Otto Warmbier là ai?
Otto Warmbier (22 tuổi) lớn lên ở ngoại ô Cincinnati (bang Ohio, Mỹ) và là người con lớn tuổi nhất trong gia đình 3 anh em. Cha của Warmbier – ông Fred – điều hành một công ty kim hoàn nhỏ.
Warmbier tốt nghiệp trường Trung học Wyoming – một trong những trường công lập tốt nhất tại Mỹ và được cho là từng đạt điểm gần như tuyệt đối trong kì thi ACT – kì thi tuyển sinh đại học. Ngoài ra, bạn bè đồng trang lứa còn tiết lộ Warmbier là một cầu thủ bóng đá nghiệp dư xuất sắc.
Otto Warmbier muốn theo đuổi sự nghiệp về tài chính và từng đảm nhận một khối lượng công việc lớn khi theo học tại Đại học Virginia. Otto rất chú tâm vào chuyện học hành và theo đuổi một chương trình học khá nặng, bao gồm khóa học Kinh tế lượng cao cấp tại trường Kinh tế London và tham gia một nhóm đầu tư có uy tín của sinh viên.
Bạn học nhận xét Otto là một người có chút kỳ cục và cực kì nghiêm túc trong công việc. Bản lý lịch của Otto được đánh giá là “ấn tượng”.
Otto Warmbier làm gì ở Triều Tiên?
Đầu năm 2016, Otto Warmbier và 19 người khác tham gia tour du lịch Triều Tiên kéo dài 5 ngày to công ty du lịch Young Pioneer (có trụ sở tại Trung Quốc) tổ chức.
Chuyến đi của Otto được gọi là “Tour du lịch năm mới”. Trong đó, các du khách được tham quan nhiều địa điểm khác nhau tại Triều Tiên với sự giám sát chặt chẽ của nhân viên an ninh.
Cụ thể, Otto Warmbier được gặp mặt những người lính ở khu phi quân sự (DMZ) – vùng đệm nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc; được chụp ảnh dưới 2 bức tượng cao hơn 20m của nhà lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il ở thủ đô Bình Nhưỡng; đêm xuống, Warmbier cùng bạn bè được thưởng thức rượu và bia Triều Tiên đến tận sáng sớm.
Otto Warmbier (áo xanh) chụp ảnh cùng bạn tại Triều Tiên. Ảnh: Danny Gratton
Otto (đeo chụp tai) chăm chú chụp ảnh tại Triều Tiên. Ảnh: Danny Gratton
Otto (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm dưới chân bức tượng hai cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Il Sung và Kim Jong Il. Ảnh: Danny Gratton
Otto Warmbier (thứ tư từ phải vào) chơi ném tuyết cùng các bạn tại Triều Tiên.
Theo kế hoạch, Otto sẽ lên máy bay trở lại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 2/1/2016, sau đó tham gia tour tham quan kéo dài 10 ngày tại Hong Kong và Singapore, được tài trợ bởi Đại học Virginia. Tuy nhiên, khi chưa kịp xuất cảnh khỏi Triều Tiên, Otto đã bị bắt ngay tại sân bay Sunan (Bình Nhưỡng).
Vì sao Otto bị bắt?
Ngày 2/1, theo lịch, Warmbier và những người cùng tour đến sân bay Sunan để làm thủ tục xuất cảnh. Một đại diện của công ty Young Pioneer cũng tham gia quá trình này để đảm bảo mọi công việc được suôn sẻ.
Otto Warmbier là người cuối cùng trong nhóm tiến đến quầy check-in. Và người duy nhất chứng kiến cảnh Otto đối đầu với cảnh sát Triều Tiên là người bạn cùng tour vừa hoàn tất mọi thủ tục – Charlotte Guttridge (24 tuổi, người Anh).
Charlotte cho biết cô nhận thấy quá trình check-in của Otto kéo dài hơn bình thường và định bước đến hỏi thăm. Tuy nhiên, nhân viên an ninh sân bay khăng khăng yêu cầu Charlotte phải lập tức bước qua cửa kiểm soát.
