- Ha ha ha ! Chúng tao cũng là cậu trời đây! Ha ha ha!
Không phải cậu trời! Chúng chỉ là tay chân, là những kẻ coi trời bằng vung, được cậu trời che chở. Chúng kéo nhau vào cửa hàng bánh đúc, ăn, vứt lá ra đường, rồi cả bọn đứng dậy cười ha ha, không ai dám hỏi tiền chúng, đụng đến tay chân cậu trời là đụng đến cậu trời, ai dám.
Người dân kinh thành Thăng Long sợ cậu trời như sợ cọp. Cậu trời chỉ có một, nhưng những kẻ được cậu trời che chở thì nhiều vô kể. Xe, ngựa của chúng chạy nghêng ngang trên đường. Chúng xả rác, xả bụi, thôi thì đủ thứ. Chúng bảo kê cho người này cướp của người khác. Người dân lương thiện chẳng ai dám hé răng. Chúng được cậu trời che chở. Cậu trời lại được nhà chúa che chở. Lớ xớ là ăn đòn, là mất nhà, mất đất, là bị kết tội mưu phản, bị tống vào ngục. Kêu trời ư? Trời là của các cậu trời, còn biết kêu ai! Người ta sợ cậu trời là phải.
Trong lúc những kẻ được cậu trời che chở làm loạn ngoài phố, cậu trời dẫm chân, kêu ầm lên với người chị ruột của mình “Em e…e…m thi… thích con bé đó, em thích… Chi…chị… phải hỏi nó cho em”. Người chị lấy tay bịt mồm đứa em ngang ngược: “Láo! Có im mồm đi không, phải gọi là công chúa!”.
Công chúa Ngọc Lan, con gái thứ hai của chính phi họ Hoàng. Ngọc Lan mảnh mai, xinh đẹp, lại thông minh nên được chúa Trịnh Sâm rất yêu mến. Từ nhỏ, Ngọc Lan đã ở trong cung thủy tinh, kiêng nắng, kiêng gió. Những người hầu hạ trong cung đều phải đi nhẹ, nói khẽ. Một tiếng động nhỏ cũng làm công chúa giật mình. Năm Ngọc Lan 16 tuổi, mỗi lần vào thăm cha, nàng đều được phép ngồi cạnh chúa. Không có điều gì nàng cầu xin mà chúa từ chối. Các quan vào hạng công thần, quý tộc, ai cũng muốn cầu hôn, nhưng công chúa vẫn chưa ưng một ai.
Tuyên phi Đặng Thị Huệ được chúa Trịnh Sâm yêu chiều, việc gì chúa cũng nghe theo Huệ. “Biết đâu, chúa cũng ưng thuận! Được làm rể nhà chúa, vây cánh, thế lực của ta càng mạnh chứ sao?” Huệ nghĩ. Chúa Trịnh Sâm khi nghe Huệ cầu xin gả công chúa Ngọc Lan cho em trai mình, trong lòng không vui. Chúa nói: “Để ta hỏi nó xem sao”. Thị Huệ ôm lấy cổ chúa làm nũng: “Phận làm con, xưa nay cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, nhà Chúa làm khác được sao?”. Chúa đành phải gật đầu.
Bấy giờ, cậu trời Đặng Mậu Lân đang ở ngoài phố. Chiếc xe có bốn ngựa kéo, hệt xe nhà chúa. Rèm che bằng gấm ngũ sắc, đầu càng xe bịt bạc, ghế ngồi dát vàng, có rồng chầu, hổ phục. Hai hàng lính hai bên, gươm giáo sáng quắc!
- Cậu trời, chạy đi bà con ơi, cậu trời.
