Tôi chia tay Johannes đã ba năm. Ở Mỹ anh thấy thiếu bia Đức và món khoai tây với thịt muối - mà anh ấy gọi là văn hoá - và bỏ về Hamburg. Sau khi đọc bài báo ngu xuẩn trên, tôi thường nhớ anh. Anh có sự nghiệp nhiếp ảnh thời trang sáng sủa ở Đức. Sau khi bọn tôi chia tay, tôi thường tới quán Bremenhaus ở đường 86 và giở xem các tạp chí phụ nữ, phát cuồng lên vì ghen với các người mẫu mà trong ánh mắt họ tôi đọc được khát vọng tán tỉnh gã thợ chụp ảnh, tức Johannes. Hôm nay tôi thấy tên anh in nhỏ dưới bộ sưu tập áo tắm trong tờ Brigitte. Trông đám người mẫu có phần tẻ nhạt. Không, đúng là tôi đã không nhầm khi để anh ra đi. Nhưng dạo ấy, trước đây ba năm, tôi chưa biết gì về mối liên quan giữa bom nguyên tử, đàn ông và đàn bà trên ba mươi.
Như hồi trước, tôi mua của cô bán phô ma trong Bremenhaus một cục phô ma Tilsit, vì tôi ưa nghe tiếng Anh với giọng Đức. Tôi kệ cho cục Tilsit âm thầm bốc mùi trong giỏ, ngồi gẩy gẩy miếng bánh anh đào và tự hỏi, liệu tôi a) có thực sự tin là chính ở đây sẽ kiếm được người đàn ông hợp mình, và b) có thực sự muốn có chồng.
Càng ngắm lâu mấy mệnh phụ tóc nhuộm xanh ở bàn bên đang vừa hăng tiết xúc cả khay bánh kem vừa phàn nàn về thời tiết và sức khoẻ, tôi càng ghen tị với họ. Họ đã sống lâu hơn chồng, còn tôi thì sẽ mãn đời ở vậy.
Thực ra, từ khi biết Johannes, tôi không thấy thực sự thiếu đàn ông.
Đôi lúc, nếu có cảm giác nên cần chút sex cho sức khoẻ, cho tinh thần sáng tạo và nước da đẹp, tôi lại có vài quan hệ ngắn ngủi. Nhưng từ khi chuyện đó trở nên khó khăn thì tôi phát hiện ra rằng đi mua một đống đồ trong hiệu Chanel cũng có hiệu ứng giống hệt. Ngay sau đó tôi vẽ đẹp hơn, cảm thấy trong người thư thái hơn, và da tôi cũng sáng hẳn lên.
Chanel muôn năm.
Tôi đã thấy hối hận vì ăn bánh anh đào. Lợm giọng quá. Tôi cảm thấy mình bệnh hoạn, nghiện ngập, không đúng tinh thần Mỹ. Tôi đã bỏ ăn thịt sống và uống cà phê được vài tháng, còn thuốc lá thì cai được mấy năm rồi. Tôi theo dõi nghiêm ngặt lượng cholesterol, hạn chế đồ mặn, bỏ chất cồn, tập thể dục, cố tin tưởng như một người Mỹ là đã thực sự có ý chí thì làm gì cũng được. Từ ba năm nay tôi đến chuyên gia tư vấn tâm lý hằng tuần, trả trăm hai Dollar mỗi giờ để nghe động viên cũng như lời cảnh báo khẩn thiết trước bẫy tình. Cứ thế tôi xây đắp sự nghiệp. Ở New York. Và mua được cả một căn hộ ở Village.
Vậy thì tự dưng muốn có chồng là sao?
Sau ba năm tôi không thể đặt cho cô chuyên gia tâm lý của tôi câu hỏi ấy. Đó là vấn đề của người chớm phát bệnh. Chẳng lẽ công lao của cô đổ xuống sông xuống bể cả?
