Truyện ngắn: Con mèo vừa sống vừa chết

TP - Nghe cái tên truyện bạn đọc hẳn sẽ có chút băn khoăn. Làm gì có chuyện vô lý như vậy. Sống dở chết dở thì đã quen quá rồi. Thành ngữ Việt hay chơi chữ, kiểu sống mòn tức là chết dần. Còn chuyện con mèo vừa sống vừa chết thì cụ thể quá. Khó tin quá.

*

Anh không biết con mèo đã xuất hiện trong phòng trọ lúc nào. Không có sự xáo trộn trong căn phòng này. Có thể là vì căn phòng vốn bừa bộn. Không một dấu chân mèo hay vết lông vướng dưới sàn nhà. Có thể là vì sàn nhà lâu nay không được lau chùi. Anh đi dép lê trong nhà, những viên gạch hoa màu xám dung túng cho bụi bẩn và phù hợp với tính lười biếng dọn dẹp của anh.

Buổi chiều, anh thấy con mèo nằm phơi râu ngủ ngon dưới chân tủ sách. Anh sụt sịt vài tiếng, con mèo chỉ rướn cổ một chút rồi lại nằm yên. Anh an tâm nó còn sống. Động tác của con mèo như một cô gái đang ngái ngủ. So sánh nghe có vẻ khập khiễng nhưng đó là cách anh thường đọc thấy trong văn chương. Anh không thích nghĩ kiểu sáo mòn ấy. Chỉ là bởi lúc nãy dắt xe qua dãy nhà trọ, anh thấy cửa sổ phòng đầu tiên mở toang. Cái lối đi chật quá, anh phải nghiêng người mới dắt được xe đi thông. Vô tình anh nhìn thấy cô gái đang ngủ trên giường. Tư thế kiểu con mèo trong phòng anh lúc này.

Rất có thể con mèo của cô gái. Phụ nữ thường thích mèo. Anh thì dửng dưng với tất cả động vật. Anh định sẽ đưa con mèo sang trả lại cô. Nếu không phải của cô, thì coi như tặng cho cô, hoặc nhờ cô cho nó ăn giúp.

Mèo đến nhà thường khó, chó đến nhà thường vui. Anh không quan niệm không mê tín, nhưng biết đâu người ta lại coi trọng vấn đề. Tự dưng đem con mèo đến nhà người khác, khéo lại bị trách oan. Nghĩ đến đó anh từ bỏ ý định lúc nãy. Thôi cứ cho nó ở lại đây. Phàm là động vật thì không dễ chết đói. Như anh.

Miếng cơm của anh có được nhờ cái phòng khoa học của trường cao đẳng. Anh làm chuyên viên nghiên cứu. Bảng tên đeo ngực, bảng tên để bàn, bảng tên gắn trước phòng chường ra cái tên anh với học vị thạc sĩ. Hồi mới đóng lên thấy cũng oách. Nhưng xứ này thay đổi xoành xoạch, chỉ mới năm năm thôi cử nhân thạc sĩ đầy rẫy ra. Ngoái lại thấy cái chữ học vị Ths, anh đọc là thừa sĩ.

Ba năm liền trường không tuyển thêm được khóa vật lý nào. Bây giờ sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm việc đã khó, huống hồ là cao đẳng. Cao đẳng như cái chỗ vớt vát mộng cử nhân. Cao đẳng như bước đệm để sĩ tử liên thông lên cấp cao hơn. Trong khi trường đang loay hoay làm thủ tục hồ sơ đề nghị nâng cấp lên thành trường đại học của tỉnh thì tạm ngừng đào tạo một số ngành. Thế là anh rảnh ra được một phần việc. Mà rảnh đúng cái chuyên môn chính. Thành ra coi như anh tới chỗ làm việc như chỉ để điểm tên rồi đến tháng lĩnh lương. Vô được biên chế như nắm chắc cái nồi cơm. Lo nghĩ nhiều chi cho đau đầu. Kể ra như anh là sướng nhất cái dãy trọ này rồi. Dân trọ đều là những người hoàn cảnh. Hoàn cảnh được hiểu là khó khăn.

