Từ chuyện Nam Ô

TP - Sau hơn một tuần giông bão, vậy là câu chuyện Nam Ô đã có hướng thoát đầu tiên. Dẫu cái kết thực sự “có hậu” hay không còn phải đợi thời gian trả lời.

Theo chỉ đạo của thành phố Đà Nẵng, ghềnh đá, mỏm Hạc phải được giữ nguyên trạng để làm du lịch sinh thái, chứ không chia lô xây vi-la, biệt thự.

Giữ nguyên trạng các di tích lịch sử, tâm linh. Bờ biển được trao lại quyền cho dân theo đúng luật định...

Bức tường sắt dự án vừa dựng lên ở Nam Ô chỉ là giọt nước tràn ly khiến người dân bừng tỉnh. Khi mọi quyết định đã ký, số phận làng chài cổ Nam Ô gần như đã được định đoạt. Báo Tiền Phong quyết liệt mở màn và đấu tranh đến cùng buộc phải giữ lại hồn cốt Nam Ô. Trong bối cảnh tác nghiệp lúc đầu gần như đơn độc, gặp không ít khó khăn, cản trở. Khi cùng lúc xuất hiện những bài báo trái chiều...

Tôi nhớ có lần ghé một điểm du lịch ở đông bắc Thái Lan. Một cái gọi là “hang động” tự tạo, mà ở ta để phá làm…vật liệu xây dựng chắc cũng chẳng mấy ai màng! Hướng dẫn viên chỉ lên mấy thứ vẽ nguệch ngoạc lên trên vách đá, khoe đó là chữ và tranh vẽ của người tiền sử cả... triệu năm trước, mới "phát hiện"! Vậy mà du lịch vẫn thu bộn tiền. 

Trong khi với Nam Ô - kho báu văn hóa, lịch sử, tâm linh và thiên nhiên hòa quyện một cách tuyệt vời, vậy mà nhiều người không nhận ra. Và ứng xử như với một khu đất hoang.            

Một ngôi nhà dù nghèo dù nhỏ đến đâu cũng có chỗ linh thiêng trang trọng để đặt ban thờ. Không thể ăn ngủ, nhậu nhẹt chung chạ ngay giữa nơi thờ tự tổ tiên. Bất cứ dự án nào làm vậy, cũng sẽ không thể tồn tại lâu dài. Bởi những xung đột do chính mình tạo ra. Khách nào sẽ đến nơi này, khi dinh miếu mất thiêng, chồng chéo nhà cửa, công trình riêng tư trên di sản tâm linh và thiên nhiên?           

Từ Nam Ô – cửa ô đầu tiên phía Nam trên đường vượt Ải Vân Nam tiến mở cõi, những lưu dân cũng là tiền hiền của Đà Nẵng đã dừng chân ở Nam Thọ - rẻo đất cuối cùng ven biển dưới chân bán đảo Sơn Trà. Cũng vẫn bắt đầu bằng một chữ “Nam”, nhưng với mong ước được trường tồn, lâu bền. Làng chài cổ Nam Thọ cũng mới ít năm trước thôi, nay chỉ còn là ký ức.  

Ngày 31/3 này là hạn cuối cùng Chính phủ kết thúc cuộc thanh tra toàn diện các dự án tại Sơn Trà. Dù kết luận thế nào, xử lý ra sao, thì đó cũng là một thực tế quá đau xót. Đà Nẵng được biết còn đến 8 dự án đang “sa lầy”, mà kinh phí sửa sai để hoàn trả cho doanh nghiệp lớn đến mức hầu như bất khả thi.

Sáng nay 17/2 âm lịch, dân làng Nam Ô tổ chức cúng cầu ngư, cúng Ông Ngư. Và ngày này tuần sau, là lễ cúng Bà Liễu Hạnh. Tâm thức và nguồn cội tâm linh của người dân không bao giờ mất đi. Nơi nào cũng vậy, kể cả ở những nơi ngư dân bị nhét lên tầng cao chung cư để lấy đất cho dự án này, công trình nọ. Họ vẫn luôn hướng về tổ tiên, tổ nghề cái nôi sinh dưỡng bao đời. Trong đau xót.

Phải thấy được nỗi xót xa ấy. Đó là trách nhiệm và lương tâm của người làm lãnh đạo. Chứ không phải là đếm các rerort, biệt thự để cho đó là công lao tạo ra sự "phát triển".