Trường học đóng cửa vì làng không có trẻ con

TP - Một ngôi làng bên kia hạ lưu sông Thu Bồn, đã 15 năm nay cả làng không ai sinh con thứ 3, trường học đóng cửa vì không có học sinh nào mới. Đó là thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Đời sống người dân được cải thiện khi không sinh con thứ 3. Ảnh: Nguyễn Trang

Nằm tách biệt bên kia sông Thu Bồn, từ năm 1999 đến nay, đã hơn 15 năm, làng Triêm Tây không có hộ nào sinh con thứ 3, trường học cũng đóng cửa vì không đủ học sinh dự lớp. Ông Nguyễn Văn Bòng, trưởng thôn, cho biết: “Đến thời điểm này, cả làng chỉ có 26 trẻ học tiểu học nhưng học ở xã khác vì trường ở thôn không đủ học sinh mở lớp, và chỉ có vài em nhỏ theo học mẫu giáo”.

Diện tích Triêm Tây chỉ vỏn vẹn 17ha, dân số hiện còn 148 hộ, khoảng 700 dân, trong đó tỷ lệ hộ khá, giàu đạt 80%, hộ nghèo chỉ còn 4 hộ và 1 hộ cận nghèo. Các trường hợp nghèo và cận nghèo đều rơi vào những hộ có người già neo đơn, sống một mình. Kinh tế người dân vùng ven sông khá giả nhờ du lịch và làm nghề truyền thống như dệt chiếu, thợ xây, thợ nề và nghề mộc. Tất cả các quy ước không sinh con thứ 3 đều được làng tự giác thực hiện.

Ông Bòng kể lại, những năm trước 1999 khi mới có chủ trương không sinh con thứ 3, công tác vận động dân rất khó. “Làng tìm một người làm cộng tác viên dân số, sau đó cùng với tôi đi vận động dân không sinh con thứ 3. Những ngày đầu đi là bị dân đóng cửa không cho vào. Họ bảo mình bắt họ đi đặt vòng. Cứ gửi giấy mời đi khám bệnh thì tới ngày họ chối đi về quê, đi làm ăn xa…”, ông nói - Họ bảo đói họ chịu, con học yếu, họ chịu. Nhưng tôi nói họ, việc xin đất cấp làm nhà vì đông con thì xã hội chịu, nhà nước chịu. Vậy thì nghèo mãi không khá được.

Làng Triêm Tây mỗi năm luôn chịu lũ lụt, người dân di cư đi làm ăn ở nơi khác, trai tráng bỏ làng ra đi. Gia đình nào cũng cố gắng sinh nhiều con đặng có người làm kinh tế. Giờ đất khó giữ, mỗi năm lụt mỗi năm mất dần đất, sinh con nhiều thì làm sao có đất xây nhà.

 Rồi ông nghe ý kiến dân, để dân tự hiến kế không sinh con thứ 3. Các biện pháp đặt vòng, tránh thai không được dân đồng tình sử dụng, thì dân tự chủ động tránh thai bằng mỗi nhà một cách, miễn là không sinh thêm. Thậm chí, cộng tác viên dân số của làng còn “chiều” ý dân đưa sang tận bên kia sông phía thành phố Hội An để khám cho… chắc.

Từ đó, người dân ở làng bắt đầu thực hiện và tự nguyện không sinh con thứ 3. Trước kia, mỗi năm có 2-3 cặp sinh con thứ 3, giờ thì hết hẳn. Người ta đầu tư cho con cái học hành đàng hoàng. Ông Huỳnh Ngọc Phước có 2 con gái cũng thôi không sinh nữa, bây giờ hai con đều học ở Đà Nẵng. 

Nhà ông Trương Như Ý cũng sinh 1 trai, 1 gái đều cho con ăn học đến nơi đến chốn. Em Trương Văn Khánh, lớp 10 học bên Hội An may mắn hơn các thế hệ đi trước là được học hành và cuộc sống đầy đủ vì nhà em không sinh con thứ 3. 

Bà Huỳnh Thị Tờ, người dân trong thôn, cho biết: “Nghề làm chiếu thu về mỗi đôi chỉ có 50 nghìn đồng, nếu sinh con thứ 3 thì không nuôi nó học nổi, nên các gia đình đều cố gắng không sinh thêm. Con tôi bây giờ học xây dựng cả, rồi đi làm Đà Nẵng, Sài Gòn luôn”.

Nhờ đó, người dân Triêm Tây bắt đầu làm ăn, rồi cùng chung tay xây dựng làng Du lịch sinh thái cho khách du lịch tứ phương.

Từ năm 2007 - trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ duy nhất của làng cũng buộc phải đóng cửa vì không đủ học sinh. “Dân không sinh thêm thì học sinh mới không có. Năm đó từ lớp 1 đến lớp 4 chỉ có 20 em, giáo viên không thể phân bổ về mỗi lớp một người được, mà nếu ghép lớp thì không đảm bảo điều kiện học. Vậy là buộc đóng cửa, rồi con em trong làng phải sang xã Cẩm Kim bên cạnh học và đi thuyền qua bên Hội An để học cấp 2,3. Bây giờ trường học trở thành Nhà văn hóa của thôn”, trưởng thôn Nguyễn Văn Bòng, kể.