Tiếng kêu dậy phố. Lần này cậu trời thật. Dù cậu trời thật, hay các cậu trời của cậu trời, dân chúng kinh thành cũng chạy dạt vào nhà, đóng cửa lại. Tội nghiệp, một cô bé chừng hơn chục tuổi ở phố tơ lụa chạy không kịp, ngã sấp xuống lề đường, ngất đi. Bà mẹ vừa chạy ra, chưa kịp đỡ con dậy đã bị đám lính túm lấy. Chúng cười ha ha, rồi kéo cả hai mẹ con xấu số đến trước mặt cậu trời. Thấy con bé trắng trẻo, dễ ưa đang ngất xỉu trên tay bà mẹ, cậu trời khoái. Cậu bảo đám tay chân vã nước vào mặt cho con bé tỉnh dậy. Con bé ngơ ngác nhìn. Cậu trời giống hệt một con vượn, tay dài, chân ngắn, mặt đen, mắt trắng, giọng nói lắp bắp “Nó, no, no, tinh…tỉnh rôi…rồi…Ta…ư ..ta…ư…thích…thích…nó”. Đám lính gạt bà mẹ ra . Cậu trời bế thốc con bé lên xe, mặc cho nó quẫy đạp. Bà mẹ chới với chạy theo, gào khóc…
Khi cậu trời lột hết quần áo, con bé như bừng tỉnh. Theo bản năng, con bé đưa hai tay che hai bầu vú của mình, nó khóc. Chuyện cậu trời từng xẻo vú các cô gái sau khi ái ân mà dân phố kinh hãi kể cho nhau nghe hiện lên trước mắt nó. Con bé nhắm mắt, lại mở mắt nhìn cậu trời trân trân. Hai tay vẫn giữ chặt hai bầu vú. Cậu trời phá ra cười khục khục, cậu tung lên, hạ xuống con bé trên tay như người ta tung hứng quả bóng vậy.
Một lần nữa, con bé sợ hãi ngất đi. Chiếc xe bốn ngựa kéo vẫn chạy nước kiệu trên đường. Hai hàng lính hớt hải chạy theo. Xe cậu trời đi qua những dãy phố im lìm, cửa đóng, then cài. Cậu trời ngửa cổ tợp một ngụm rượu, phun vào mặt nó. Con bé tỉnh lại, ngồi bật dậy. Cậu trời ôm lấy nó, vật ngửa ra. Con bé nằm im như chết. Cậu trời vân vê hai núm vú nhỏ nhắn, đỏ hồng, như hai chũm cau, thích thú. Như dự cảm được tai họa sắp xảy ra, bản năng sống của con người bỗng nhiên trỗi dậy. Dùng hết sức bình sinh, con bé cắn mạnh vào bàn tay phải của cậu trời. A ! á ! á ! á, cậu trời lắp bắp kêu. Cậu trời đã hiếp bao nhiêu cô gái? Cậu không còn nhớ. Có lần, bọn lính mang đến cho cậu một cô gái béo tròn, cậu trời vật ngửa ra, thích thú kêu “ Ôi ! trắng như lợn bột”. Sau khi vần vò tả tơi, cậu dùng con dao vẫn mang theo bên mình xẻo ngay bầu vú!
Không may cho cậu, bố cô gái bị hại lại giàu có, liền mang con về chữa chạy, cứu sống được cô gái và đâm đơn kiện lên quan. Viên quan không dám đụng đến cậu trời, chỉ xử tội bọn gia nhân, phạt tù đứa đã bắt con bé mang về cho cậu. Cậu trời hay tin, liền đến nhà ngục bắt bọn tuần canh thả tên lính bị tù, rồi cậu trời cho đám tay chân đến bẻ răng bố cô gái… Làm cả nhà kinh hãi. Câu chuyện được đồn đại khắp kinh thành. Từ đó không một ai dám kêu ca, hay đâm đơn kiện lại cậu trời. Người dân kinh thành Thăng Long gọi Đặng Mậu Lân là “Cậu Trời”. Cậu trời Đặng Mậu Lân hay quyền lực tối thượng không được kiểm soát đã làm nẩy nòi biết bao nhiêu cậu trời sau này!
Bị con bé cắn vào tay, cậu trời điên tiết, rút con dao nhọn, chợt cậu nhìn vào mắt con bé, đôi mắt nó như hai đốm lửa lóe lên giữa tàn tro nóng bỏng. Những đứa con gái bị cậu hiếp đều nằm bất động, như người chết, làm cậu trời chán. Cậu trời buông con dao, lấy làm thích thú. Cậu trời đưa con bé về phủ.
