão lũ ngập úng, của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Lúc nào bạn bè cũng thấy Phước miệt mài. Dẫu thầy cô không yêu cầu phải làm mô hình cho các đồ án vì đó là công đoạn quá vất vả và tốn kém nhưng đề tài nào Phước cũng làm mô hình kèm theo. Có những đề tài, Phước phải hì hục làm đi làm lại thật nhiều mô hình cho đến khi hoàn thiện. Các thầy trong xưởng và bạn bè quý mến Phước bởi sự nhẫn nại, kiên trì ấy.

Phước chia sẻ, nếu làm một đồ án chỉ để cho qua kỳ tốt nghiệp thì đơn giản vô cùng nhưng để có một đồ án đến đích thì khó khăn chồng chất. Có những lúc, Phước thấy nản vì không tìm được điều gì khác biệt để làm nổi bật đồ án của mình. Hay đơn giản như việc đặt tên đồ án cũng làm Phước đau đầu. Ban đầu, đồ án được đặt tên là “Khách sạn nghỉ dưỡng Bình Dương”. Nhưng điều đó không lột tả được tinh thần của đồ án. Chỉ đến khi Phước nghĩ ra cái tên “Tái sinh lòng đất”, Phước mới yên tâm về tên gọi của sản phẩm.

“Nhưng mình được thầy hướng dẫn động viên rất nhiều. Có những hôm, duyệt bài ở trường nhưng bị mất điện, hai thầy trò phải chạy từ chỗ này sang chỗ khác để kiếm phòng dưới trời mưa. Có những lần oải quá thì thầy lại bảo: Cậu phải yêu đời lên chút nữa để làm cho xong đồ án này. Và có thể là giống như cây bonsai, chăm sóc kỹ càng với tình yêu vô bờ bến rồi cuối cùng sản phẩm tốt nhất sẽ ra đời”, Phước tâm sự.

Phước là anh chàng amateur. Có lúc, Phước thót tim vì tưởng trượt đến lần 3 môn Đường lối cách mạng. Mà nếu trượt thì sẽ chẳng có cơ hội làm đồ án tốt nghiệp và chẳng mơ đến chuyện chạm tay vào giải thưởng Loa Thành và thậm chí, tốt nghiệp chậm hơn theo cái cách mà dân trường Kiến trúc hay gọi là “những kỹ sư mùa Thu”. Nhưng rồi thành công đã mỉm cười.

Đã có dạo, dân Kiến quen thuộc với Phước trong hình ảnh một anh chàng cá tính bên chiếc Minsk “độ” đầy phong cách. Phước bảo: “Xe côn đi “phượt” thì chẳng còn gì đáng giá hơn, nhất là những đoạn đổ đèo. Tệ nhất là mỗi khi đi Minsk trong thành phố, khi dừng đèn đỏ, mình đều phải khép nép một bên và nhiều khi là dừng lại giữa đường do chết máy.

Nhưng những cung đường “phượt” Hà Giang, Mộc Châu thì lại cho những người trẻ như mình cảm giác thú vị tuyệt vời. À, trừ một lần chết côn trên đỉnh núi và người thợ sửa xe đã phải đi vài chục cây số tìm mua cho mình lá côn mới”… Nhưng bây giờ, người ta lại thấy Phước đổi xe, đạo mạo trong dáng vẻ của một sinh viên chuẩn bị đi làm. Phước yêu những cây bonsai vì sự đổi thay của chúng qua ngày tháng và Phước cũng như thể một cây bonsai, biết đi qua những gian khó để tạo nên những dáng vẻ mới cho cuộc đời.

Theo San Hải
Sinh viên Việt Nam Tết Giáp Ngọ 2014

Theo Đăng lại