Trung Quốc dùng “vũ khí” lịch sử và chủ nghĩa dân tộc

TP - Trong khi nhiều người chú ý máy bay chiến đấu tàng hình J-20, tàu sân bay Liêu Ninh, vũ khí tấn công siêu thanh Wu-14… của Trung Quốc, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng và chính sách đối ngoại Ted Galen Carpenter, Viện Cato ở Washington (Mỹ), lại cho rằng, vũ khí ghê gớm nhất Trung Quốc dùng để chống lại chiến lược xoay trục của Mỹ chính là lịch sử và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trong một bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ) hôm 16/7, ông Carpenter nhận định, chuyến thăm Hàn Quốc ngày 3 và 4/7 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ gửi một lời cảnh cáo đến CHDCND Triều Tiên rằng phải ngừng phớt lờ những mục tiêu của Bắc Kinh, mà còn lộ rõ ý đồ lôi kéo Hàn Quốc về phe mình. 

Hàn Quốc luôn được xem là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Đông Á, nhằm đối phó Trung Quốc và Triều Tiên kể từ thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, tâm lý này đang thay đổi sau khi chính quyền Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để Nhật Bản diễn giải lại hiến pháp hòa bình, cho phép nước này có quyền phòng vệ tập thể, đưa quân tham chiến ở nước ngoài.

Trung Quốc đã khôn khéo khoét sâu vào tâm lý Hàn Quốc cũng là một nạn nhân của phát xít Nhật kể từ cuối thế kỷ 19 đến khi kết thúc Thế chiến hai. 

“Ông Tập đã không bỏ lỡ cơ hội nhắc nhở giới chức Hàn Quốc và công chúng nước này về tội ác của phát xít Nhật giai đoạn 1930-1940. Ông cũng kịch liệt cáo buộc sự đối xử tàn khốc của Tokyo với người Trung Quốc và Hàn Quốc, ám chỉ mối liên hệ giữa số phận hai nạn nhân”, chuyên gia Carpenter viết.

Theo ông, lịch sử trước đó thực sự là một món hời với Trung Quốc nhằm chia rẽ Mỹ và hai đồng minh quan trọng ở Đông Á.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là một chính khách có quan điểm dân tộc mạnh mẽ. Cha bà là cố Tổng thống Park Chung-hee, từng là sĩ quan phục vụ quân đội đế quốc Nhật tại Mãn Châu trước đây, cũng là người theo chủ nghĩa dân tộc.

Bà Park thường bày tỏ thái độ phẫn nộ về việc Nhật Bản hạ thấp hoặc chối bỏ thực trạng những phụ nữ Triều Tiên bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục phục vụ quân đội phát xít Nhật trước đây. Vấn đề nô lệ tình dục thời Thế chiến cũng được Trung Quốc coi là đau thương chung của hai nước Trung-Hàn.

Theo chuyên gia Carpenter, Hàn Quốc giữ quan điểm khác biệt và gần với Trung Quốc về cái gọi là chủ nghĩa xét lại lịch sử của Nhật Bản. Nhưng bất chấp tâm lý chống Nhật trong các cựu chiến binh thời Thế chiến hai ở Mỹ và Úc, hai quốc gia này lại đang ủng hộ quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản.

Xét từ quan điểm của chính quyền Trung Quốc, Mỹ đang phá hủy trật tự khu vực Đông Á được thiết lập từ khi kết thúc Thế chiến hai. Theo chuyên gia Carpenter, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng được lãnh đạo Trung Quốc sử dụng như một công cụ nhằm bảo vệ đảng cầm quyền, chống lại những thách thức từ phía Mỹ và các đồng minh. 

Vấn đề lịch sử và chủ nghĩa dân tộc cũng được Trung Quốc dùng nhằm cố tạo lập quan hệ khăng khít hơn với Đài Loan, nơi ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Theo National Interest, Want China Times