> Giải mã chàng trai có khả năng truyền lửa
Hành trình tìm chủ nhân cuốn nhật ký
Cuốn nhật ký được cẩn thận gói kín bằng 3 lớp ni lông, loại vẫn dùng để bọc trái DKB hỏa tiễn là kỷ vật của một trong 6 liệt sĩ hy sinh được an táng trong khu vườn nhà ông Bảy Sáng ở ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên (Bình Dương).
Khi tìm được cuốn nhật ký, ông Sáng đã gửi đơn thư đến nhiều cơ quan chức năng trong tỉnh để tìm ra chủ nhân bởi tác giả đã ghi tên mình nhưng sau đó gạch bỏ. Bìa của cuốn nhật ký chỉ ghi 2 chữ “T-T” vì giữ bí mật trong vùng chiến khu Đ.
Cuốn nhật ký gồm 35 trang viết và 6 bức hình, trong đó có một tấm hình anh Nguyễn Văn Trỗi với dòng chữ: “Một Nguyễn Văn Trỗi ngã xuống - Hàng vạn Nguyễn Văn Trỗi đứng lên”.
Bên cạnh đó là hai tấm hình bé gái, một tấm hình cô gái trạc tuổi học trò, hai tấm hình cô gái trưởng thành, trong đó có một người chiến sỹ cách mạng đội mũ tai bèo với nụ cười rạng rỡ. Dòng chữ đầu tiên trong cuốn nhật ký được viết vào tháng 12/1962 và trang cuối là ngày 20/10/1966.
Sau khi nhận được cuốn nhật ký, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Dương lập tức tổ chức cuộc họp với sự tham gia của nhiều nhà cách mạng lão thành, cán bộ từng có thời gian chiến đấu và hoạt động ở vùng chiến khu Đ.
Tất cả có chung nhận định: tác giả của tập nhật ký là giáo viên hoặc từng công tác trên mặt trận tuyên huấn ở chiến khu Đ. Văn phong cuốn nhật ký thể hiện rõ đây là một cô gái Nam bộ.
Sau khi xác minh chủ nhân cuốn nhật ký không phải người Bình Dương, ông Sáng cùng đoàn tìm liệt sĩ tiếp tục nhận được nhiều thông tin, lúc thì ở Củ Chi, Tây Ninh, khi thì về Biên Hòa xác minh nhưng đều không thành công.
Khi đọc cuốn nhật ký, bạn trẻ ngày nay sẽ hiểu thêm về cuộc sống gian khổ của những thanh niên có lý tưởng cao đẹp đã chiến đấu vì độc lập tự do cho đất nước hòa bình như hôm nay. Các bạn sẽ có thêm động lực để học tập và lao động, xây dựng đất nước giàu mạnh
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương
Nguyễn Phạm Duy Trang
Thật bất ngờ, tại một buổi lễ kỷ niệm “50 năm giáo dục kháng chiến thời chống Mỹ” được Bộ GD&ĐT tổ chức 10/2012 tại Tây Ninh, những bức ảnh được mang đến đã gây xúc động cho những cán bộ lão thành cách mạng: Tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” này phải là đồng nghiệp, đồng đội của họ! Thông tin được xác minh: cô gái trong ảnh, chủ nhân cuốn nhật ký là học viên trường Giáo Dục Tháng Tám, khóa 2 tại Trung ương Cục từ năm 1964-1965. Lớp học được khai giảng vào ngày 30/5/1964 và bế giảng ngày 27/2/1965.
Những thông tin trùng khớp được công bố khiến cả đoàn tìm kiếm ngỡ ngàng. Ngày hôm sau, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm ở Phú Yên gọi đến xác nhận: Cô gái trong bức hình từng là học trò của tôi! Trong nhật ký của chị có đoạn kể: “Đêm mùng 1/1/1965, được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự mình rất phấn khởi. Mình phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bè bạn, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến. Phải tỏ thái độ dứt khoát bạn-thù, trước mặt kẻ thù không do dự. Qua lời kể của chú Năm, mình soi rọi bản thân, phải cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý của cách mạng…”.
Theo thầy Đàm, chú Năm trong cuốn nhật ký chính là ông Năm Diêu, dạy môn Triết học Chính trị, nguyên Trưởng Tiểu ban Giáo dục R. Danh sách những học viên khóa 2 trường Giáo Dục Tháng Tám cùng thời với chủ nhân cuốn nhật ký nay còn sống nhanh chóng được công bố. Họ xác nhận đó là nhà giáo Lê Thị Thiên quê xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hy sinh năm 1966 tại chiến trường miền Đông.
Ấp Ba Bèo nằm giữa hai dòng kênh Bang Xang và Kháng Chiến ở xã Mỹ Phước Tây khi cả đoàn tìm về hỏi, các cụ cao niên trong ấp xúc động trước tấm hình cô gái đội mũ tai bèo: “Đây là liệt sỹ Lê Thị Thiên, người trong ấp”. Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Văn, cháu gọi liệt sĩ bằng dì ruột cho biết: “Ông bà ngoại (tức ba mẹ chị Thiên) vừa mới qua đời. Trước lúc ra đi, họ vẫn đau buồn vì chưa tìm được hài cốt của con”.
Truyền lửa lý tưởng thế hệ Hồ Chí Minh
Những người già trong ấp kể lại, ngày xưa chị Thiên đẹp lắm, có chiếc răng khểnh bên phải. Ba má chị Thiên vì bị nghi ngờ đào hầm giấu bộ đội mà bị Mỹ-Ngụy tra tấn. Lòng căm thù giặc đã thôi thúc cô gái 17 tuổi tham gia cách mạng.
Cuốn nhật ký tràn ngập những suy nghĩ về lý tưởng sống của một thanh niên, một thế hệ trẻ đã sống, chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của quê hương đất nước.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương cho biết, tỉnh Đoàn thống nhất xuất bản và tặng sách “Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh” cho ĐVTN trong tỉnh và 1.000 đại biểu dự ĐH Đoàn toàn quốc.
Tuy nhiên, quá trình thẩm định và chuẩn bị cho việc xuất bản cần có thời gian nên đến thời điểm này chính thức phát hành nhật ký. Để tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa cuốn nhật ký này trong ĐVTN, Tỉnh Đoàn mở chuyên mục “Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh” trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Tỉnh Đoàn. Tỉnh Đoàn Bình Dương và Tiền Giang phát động cuộc thi viết cảm nhận “Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh”.
Cuộc thi đã cổ vũ, động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, từ đó khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước trong người trẻ.
“Cuốn nhật ký dày 35 trang chứa đựng lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và tình cảm trong sáng của liệt sĩ Lê Thị Thiên giúp tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm về gia đình, quê hương của người nữ chiến sĩ cách mạng mới 17 tuổi đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ, và hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 21. Những dòng viết rất thật, như chắt lọc từ sâu thẳm tận đáy lòng, như trải ra với những yêu thương, khát khao cống hiến vĩnh viễn là lý tưởng sống tuyệt đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”, chị Trang cho biết.
“Đồng chí Lê Thị Thiên, sinh năm 1945 tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, Tiền Giang; nhập ngũ ngày 8/2/1962, hy sinh ngày 10/10/1966. Đồng chí đã được tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng ba và truy tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng nhì”. Như vậy, từ thông tin trong giấy báo tử, đối chiếu với những trang nhật ký của chị về mốc thời gian là hoàn toàn trùng khớp.
Lê Quang Minh
* Ảnh do Tỉnh Đoàn Bình Dương cung cấp