Những việc làm ngang ngược của cậu trời dần dần cũng đến tai chúa Trịnh Sâm. Nhưng, tuyên phi Đặng Thị Huệ luôn tìm cách bênh vực em trai mình “Thiên hạ vì ghen ghét thần thiếp mà đồn thổi những chuyện thị phi” - Thị Huệ ngọt nhạt với chúa như vậy. Với lại, không một viên quan nào dám tâu trình với chúa. Chúa Trịnh biết vậy, tuy đã trót nhận lời gả công chúa cho Lân, trong bụng vẫn có ý thương tiếc. Công chúa mảnh mai yếu ớt như vậy, chịu sao nổi một tên đàn ông cường bạo như thế. Sắp đến ngày công chúa phải về nhà chồng, chúa Trịnh lấy cớ Ngọc Lan chưa lên đậu, lên sởi để không cho phép Lân vào nơi công chúa ở. Sai quan a bảo cùng nhiều cung nữ đi theo hộ vệ công chúa. Lại sai Sử Trung Hầu giám chế, không cho Lân xâm phạm tới công chúa.
Đặng Mậu Lần mới chỉ nhìn thấy công chúa Ngọc Lan một lần nhưng sắc đẹp quý phái đã hớp hồn cậu trời. Một kẻ vũ phu như Lân, đã từng hiếp biết bao nhiêu cô gái để thỏa mãn thú tính, nhưng hắn chưa bao giờ biết yêu thương ai. “Gái… gai… đẹp kinh thành Thăng Long thiếu gì, ta cần, lúc nào chẳng có, nhưng… như… đã đồng ý gả cho ta rồi, sao lại không cho ta vào gặp nàng?”. Hắn bảo với Sử Trung Hầu như vậy. Sử trung Hầu đáp: “ Đó là ý chỉ của chúa thượng, không phải tôi dám như vậy”.
Thực ra, Đặng Mậu Lân cảm thấy lạ lùng, lạ với chính Lân, mỗi khi nghĩ tới công chúa Ngọc Lan. Nghĩ tới Ngọc Lan, hắn thấy lâng lâng, hắn thấy hắn không phải là hắn. Có hôm, hắn ngồi ủ rủ như một kẻ thất tình. Nhà chị em hắn ở làng Phù Đổng, một làng ven sông Nhị Hà, vừa trồng lúa, vừa trồng hoa. Thủơ nhỏ hắn thường gánh phân trâu trộn nước ruộng theo chị ra đồng tưới cho những luống hoa. Có một kẻ con nhà giàu thấy chị hắn có nhan sắc, tìm cách tán tỉnh thô bạo. Đặng Mậu Lân đã thủ con dao nhọn trong người, hễ kẻ đó đến gần, hắn liền rút dao. Một lần , suýt xẩy ra án mạng. May là chị hắn kịp can ngăn. Rồi Đặng Thị Huệ được vào làm nô tỳ cho tiệp dư Nguyễn Thị Vinh. Hắn ở lại làng, thay chị cuốc đất, trồng hoa. Với bản tính thô bạo, chẳng được học hành gì, người hắn lại giống như con vượn, hay nói lắp, gái làng chẳng ma nào để mắt tới. Hắn sống âm thầm cùng bố mẹ già trong ngôi nhà tranh, vách đất và dậy từ sáng tinh mơ gánh hoa lên chợ cho những nhà buôn đưa hoa vào kinh thành Thăng Long.
Hắn chưa biết thế nào là tình yêu nam nữ. Nhưng hắn cũng là con người. Nếu chị hắn không trở thành tuyên phi Đặng Thị Huệ, được chúa Trịnh Sâm yêu vì, hắn chẳng thể làm hại ai, trái tim hắn cũng có nhịp đập mà người đời gọi là tình yêu. Cái tình cảm trời ban cho người con trai và người con gái.
Từ khi trở thành cậu trời, hắn gần như quên đi gốc gác nơi hắn sinh ra. Hắn quên hắn là ai. Những kẻ vô học khi có quyền thế trong tay, thường trở nên độc ác. Thường trở nên ngang ngược, coi trời bằng vung. Và , những kẻ như vậy cũng rất ưa nịnh.
Thói đời vẫn thế , những kẻ đột nhiên có quyền lực thường rất ngông nghênh, thường có bao kẻ thèm khát quyền lực vây quanh, tung hô lên tận trời.
Lại nói, công chúa Ngọc Lan, cũng chỉ mới nhìn thấy hắn một lần, từ xa, nhưng chuyện về hắn người hầu vẫn kể cho công chúa nghe. Từ ngày nhà chúa đồng ý gả Ngọc Lan cho hắn, công chúa luôn giật thót người, nghĩ đến hắn, Ngọc Lan gần như ngất đi. Với bản tính dịu dàng e lệ và rất nhạy cảm, công chúa Ngọc Lan thường mơ mộng tới những công tử tài hoa, lịch lãm, dũng mãnh, như trong những câu chuyện mà nàng vẫn thường đọc. Ngọc Lan yêu thơ, nàng cũng làm thơ, nhưng giấu mọi người. Là người con hiếu thảo, nàng luôn nghe lời cha mẹ, chưa một lần trái ý phụ mẫu. Đặng Thị Huệ trở thành tuyên phi, làm loạn triều chính, nàng rất buồn. Ngọc Lan thường tự hỏi vì sao cha mình, một người thông minh, mẫn tiệp, quyết đoán như vậy lại say mê và nghe lời người đàn bà vô học và xảo quyệt như Đặng Thị Huệ. Buổi đầu, Ngọc Lan thấy cha mình thật đáng trách, rồi nàng tự an ủi: Mình còn quá trẻ để hiểu cuộc đời. Mọi hành động, suy nghĩ của con người, dù là người thường hay bậc vua chúa chẳng phải đều có lý do cả sao? Cha nàng đã từng nói vậy! Nàng yêu cha, ngưỡng mộ cha, một người luôn sống hết mình. Nàng chỉ sống hết mình trong ý nghĩ, trong mơ mộng, trong những đêm chìm đắm vào trang sách… Nàng cảm thấy mình thật mỏng manh, một tia nắng, một ngọn gió, một tiếng động nhẹ đều làm nàng giật mình, lo sợ. Từ khi cha nàng hứa gả nàng cho Đăng Mậu Lân, nỗi lo sợ càng tăng thêm. Một nỗi lo sợ mơ hồ luôn đè nặng trái tim nàng. Nàng gét sự ngu dốt, thô bạo, tàn ác, xảo quyệt… Nhưng sự đời thật trớ trêu, ghét của nào trời trao của ấy! Ai bảo nàng con nhà chúa muốn làm gì cũng được? Cha nàng là chúa, quyền lực tưởng vô biên, ấy vậy mà có một đứa con gái yêu cũng không giữ được! Bi hài làm sao! Quyền lực là thứ gì vậy? Sao người thông minh, nhân ái không được nắm giữ, lại để bọn ngu dốt, xảo quyệt thao túng, lấy làm trò chơi, đùa giỡn với mạng sống của con người!
Dân kinh thành Thăng Long truyền nhau cái tin lạ lùng: Cậu trời Đặng Mậu Lân ốm tương tư! Cậu trời ốm hay giả vờ ốm? Không ai biết! Chỉ biết phố xá được mấy ngày yên bình. Bọn tay chân của cậu trời cũng lẩn đi đâu mất. Giá có phép mầu để bọn cậu trời ấy chết hết đi, dân tình đỡ khổ!
Cậu trời không ốm. Cậu trời nằm ăn vạ giữa phủ đường. Ăn vạ ai? Ăn vạ nhà chúa. Cậu nằm ngửa trên tấm thảm in hình hai con rồng có móng vuốt dữ tợn. Cậu đập thình thình hai tay, hai chân xuống đầu hai con rồng oai nghiêm. Thảm hại thay những biểu tượng của quyền lực. Quyền lực vua chúa cũng nằm im dưới sự ngự trị của sự ngu dốt! Chả trách dân gian thường nói: vua cũng thua thằng liều!
Đám tay chân cậu trời tưởng cậu bị nhà chúa phạt, lẩn đi mỗi đứa mỗi nơi. Không ai dám đến gần cậu trời, cũng không ai dám đi báo với chúa. Có kẻ báo cho Thị Huệ biết, Huệ bảo “Kệ nó”.
Nằm ăn vạ mà không có người đền vạ, cậu trời Đặng Mậu Lân tức tối dùng thanh gươm vẫn mang theo để chém người đâm nát tấm thảm nhà Chúa. Nhìn những con rồng, con hổ thêu trên thảm biểu trưng cho quyền lực tối thượng mà xưa nay không ai dám dẫm lên, trừ Chúa, bị Lân băm vằm không thương tiếc, người trong phủ kinh hãi lắc đầu, còn Lân, hả hê đến điên cuồng.