Tại đây, Charlotte nhìn thấy Otto bị hai sĩ quan giải đi. “Otto!”, Charlotte hét lớn. Otto quay lại nhìn Charlotte rồi được dẫn vào một căn phòng ở bên phải khu làm thủ tục xuất nhập cảnh. Sự bình tĩnh của Otto khiến Charlotte an tâm phần nào. Cô nghĩ rằng có lẽ các nhân viên an ninh đưa Otto đi để kiểm tra hành lí hoặc các thiết bị điện tử. “Otto không bị ai kéo đi và cậu cũng không hề la hét”, Charlotte cho biết.
Cô gái trẻ ngồi chờ ở sảnh cho đến khi được loa phát thanh gọi tên lần cuối. Dù vẫn đang lo lắng cho Otto, nhưng Charlotte buộc phải bước lên chiếc máy bay Tupolev Tu-214 của hãng hàng không Air Koryo.
Ba tuần sau đó, truyền thông thế giới đưa tin Otto Warmbier bị bắt vì cáo buộc “chống phá nhà nước Triều Tiên dưới sự điều khiển của chính phủ Mỹ”. Trước đó, Otto đã lấy cắp một tấm biển in khẩu hiệu tại khách sạn quốc tế Yanggakdo.
Đến tháng 3/2016, Otto chính thức bị tòa kết án 15 năm tù khổ sai. Tại tòa, Otto bật khóc và nói: "Tôi đã có quyết định tồi tệ nhất trong đời. Nhưng tôi cũng chỉ là con người."
Trở về Mỹ trong tình trạng hôn mê
Sau khoảng 17 tháng bị giam giữ, hôm 13/6, Bình Nhưỡng phóng thích Otto Warmbier.
Trước đó, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ - Joseph Yun đã đến Triều Tiên để yêu cầu nước này thả sinh viên Mỹ. Otto lập tức được đưa về quê hương trong tình trạng mà chính phủ Triều Tiên gọi là “hôn mê”.
Hôm 15/6, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Cincinnati tổ chức một cuộc họp báo công bố chính thức về tình trạng của Otto. Theo đó, Otto Warmbier đã không thể nói chuyện hoặc cử động kể từ sau khi trở về từ Triều Tiên. Trạng thái này được mô tả là “sự tỉnh táo không hồi đáp” hoặc trạng thái sống thực vật kéo dài.
Giáo sư Thần kinh học Daniel Kanter cho biết Otto có thể tự mở mắt và nháy mắt, nhưng không có khả năng nhận thức ngôn ngữ hoặc phản hồi các hiệu lệnh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này được cho là do sự biến mất của các mô não ở tất cả các khu vực của não, hay nói ngắn gọn là “tổn thương não nặng nề”.
Thông tin do các bác sĩ cung cấp đã làm sáng tỏ lời tuyên bố trước đó của cha ruột Otto Warmbier, rằng con trai ông bị tổn thương não nghiêm trọng tại một thời điểm trong quá trình 17 tháng bị giam giữ.
Gia đình Warmbier cho biết họ chỉ được thông báo về tình trạng của con trai vào tuần trước.
Trong khi đó, các bác sĩ cho biết họ không nắm được bất cứ thông tin gì về sự chăm sóc mà Otto nhận được ở Triều Tiên. Ngoài một khuyết điểm nhỏ trên da gây ra trong quá trình chăm sóc y tế, các bác sĩ không tìm thấy bất kì vết nứt hoặc sự chấn thương nào trên cơ thể Otto, cũng chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy Otto bị nhiễm độc Botulism. Vì vậy chưa thể khẳng định chắc chắn về nguyên nhân gây ra những tổn thương não của Otto.
Sau khi thông tin Otto Warmbier được công bố, Tổng thống Donald Trump lập tức gửi lời chia buồn tới gia đình Warmbier và cho rằng nam sinh Mỹ đã phải đối mặt với "điều kiện khắc nghiệt" khi ở Triều Tiên.
Young Pioneer Tours, công ty lữ hành tổ chức tour đưa Warmbier đến Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ không tiếp tục tổ chức các tour du lịch đến Triều Tiên cho công dân Mỹ.