Tìm chồng ra sao? Từ khi bản thống kê ấy được đăng báo, các tạp chí phụ nữ luôn đầy những lời khuyên răn đủ kiểu. Trong mục “Không bao giờ cô đơn nữa: Phụ nữ sáng giá làm quen đàn ông như thế nào” các nữ độc giả kể phương thức đã giúp họ thành công. (Phụ nữ sáng giá là gì? Tôi? Thôi, cứ tự coi là thế.) Penelope, tiếp viên hàng không (28 tuổi): Đàn ông thường bắt chuyện, khi ta có thứ gì đó kỳ quặc trên người. Dĩ nhiên ta phải kiếm thứ gì mà ta thực sự thích, kẻo sau vài giây là cuộc gặp gỡ chấm dứt. Tôi có kinh nghiệm tốt với một thập tự kim loại lớn. Nghe hay đấy. Lời khuyên của Penelope chỉ có một điểm yếu: Cô ta mới 28 và theo thống kê thì chẳng cần đến cái thập tự kim loại ấy làm gì. Tôi thấy đáng tin Barbara hơn, một người làm chương trình truyền hình (36 tuổi): Ta nên quan sát kỹ nơi ta làm việc. Điều cốt yếu ở đây là lựa ra một ai đó không được tất cả các phụ nữ khác tán tỉnh. Tất nhiên ta cũng phải thích người ấy. Chị Barbara yêu quý ơi, ở ban biên tập của tôi chỉ có một ông sếp mà ai cũng xô vào tán tỉnh, và một tay dàn trang nhỏ quắt queo, lưng gù, kính dày như đít chai. Tôi mến anh ta, chắc chắn, nhưng tôi trẻ hơn chị ba tuổi, Barbara yêu quý ạ, tôi (chưa) việc gì phải cà cuống đến thế.
Ngược lại thì Judy, cố vấn thuế, đúng tuổi tôi (33). Cô viết: Tôi thường làm quen đàn ông ở cửa hiệu bách hoá. Một số quầy đặc biệt có triển vọng: đồ da, văn phòng phẩm và đồ điện. Chớ dại nằm mai phục ở quầy trang phục nam. Mọi người sẽ cho rằng ta đi kiếm sơ mi cho bạn trai. Ngăn đồ lót cũng thế. Đồ gia dụng thì ổn, vì ở đó đàn ông rất lúng túng. Tôi thì ngần ngại khi thấy cô viết là “thường” làm quen đàn ông theo kiểu này, vì lượng phế phẩm sẽ khá lớn. Nhưng cứ thử làm theo lời cô khuyên một lần xem sao.
Bốn hôm liền, cứ tan giờ làm là tôi đến hiệu Macy's, nhưng ở tất cả những quầy được Judy nồng nhiệt giới thiệu đều không có lấy một đàn ông duy nhất, toàn phụ nữ. Tôi nghi là tất cả đám này đến đây vì lý do giống tôi. Chúng tôi vờn quanh nhau như lũ mèo, quan sát nhau khi sờ nắn túi xách hay va li, thử bật lò nướng bánh mì hoặc máy đánh trứng, bảo nhân viên giảng giải cái máy chữ hàng tiếng đồng hồ, nhưng chẳng khi nào mua thứ gì, mà có mua thì cũng chỉ để nguỵ trang. Ánh mắt chúng tôi đảo điên ngắm các giá hàng, săm soi nhau đầy thù nghịch và cố đoán tuổi nhau. Quá ngưỡng băm bao lâu rồi?
Tôi mua số tạp chí mới để đọc mục “Phụ nữ sáng giá làm quen đàn ông như thế nào.” Hôm nay có bài của y tá Susanne (35): Chồng cũ của tôi không ưa chó, thế là chúng tôi nuôi một con thỏ. Khi ly dị tôi được xử quyền nuôi thỏ. Bây giờ đi đâu tôi cũng đem nó theo, nhất là lúc đi tàu hoả về Connecticut. Vô số đàn ông hấp dẫn đã xin ngồi cạnh tôi để vuốt ve con thỏ.
Tôi ước gì có một con thỏ nhỏ lông đen, tai trắng, nhưng bố mẹ tôi sống ở Wuppertal bên Đức chứ không phải Connecticut. Tôi đem con thỏ đi đâu được? Tôi đã hình dung ra mình cô đơn trong đêm ở ga New Haven, chuyến tàu cuối đi New York đã đi mất, và không thấy đàn ông hấp dẫn nào ngỏ ý muốn lại gần vuốt ve con thỏ.
Dạo này tôi đâm ra mơ ngày. Tôi mơ thấy một người đàn ông đang bóc trứng ăn sáng trong bếp nhà tôi, một người khác ngồi ở sofa của tôi, tay cầm ly Martini, một người đứng tắm dưới vòi sen, trên giường tôi thấy một người nữa, anh mỉm cười nhìn tôi đầy mong đợi.
Cô chuyên gia tư vấn tâm lý của tôi đã nhận ra cơ mặt tôi giật giật và nói, tôi có quá nhiều năng lượng xấu. Từ nhiều năm nay, thứ Tư nào tôi cũng tới đây lúc mười một giờ, và lần nào cũng thấy thoang thoảng hương nước hoa cạo râu, ghế nệm còn ấm hơi người trước. Đôi khi đến quá sớm vài phút và đợi ở phòng ngoài, tôi nghe một giọng trầm ấm. Nhưng tôi chưa thấy mặt anh ta bao giờ. Vốn là người ý tứ, cô chuyên gia tâm lý của tôi để khách ra một cửa khác, trước khi mời khách mới vào phòng.
Hôm nay tôi thấy giọng anh ta đặc biệt có cảm tình.
Cô chuyên gia khuyên tôi phải nghỉ phép.
Tôi xin nghỉ bốn tuần. Rời khỏi nhịp điệu công việc, sự thiếu vắng một người đàn ông càng nhói lên đau đớn hơn. Tôi gọi điện cho tất cả các bạn gái. Ai cũng ngập ngừng rồi thú thực là đang trong quá trình săn đuổi từ khi có bài báo trên. Cậu biết không, Margie (36) nói, từ khi đọc cái thống kê khốn nạn đó, tớ chỉ thấy trong gương một con mụ da sần vỏ cam và thoát vị đĩa đệm, không chồng, không giường đôi và không lương hưu. Tôi trách cô chỉ nghĩ đến vật chất, và cô gọi tôi là kẻ lãng mạn kiểu châu Âu khó đào tạo. Cô tìm một người đàn ông để chia nhau thuê căn hộ hai phòng tí xíu của mình. Mỗi lần đăng báo là có trung bình bốn trăm người quan tâm, Margie kể, và ai đã tìm được phòng ở Manhattan thì sẽ không bao giờ chuyển đi nữa. Trừ phi anh ta cưới vợ, tôi góp lời. Cô cụt hứng, cúp máy.
Hồi sinh viên tôi gặp vô số chàng trai như George Cloony. Điển trai, cơ bắp, răng đều tăm tắp và tràn trề lạc quan. Họ trốn đâu cả? Tóm lại là không có ai ở New York. Tôi cược là họ đã lấy vợ cả rồi, và vợ họ - sau khi đọc thống kê về bom nguyên tử và đàn ông - đã thở phào quay ra ủi quần áo hoặc hơn hớn bưng lon bia cho chồng. Chẳng hiểu tại sao hồi sinh viên tôi lại mê chàng trai Đức duy nhất ở trường? Johannes mặc đồ lót đẹp, bó khít, chứ không dùng thứ quần đùi lùng bùng, anh hút thuốc và nói về nghệ thuật, anh khác người Mỹ, anh giống tôi, hồi ấy.
Tôi không hề mong đợi tình yêu lớn. Tôi chỉ muốn được ngắm người đàn ông cạo râu lúc sớm mai, cùng anh xem bóng chày trên vô tuyến và làm ra vẻ thích thú, tôi muốn bọc cái gối thứ hai không chỉ để đề phòng, tôi muốn thấy chai Budweiser trong tủ lạnh và nước hoa cạo râu trong phòng tắm, muốn cùng anh nằm trên một tấm khăn tắm ở bãi biển và nghe anh nhận xét tôi có thân hình đẹp hơn mọi phụ nữ khác.
Đòi hỏi thế có quá nhiều không?
Trong phụ bản của tạp chí Village Voice có mời một số khoá học đáng để tôi chú ý: “52 cách tìm bạn đời”, “Trò chuyện một cách sáng tạo”, và “Mối quan hệ sáng tạo” cho người trình cao. Nhưng tôi chưa sẵn sàng đi học một khoá về vấn đề này và cùng những người trong hoàn cảnh tương tự phân vai tán chuyện một cách sáng tạo. Tôi thấy mình có ngốc đến thế đâu. Mẹ tôi vẫn hay nói, mỗi khi thấy một đôi lệch nhau: “Chẳng cái nồi nào méo đến nỗi không tìm được cái vung úp vừa”. Tôi tự hỏi, mình là nồi hay vung.
Con bạn Julie gọi điện và hồi hộp kể, ngày nào nó cũng đến điểm gặp gỡ của Những người nghiện rượu ẩn danh, ở đó có thể làm quen khá nhiều đàn ông hấp dẫn. Nhưng xưa nay mày có đụng vào giọt rượu nào đâu, tôi nói. Thì phải biết hi sinh chứ, cô đáp, bây giờ tao ngày nào cũng uống một chai bia, thậm chí hai. Tao phải biết để nói cùng chứ. Mà mày có biết không, dần dần tao còn thấy ngon nữa cơ! Nó khoái trá cười khúc khích.
