Trung Quốc 'sẽ không giành được sự tôn trọng' nếu mở rộng kho vũ khí hạt nhân

TPO - Theo một nhà phân tích, việc kêu gọi Bắc Kinh mở rộng kho vũ khí hạt nhân phản ánh mối quan hệ gập ghềnh với Washington và bất kỳ động thái liều lĩnh nào cũng có thể làm tổn hại đến uy tín của Trung Quốc.
DF-41, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc

Mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi kể từ khi Washington coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược từ năm 2017, và các nhà lãnh đạo theo quan điểm hiếu chiến ở Trung Quốc đã kêu gọi Giải phóng Quân Nhân dân Trung Hoa (PLA) bổ sung kho dự trữ đầu đạn hạt nhân để ngăn chặn một nước Mỹ “ngày càng phi lý”.

Lời kêu gọi mới nhất xuất hiện hôm thứ Sáu tuần trước, khi Hồ Tích Tấn, tổng biên tập tờ Hoàn cầu thời báo, đăng trên phương tiện truyền thông xã hội rằng Trung Quốc nên tăng số đầu đạn hạt nhân lên 1.000, với ít nhất 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, có thể bắn đến lục địa Mỹ.

Chúng là các tên lửa liên lục địa (ICBM) trên đất liền mạnh nhất của PLA và 16 trong số này có mặt trong cuộc diễu hành quân sự lớn vào ngày quốc khánh Trung Quốc năm ngoái - mỗi chiếc có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân. Hải quân Trung Quốc cũng đã thử tên lửa đạn đạo JL-3 phóng từ tàu ngầm, trong khi máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới, H-20, dự kiến sẽ giao hàng trong năm nay - mang lại cho Trung Quốc bộ ba hạt nhân tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom.

Bài đăng của Hồ nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên mạng truyền thông xã hội Weibo.

Trung Quốc là một trong năm cường quốc hạt nhân được công nhận theo hiệp ước về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân của họ được cho là tương đương với Anh và Pháp, với khoảng 200 - 300 đầu đạn.

Ngược lại, Mỹ và Nga mỗi quốc gia có hàng chục nghìn vũ khí hạt nhân ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, nhưng trong những năm gần đây đã giảm xuống còn khoảng 4.000 đầu đạn mỗi nước.

Theo Triệu Thông, một thành viên cao cấp trong chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, lập luận của Hồ và những người khác muốn có nhiều đầu đạn là không thuyết phục. Ông nói rằng căng thẳng gia tăng với Mỹ đã không biện minh cho việc dự trữ nhiều vũ khí hạt nhân hơn.

“Năng lực hạt nhân của Trung Quốc không được thiết kế cho một mối quan hệ tốt - do đó, mối quan hệ xấu [với Mỹ] không tạo ra sự khác biệt”, ông Triệu được SCMP dẫn lời. “Quan ngại về an ninh quốc gia trong môi trường quốc tế mới là điều có thể hiểu được, nhưng trong thực tế chúng vô căn cứ”.

Một lập luận từ giới diều hâu ở Trung Quốc là nước này có thể gặp bất lợi trong trường hợp xảy ra xung đột vì vũ khí hạt nhân được coi là răn đe chiến lược, trong khi Mỹ có vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Ông Triệu nói nếu Bắc Kinh mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình khi các cường quốc khác giảm số lượng thì Trung Quốc có thể bị buộc tội phá vỡ lời hứa và phá hoại các nỗ lực không phổ biến quốc tế và kiểm soát vũ khí - và điều đó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

“Việc xây dựng một kho vũ khí hạt nhân lớn có thể khiến một quốc gia trở nên đáng sợ hơn, nhưng nước đó sẽ không giành được thêm sự tôn trọng”, ông nói và rằng một động thái như vậy sẽ không giúp gì cho tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh.