Theo đại biểu Huỳnh Cư, Bí thư Thành ủy Huế, tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên thượng nguồn sông Hương gây xói lở bờ sông khiến nhân dân bức xúc. Tỉnh có giải pháp gì để chấm dứt được tình trạng này, có hay không việc bao che, dung túng, tiếp tay của các lực lượng chức năng?
Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở TN&MT TT-Huế, cho rằng, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra trên thượng nguồn sông Hương. Mặc dù chưa có đơn, thư tố cáo hoặc bằng chứng về lực lượng chức năng dung túng, bao che cho “cát tặc”, tuy nhiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ, tránh dư luận không tốt gây ảnh hưởng đến uy tín của các cấp
chính quyền.
Ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nêu: theo phản ánh của dân, cứ mỗi lần có đoàn kiểm tra liên ngành về cơ sở làm việc, “cát tặc” tạm lắng, nhưng sau đó lại hoạt động rầm rộ trở lại, khai thác chủ yếu vào ban đêm, tại các địa bàn giáp ranh giữa các xã, huyện.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2017, vấn đề “cát tặc” sông Hương luôn “nóng”. Có nơi như vùng thượng nguồn Tả Trạch sông Hương, người dân còn lập các lán trại ven sông để ngày đêm ngăn chặn, đuổi “cát tặc”, nhằm hạn chế hậu họa sạt lở nhà cửa, đường sá, đất đai… Ông Huỳnh Cư, Bí thư Thành ủy Huế, cho biết, trong các đợt lũ vừa qua, nạn sạt lở bờ sông lại tiếp diễn, gây thiệt hại nghiêm trọng trên sông Hương, sông Bồ...
Tuy nhiên, theo Sở TN&MT, kết quả kiểm tra phát hiện, xử phạt hành chính đối với hành vi khai thác, vận chuyển cát sạn trái phép vẫn còn hết sức khiêm tốn, chỉ với số tiền phạt 39,5 triệu đồng, 19 trường hợp bị xử lý.
Trước thực trạng xử lý “cát tặc” có dấu hiệu thiếu quyết liệt như thời gian qua, ông Huỳnh Cư, Bí thư Thành ủy Huế, đề nghị: “Cần quyết tâm hơn nữa trong việc ngăn chặn khai thác cát sạn trái phép. Mặt khác, phải quản lý chặt phương tiện, tạo sinh kế, việc làm cho bộ phận này”. Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn nạn khai thác cát sạn trên sông Hương, sông Bồ và các sông trên địa bàn tỉnh.