Tôi lôi trong tủ ra chai Whiskey được các bạn ở ban biên tập tặng hồi sinh nhật năm ngoái và từ ấy vẫn ngủ im lìm ở đó. Tôi uống từng ngụm nhỏ như thuốc ho. Tôi không rõ có quen được rượu không. Nhưng còn có hội Những người nghiện thuốc lá ẩn danh nữa chứ. Sau hai năm, bỗng dưng tôi thấy thèm thuốc.
Tôi lấy cái gối và chai Whiskey, tựa cửa sổ nhìn ra. Cứ mỗi người đàn ông đẹp trai đi qua là tôi vẽ một vạch lên khung cửa sổ, nếu nhìn tàm tạm thì đánh dấu cộng. Tôi bỏ qua mọi đối tượng trên năm chục và dưới hai mươi. Sau ba tiếng, có 187 đàn ông đi qua dưới cửa sổ nhà tôi, trong đó 53 đi cùng phụ nữ, 3 thực sự đẹp trai và 7 tầm tầm. Quả là một tỉ lệ thảm hại. Một gã vô gia cư kéo cái thùng bìa cứng ngoài phố và nói chuyện với nó: “Nếu em hỏi anh lần nữa là anh có yêu em không, nếu em hỏi anh thêm một lần duy nhất…”
Tôi uống cạn chai.
Rồi ra khỏi nhà.
Trên Đại lộ 7 có một mụ bói tay ngồi trước bàn gấp. Mụ vẫy tôi và hét: “Số mệnh cô hiện rõ trên tay cô!”
Tôi thì tin chắc trên tay tôi hiện rõ: “Ế sưng ế sỉa”.
Tôi đi ngang một nhà hàng Trung Hoa rẻ tiền, bụi bặm. Johannes và tôi ăn tối ở đó, trước khi anh bay về Đức. “Sau này em có thể về”, anh nói. Lẽ ra anh nên nói: “Đi với anh. Anh xin em”. Cạnh nhà hàng có một hiệu mới mở, “Trung tâm yêu thuật”. Trong cửa kính xếp hàng loạt hộp xịt đứng ngay ngắn thành hàng, dùng để trị các lực tiêu cực, thói ganh tị, vài lọ nho nhỏ đề “Dầu sức mạnh” và dầu thơm “Đến với em”. Tôi mua gói “Đến với em”, cô bán hàng cẩn thận quàng lên cổ tôi một túi nhỏ xíu đựng hương tình yêu, vì đôi khi chỉ riêng mùi hương đã có thể tỏ ra công hiệu, rồi chia tay tôi với câu chúc tụng và nhắc tôi tư duy tích cực. Cái túi nhỏ nồng nặc xạ hương.
Cô chuyên gia tâm lý xác nhận tôi có mùi dao động tiêu cực. Cô đã học ở một khoá bổ túc cách ngửi ra các lệch lạc về tâm lý, đó là một khoa học Trung Hoa cổ. Trong khi cô kể lể, đột nhiên tôi thấy một sợi tóc bạc dài trên ghế nệm. Tôi lén nhặt nó đút vào ví. Lúc cô quay ra mở cửa, tôi vội nhòm vào tờ lịch trên bàn cô. Trước tên tôi lúc 11 giờ là “10 giờ L. Monteleone”. L. Monteleone với giọng trầm ấm. Tôi tưởng tượng ra một chàng người Ý đẹp trai tóc xám, vừa qua ngưỡng 40, có thể là một nghệ sĩ có vấn đề với thế giới, và tôi lục ví ngay - sợi tóc vẫn còn đó, hoặc một gã mafia béo ị khoác áo lông lạc đà đến xin điều trị vì lương tâm cắn rứt?
Liệu sợi tóc bạc dài có thực sự của anh ta, hay biết đâu là lông chó? Trên đường về nhà tôi mua một cái kính lúp. May quá, rất có vẻ là tóc người, hơi bị chẻ ngọn. Monteleone, một cái tên rất hay. L. là Ludovico? Luigi? Lino? Sáu ngày đến lần tư vấn sắp tới dài như sáu năm.
Thứ Tư sau tôi dậy từ sáu giờ, gội đầu, son phấn kĩ lưỡng và mặc chiếc áo dài đẹp nhất. Quá hồi hộp, tôi uống một ly vodka trong quán, trước khi xuất hiện ở phòng đợi đúng mười rưỡi.