Vẫn không vơi được cơn tức giận. Lân giận ai? Hẳn không phải giận trời, trời bấy giờ là Lân! Ha! Ha! Ha! Cậu trời, ta là cậu trời! Ta còn sợ ai! Chúa ư, chúa đã gả con gái cho ta, sao nhà chúa còn ngăn ta, không cho ta đến với vợ ta, vô lý, thật vô lý. Ta cứ đến, làm gì ta nào? Đứa nào cản ta! Có cản được thanh gươm của ta không. Ta cóc cần… Ta cóc cần… Lân hùng hổ dẫn đám tay chân đi về phủ công chúa.
Đến trước cửa phòng công chúa Ngọc Lan, bị Sử Trung Hầu ngăn lại, Lân tức giận bảo: Chúa… bao … bảo công chúa là tiên dưới trần ư? Ta đây cũng cóc cần! Bọn… bon … con gái đẹp ta có hàng đống. Ta có con vợ, ta phai… phải… vần vò chán chê… rồi... không thích, thì… thì ta… a…tống cổ nó đi… Biết điều thì nhà người mau cút… kẻo lại kêu ta không bảo trước.
Sử Trung Hầu tuốt kiếm ra, bảo:
- Ta thi hành mật chỉ của chúa thượng, người hãy lui đi!
Lân cũng rút kiếm ra, nói :
- Mày thử hỏi chúa, ở địa vi…vị… ta …a …ta… Chúa có nhịn được không?
Sử Trung Hầu đỏ mặt lên. Một kẻ ngông cuồng xưa nay chưa từng có:
- Nhà chúa không thể so sánh với người thường, quan lớn chớ quá lời như vậy!
- À …a …Mày đem chúa để dọa tao hả! Chúa là cái quái gì? Chúa cũng là kẻ háo sắc suốt ngày chui trong váy chị tao!
Dứt lời, Lân tuốt gươm chém Sử Trung Hầu. Sử Trung Hầu đổ gục xuống, máu bắn cả vào mặt Lân.
Sử Trung Hầu chết ngay tại chỗ. Đặng Mậu Lân dùng chân hất cái xác viên giám quan khỏi lối đi. Đám a hoàn trong phủ công chúa thấy ồn ào liền chạy ra. Họ kinh hãi. Hay tin, công chúa Ngọc Lan cho người chui qua ngách cửa đi báo với chúa. Chúa Trịnh Sâm giận lắm, sai viên quan hầu đốc thúc một đám lính đến bắt Lân. Người đầy máu me, Lân tuốt gươm đứng trước cửa dọa: “Đứa nào muốn chết thì … thi… đến gần đây”. Chúa phải sai quận Huy đem quân vây bắt Lân, giải về phủ giao cho triều đình xử tội.
Nghe tin cậu trời Đặng Mậu Lân bị bắt, người dân kinh thành Thăng Long nửa tin nửa ngờ. Nhiều gia đình chỉ dám ở trong nhà để bày tỏ nỗi vui mừng.
Các quan trong triều vốn rất ghét Lân, do sợ hãi mà im lặng, nay được dịp thi nhau kể tội cậu trời. Ai cũng nói tội giết giám quan đáng bêu đầu.
Thị Huệ hay tin, khóc lóc, đến quỳ trước mặt chúa xin chết thay em. Chúa bất đắc dĩ phải tha chết cho Lân, giảm xuống thành tội đi đày ở châu xa.
Cậu trời ngồi trong cũi tù có ngựa kéo nghênh ngang rời kinh thành Thăng Long. Bên cạnh là một người đàn bà còn rất trẻ, ước độ mười ba, mười bốn tuổi, bụng to vượt mặt, nghe nói đó chính là cô bé ở hàng bán tơ lụa mà cậu trời đã bắt về, nay tình nguyện đi đày theo cậu. Cậu trời Đặng Mậu Lân không những không buồn, còn hả hê lắm. Cậu Trời ngửa mặt lên cười ha! ha! ha!
Cậu cười vào mặt thiên hạ bởi cậu biết… Cậu sẽ có người nối dõi về sau.
Nhà vườn Sóc Sơn mùa nắng
L.A.H