Tư duy mở

TP - Đề Văn thi đại học năm nay ở cả khối C và khối D, phần nghị luận chiếm tới 3/10 điểm, không biết vô tình hay hữu ý đều đề cập đến một vấn đề khá “nhạy cảm”, vốn ít khi được đề cập, bàn thảo trực diện trên báo chí hay các diễn đàn chính thống.

> Hào hứng với đề Văn về lối sống
> Đề thi Ngữ văn bất ngờ, Hóa học vừa sức

Đó chính là tính cách, lối sống theo kiểu “thói hư, tật xấu” của người Việt và buộc thí sinh phải bình luận, phải bày tỏ quan điểm sống của chính mình: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”. (Nhận xét của chàng trai Việt kiều Tran Hung John sau trải nghiệm đi bộ xuyên Việt mà không mang theo tiền - Đề khối D); “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”. (Nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu về lối sống của người Việt Nam truyền thống - đề khối C).

Mấy năm nay, trào lưu ra đề văn mở đề cập đến những vấn đề thực tế đang tồn tại trong đời sống xã hội dường như đang trở thành xu thế, đang góp phần thay đổi cách dạy văn, học văn sáo mòn và kinh viện bấy lâu nay. Thế nhưng dạng đề mở “dám” đề cập trực tiếp đến những nhận xét trái chiều, có ý phê phán lối sống “thụ động” không dám là người khai phá hay dẫn đường; khôn khéo (hay khôn lỏi ?) theo kiểu “ăn đi trước, lội nước theo sau” của người Việt thì đây là lần đầu tiên. Đáp án của Bộ GD-ĐT vừa công bố chiều qua, nhất là với đề khối D cũng “mở” nốt, khi chấp nhận cả ba khuynh hướng “đồng tình”, “không đồng tình” hoặc “chỉ đồng tình phần nào” với Tran Hung John, song phải có lý lẽ, có căn cứ xác đáng. Đề mở, đáp án mở, đó là điều rất đáng ghi nhận trong đề thi văn khối D năm nay. Vấn đề còn lại chính là cách chấm và cho điểm của các thầy cô mà thôi.

Những quan điểm trái chiều, đôi khi quyết liệt có thể làm một số người quen lối tư duy một chiều bấy lâu nay không đồng tình, bởi họ chưa quen sự phản biện, sự lật lại vấn đề của những điều tưởng như luôn đúng. Nhưng xu thế của một xã hội dân chủ, văn minh rất cần những tư duy sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chỉ những người không chấp nhận đi theo lối mòn, có tư duy độc lập, đúng đắn mới thúc đẩy được sự phát triển của xã hội.

Quay trở lại hai đề văn nói trên, có thể có nhận định còn phiến diện gây tranh cãi, song vấn đề của những đề mở này đặt ra chắc chắn đã khơi gợi được tính sáng tạo, khuyến khích những thí sinh có suy nghĩ độc lập, có chính kiến, có trách nhiệm với bản thân mình và xã hội.

Phải chăng, đó cũng là điều mà bất cứ xã hội nào cũng cần cho một nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng và mọi công dân nói chung.

Theo Báo giấy