Tôi lắng nghe giọng anh xa xăm, nó không chỉ trầm ấm, mà còn cực kỳ sexy. Tiếc là tôi không hiểu anh nói gì. Có một lúc tôi nghe như “Tại sao? Tại sao?” Tại sao chính hôm nay thì cô thư ký lại không trốn vào phòng vệ sinh hút thuốc như mọi khi? Tôi đang run lên vì sợ cô ta vừa bỏ thuốc trong tuần qua thì cuối cùng cô cũng lấy thuốc lá trong ngăn kéo, nháy mắt với tôi với vẻ đồng loã và biến mất. Cô ta vừa ra khỏi là tôi bật dậy và giật bung cửa phòng tư vấn. Anh không nằm trên ghế nệm, mà ngồi, giống tôi, khiến tôi rất cảm tình với anh, mái tóc xám buông dài đến vai. Cô chuyên gia và anh giật mình quay lại nhìn tôi. Trông anh rất góc cạnh, có thể không hẳn đẹp, nhưng có thể góc cạnh còn hay hơn đẹp gấp bội, tôi đoán anh khoảng trên bốn mươi một chút, tuổi đẹp nhất của đàn ông, anh không cao lớn lắm, nhưng chắc chắn không thấp hơn tôi.
“Có chuyện gì!”, cô chuyên gia tâm lý quát lên, và tôi ấp úng xin lỗi, tôi cứ tưởng đã mười một giờ, và đóng cửa lại, túa mồ hôi vì kích động. Tôi ngoáy mấy chữ cho cô thư ký, tôi đột ngột thấy mệt và không thể ở lại hôm nay.
Về đến nhà là tôi kéo màn cửa lại. Tôi thận trọng rạch chữ “l. monteleone” lên sáp, tên anh dài quá, suýt không vừa chiều dài cây nến. Đúng như lời dặn ở hiệu, tôi thoa dầu “Đến với em” lên hàng chữ, châm nến và hơ sợi tóc lên lửa, tim đập thình thình.
Nó xèo xèo cháy, nhanh hơn tôi có thể nhìn được. Nhưng cây nến cháy bốn tiếng hai mươi phút, và như cô bán hàng yêu thuật nhấn mạnh, trong chừng ấy thời gian tôi phải tập trung tinh thần nghĩ đến con mồi. Rốt cục khi ngọn lửa ngoằn ngoèo lụi hẳn thì tôi cũng ngủ thiếp đi vì kiệt sức.
Mấy tiếng sau, chuông điện thoại đánh thức tôi. Tôi mơ thấy mình ở Wuppertal. Mẹ tôi đan cái túi đựng giấy vệ sinh cho ô tô bằng len hồng và liên tục lẩm bẩm: “Chẳng cái nồi nào méo đến nỗi không tìm được cái vung úp vừa”.
Máy trả lời điện thoại mà tôi đã bật để không bị cuộc gọi nào quấy rầy khi tiến hành nghi thức, nay được kích hoạt và kể, rất tiếc là tôi hiện không có nhà, rồi đến tiếng “bíp”, tôi nghe tiếng thở rồi một giọng đàn ông trầm ấm, thân thiện cất lên: “Đây là Leonardo Monteleone, rất tiếc là chị không có nhà…”
Tôi phi trên giường xuống, ngoắc chân phải chăn, không tìm thấy điện thoại. Leonardo Monteleone, ôi chao cái tên trìu mến! “Tiếc quá”, giọng đó nói tiếp, “thôi thì, lúc khác vậy…” Tôi lồm cồm bò xéo qua phòng để vớ được dây điện thoại, đợi đã, đợi đã nào, tôi nói hụt hơi, em vừa vào đến nhà. “Tôi là Leonardo Monteleone”, anh nhắc lại với giọng Anh gần như người bản xứ. “Hôm nay chị để quên khăn quàng cổ ở phòng tư vấn tâm lý, hoạ tiết màu xanh lá…”
Tôi chẳng bao giờ dùng khăn quàng có hoạ tiết xanh. “À, vâng, đúng của tôi đấy.” Mùi xạ hương sực lên từ cái túi tình yêu dưới cằm tôi.
“Tôi có thể đem cái khăn qua nhà.”
“Không dám làm phiền anh...” tôi lắp bắp.
“Ồ”, anh ngắt lời tôi, “tôi không có ý sỗ sàng. Tôi quên béng là phụ nữ ở thành phố này không thích để đàn ông lạ biết địa chỉ của mình…”
“Anh không phải người ở đây?”, tôi hỏi.
“Không, tôi từ Đức sang.”
“Thật sao?” tôi buông giọng thờ ơ, “ở đâu bên Đức ạ?”
“Wuppertal, tôi không rõ chị có biết nó ở đâu không.”
Tôi gỡ cái túi tình yêu khỏi cổ và dúi xuống dưới gối.
“Tôi ở số 15 phố Leroy”, tôi nói chậm bằng tiếng Đức, “anh đến luôn đi.”
“Tốt quá”, anh nói, “tôi đến ngay đây”