Trong bài phát biểu ngày 1/7, Đại sứ Xing Haiming cũng bác bỏ những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc được đưa ra tại thượng đỉnh NATO, trong đó có phát biểu của ông Yoon với ngụ ý rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với “các giá trị chung”.
Phát biểu tại hội thảo nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc ngày 1/7, ông Xing chỉ trích Washington “ngăn chặn và đàn áp toàn diện” với Trung Quốc, cáo buộc NATO mở rộng hung hăng, đi ngược lại tuyên bố về phòng thủ.
Trung Quốc cực kỳ nhạy cảm về sự mở rộng của NATO, nhất là sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Vì thế, Bắc Kinh chỉ trích gay gắt việc các nước châu Á – Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand dự hội nghị thượng đỉnh tại Madrid năm nay với tư cách quan sát viên.
Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc NATO đang cố “nhân bản liên minh đối đầu ở châu Âu sang châu Á – Thái Bình Dương”, đồng thời cảnh báo bốn nước châu Á chớ “đưa liên minh quân sự về khu vực này và kích động chia rẽ, đối đầu”.
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo lên tiếng đáp trả hôm 28/6, nói rằng việc Trung Quốc phản đối Tổng thống Yoon dự sự kiện của NATO “không phù hợp với nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau”.
Đại sứ Xing cũng chỉ trích tài liệu khái niệm chiến lược mới mà NATO công bố hôm 29/6, trong đó gọi Trung Quốc là một “thách thức chiến lược” đối với các lợi ích, an ninh và giá trị của liên minh.
“Trung Quốc khuyên NATO nên dừng lan truyền thông tin sai lệch và phát biểu khiêu khích với Trung Quốc, chớ reo rắc hỗn loạn ở châu Á và thế giới sau khi đã làm rối tung châu Âu”, ông Xing nói.
Nhắc lại vụ Mỹ thả bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999 trong một nhiệm vụ của NATO, khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng, ông Xing nói rằng liên minh do Mỹ dẫn dắt “vẫn chưa trả món nợ máu”.
Trong bài phát biểu tại thượng đỉnh NATO, ông Yoon hàm ý rõ ràng chỉ trích Trung Quốc và Nga khi phát biểu: “Khi một cấu trúc mới của cạnh tranh và xung đột đang hình thành, cũng có một phong trào phủ nhận những giá trị phổ quát mà chúng ta đang bảo vệ”.
Bắc Kinh đang cảnh giác với khả năng chính quyền của Tổng thống Yoon nghiêng về Washington, sau khi cựu Tổng thống Moon Jae-in bị một số người chỉ trích là thân thiện với Trung Quốc.
Khác với Nhật Bản, Trung Quốc hy vọng giữ được quan hệ hữu nghị với Hàn Quốc, khi hai bên đang có quan hệ thương mại tốt.
Hàn Quốc trở thành ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh trong những tháng gần đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng ông Yoon ngay sau khi ông đắc cử vào tháng 3. Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn dự lễ nhậm chức của ông Yoon trong tháng 5.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát do viện nghiên cứu Pew công bố trong tuần này cho thấy chỉ có 19% người Hàn Quốc có quan điểm thiện cảm với Trung Quốc, trong khi với Mỹ là 89%.