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.

Phụ huynh trong xóm trọ thường lấy anh ra làm gương cho con cái noi theo. Đó đó, học cho giỏi như cái chú đeo kính cận ấy kìa. Anh cười khậc, chả biết đáp lại thế nào. Lại có lần bác xe thồ đi qua phòng thấy anh nằm lơ mơ mắt. Xe thồ bảo làm cán bộ nghiên cứu sướng nhỉ, thích ngủ lúc nào cũng được. Anh nghe nhưng giả vờ ngủ. Mở mắt ra chỉ tổ trêu ngươi họ. Mở mắt ra tức là anh đồng tình với nhận định của họ. Dần dần anh khép cửa nhiều hơn. Nhất là cữ cuối giờ chiều, lúc dân xóm tất tả đi về hối hả lo nấu cơm tối. Lại sục sạo chuyện đi làm cực nhọc bon chen đồng tiền tóa mồ hôi chảy nước mắt. Anh cảm giác như mình là kẻ lạc loài, một người bị thừa ra giữa đám dân lao động chân tay.

May mà có thêm cô gái ở phòng đầu tiên vừa mới chuyển đến. Như bao nhiêu cái xóm trọ ở xứ này. Thêm một người là thêm một hoàn cảnh. Thêm một người là thêm một câu chuyện dài bắt đầu được bàn tán. Cô gái trở thành tâm điểm của những cuộc đàm tiếu. Anh nghe được chuyện người ta xì xầm về cô. Ít nhiều anh thấy ái ngại thay cho cô.

Hôm sau anh không thấy con mèo trong phòng mình nữa. Tự dưng anh thấy thiếu thiếu. Lại cảm thấy một chút tiếc nuối ân hận. Anh đánh liều sang phòng cái cô gái có kiểu ngủ ngày như mèo.

Việc đầu tiên khi gặp nhau làm quen là hỏi tuổi tác. Cô tuổi mèo, anh cũng tuổi mèo. Cô nhỏ hơn anh đúng một giáp. Cô bảo tuổi mèo số cực khổ. Anh hỏi lại thế tuổi gì sướng. Cô cười, không biết, chỉ lấy mình ra để chứng minh tuổi mèo cực.

Cô tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn đã ba năm vẫn chưa xin được việc gì ổn định. Trước có đi hợp đồng dạy văn, lương mỗi tháng hai triệu đồng. Cứ ba tháng cô lại cầm một phong bì đựng năm triệu đồng đưa cho thầy hiệu trưởng để giữ chân hợp đồng. Chầu chực mong mỏi cơ hội có ngày vào được biên chế. Xong một năm học, trò nghỉ hè, cô nghỉ dạy. Chấm dứt nghỉ việc. Anh bảo kể ra như thế là dạy không công à. Cô kể thêm có những buổi trưa ở lại trường, cô chỉ ăn qua quýt một ổ bánh mì để chiều dạy tiếp. Tiết kiệm là quốc sách mà anh. Tiết kiệm từng đồng để đến kỳ có tiền mà đưa cho ông hiệu trưởng chứ. Anh há hốc mồm. Thế là nhịn miệng đãi khách à.

Rồi cô không còn hứng thú với việc đi dạy nữa. Một buổi sáng cô ngồi xem cha chẻ tre đan thúng đan nia. Cha cô bảo có gì hay mà coi với ngó. Ông bà ta xưa nói vô nghề đan thúng, túng nghề đan nia. Đằng nào cũng có việc cho kẻ cùng đường con ạ. Cô chợt nảy ra một ý định hay, đó là viết văn. Nhàn nhã làm thơ, bơ vơ viết truyện. Cô quyết tâm lên thành phố kiếm một chỗ trọ bình yên tập trung sáng tác, cộng tác tự do với các báo có trang văn nghệ. Xứ này người đọc ngày càng ít, người viết vẫn nhiều. Như một xu hướng chung của xã hội là cung vượt quá cầu dẫn đến ế ẩm. Cô vẫn giữ một niềm lạc quan là cái năng khiếu viết lách bẩm sinh sẽ mở cho cô con đường sống.

Anh cũng chia sẻ với cô chút ít về công việc của anh. Cô bảo em chả biết gì nhiều về vật lý đâu, nhưng em nghĩ chúng ta có điểm chung. Văn với vật lý là cùng vần "vờ". Anh tán thành, chua thêm: cùng vật vờ vất vưởng. Đất nước ngàn năm văn vật lo gì dân văn và vật lý không có đường sống, đúng không anh.

Sau hôm đó họ thân nhau. Mỗi ngày anh chỉ đến trường chừng ba tiếng đồng hồ. Cô lang thang kiếm sách kiếm báo một lát thì về. Thành ra hai người có nhiều thời gian tiếp xúc nhau hơn.

Buổi tối có tiếng mèo kêu. Cả xóm trọ ngơ ngác mở cửa nhìn nhau. Mèo nhà ai thế. Nghe rất gần như là chỉ bên kia bức tường, chỗ nhà bà thôi. Ơ, thế mà tôi lại cứ tưởng mèo bên nhà ông. Suýt nữa thì có cãi nhau to vì ai cũng tưởng mèo nhà bên cạnh kêu. Lúc ấy chín giờ tối, dân xóm đã rã rời mệt mỏi sau một ngày lao động cật lực thừa sống thiếu chết, không còn sức để cãi nhau, cũng không ai nghĩ đến chuyện đi tìm con mèo.

Khu trọ về khuya yên ắng, chợt có tiếng mèo kêu rống riết. Không có một tiếng mở cửa nào để xua đuổi cái tiếng não nề nhức óc, cái tiếng xui xẻo mè nheo. Chỉ có những âm thanh róc rách dội nước, sột soạt trở mình vì trằn trọc.

Sáng thức dậy thấy vài gương mặt bơ phờ mất ngủ. Cũng chẳng kịp hỏi thăm nhau có phải tối qua trắng đêm không. Rửa mặt qua loa ăn sáng vội vàng, cho con uống sữa đưa con đến trường, dắt xe ra tranh nhau cái lối đi kẻo suýt nữa kẹt xe muộn giờ làm bị trừ lương.

Lạ thay, con mèo thường không kêu ban ngày, khi cả xóm đi vắng hết. Hay mèo chỉ thèm kêu khi có người nghe nó. Hay mèo chỉ chực trêu ngươi chứ không thích kêu đổng. Anh đã kiểm chứng điều này nhân một buổi chiều không đến công sở mà chỉ ở nhà nằm dài người trên giường.

Lạ thay, lại xuất hiện một tiếng mèo kêu khác thường khi có người mới chuyển đến xóm trọ. Coi chừng xóm ngụ cư thành xóm mèo hoang đến nơi. Ông chủ trọ quản lý mười phòng, đến tháng đi thu tiền bảo chúng mày nuôi tiểu hổ đấy à, hay chúng mày thích ăn thịt mèo. Ơ, chúng cháu cứ tưởng nhà bác nuôi đấy chứ, bọn cháu làm thuê cơm không đủ ăn lấy đâu nuôi mèo.

Đêm mưa, mèo càng kêu to. Kiểu này là đường phố đang ngập lụt, bọn mèo không biết núp ở đâu nên chạy đến mấy cái xóm trọ. Chỉ những cái xóm trọ cấp bốn xập xệ mới có chỗ cho chúng nó ẩn nấp chứ nhà cao tầng kiên cố cổng cửa rào kín hết cả.

Cô đập cửa phòng anh. Cho em vào đây với, ở một mình trời mưa, lại nghe tiếng mèo sợ quá. Cô tuổi mèo mà cũng sợ mèo à. Em không sợ mèo, nhưng sợ tiếng kêu của nó quá. Chắc bị nhập tâm rồi. Ờ thì biết sao được, cứ ở lại đây, ta không thương nhau thì biết cậy nhờ ai vào đây nữa.

Họ thức trắng đêm tâm sự để không phải đau đầu về những âm thanh lạ.

*

Đúng cái lúc câu chuyện giữa hai người đến hồi chán ngắt thì lại nghe tiếng mèo kêu. Một tiếng kêu đau thương như sắp bị vật ra giết thịt. Một tiếng kêu rền rĩ như khoái cảm xung trào. Có tiếng mèo ắt hẳn phải có con mèo ở gần đây. Anh rủ cô chúng ta cùng đi tìm xem con mèo đang ở đâu. Có khi nó đang nguy hiểm, hay đang đói, hay đang hạnh phúc. Phải tìm ra nguyên nhân khiến cả xóm trọ đau đầu mấy bữa nay. Không thể cứ để nó hành hạ những người lao động cực khổ mãi được. Chí ít phải cho những người lương thiện có được giấc ngủ an lành chứ.

Hai người xuất phát từ chỗ phòng trọ, đi ngược hướng nhau để tìm. Hẻm lòng vòng nên đi một hồi họ lại gặp nhau. Lắc đầu chẳng thấy con mèo đâu. Họ lại trở về phòng trọ, không buồn không thất vọng, dửng dưng như chưa hề có chuyện đi tìm mèo. Hai người nhìn nhau mỉm cười. Nực cười thì đúng hơn, vì dù có tìm thấy con mèo thì cũng chả ích gì lúc này.

Hôm sau cô viết một truyện ngắn về chủ đề con mèo. Nhà văn có thể bắt gặp đề tài và cảm hứng mọi lúc mọi nơi. Nhà văn chộp lấy những câu chuyện ngay trên đường, kể cả khi chuyến đi không mục đích, như chiều nay.

Hôm sau anh có cơ hội đọc lại Schrodinger về thí nghiệm vật lý tưởng tượng có tên Con mèo vừa sống vừa chết. Nhà vật lý cũng có thể đọc mọi lý thuyết và thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần. Những thứ đọc một lần không hiểu, đọc nhiều lần sẽ hiểu, đọc thêm nhiều lần nữa sẽ có những luận giải thú vị.

Một tuần sau tờ báo cô thường cộng tác từ chối in truyện ngắn con mèo. Biên tập viên bảo rằng mèo đâu mà mèo, cô đang viết truyện người đấy chứ, ám chỉ cả một thế hệ như thế là in không được đâu.

Cũng ngày hôm đó tạp chí khoa học không chấp nhận nổi những đôi co của anh với nhà vật lý tiền bối đã mất. Họ bảo ông ấy đã làm cho giới khoa học đau đầu vì câu chuyện này lắm rồi, đọc thêm bài của anh chúng tôi chả hiểu gì cả. Vô thưởng vô phạt.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa vẫn có tiếng mèo kêu khản thiết. Anh và cô không thèm đi tìm con mèo, cũng không thèm đoán xem cái tiếng kêu đó là đang đói hay đang no, đang vui hay đang buồn. Thành phố bây giờ mèo như thế đầy rẫy ra. Bỏ công đi tìm một con mèo là chuyện vô ích. Thậm chí, con mèo đang sống hay đã chết cũng chả phải chuyện gì quá ghê gớm.

Tiếng mèo có thể gây mất ngủ. Quá bình thường! Tiếng mèo làm cho một nhà khoa học và một nhà văn phải đi tìm và cùng hẹn nhau sáng tạo trong lĩnh vực của họ - đến đây thì mọi chuyện đã trở nên khác thường. Cùng với giọng điệu giễu nhại, nghề nghiệp của cô gái và chàng trai - vốn đều được mặc định là nghiêm túc – bắt đầu “có vấn đề”, sự nghiêm túc bị lung lay. Điều đáng nói ở đây là cô gái và chàng trai đều nghiêm túc, và hoàn cảnh mới “có vấn đề”.

Hoàng Công Danh là nhà văn trẻ hướng đến sự tìm tòi. Anh sống và làm việc ở Quảng Trị.         

 L.A.H