Trung Quốc có thể dùng chiêu trò gì ở biển Đông trong thời gian tới?

TPO - Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Mỹ chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế vừa có phân tích sâu, nêu ra các kịch bản Trung Quốc có thể áp dụng trên biển Đông.
Tàu hải cảnh số hiệu 3901 lớn nhất thế giới của Trung Quốc trong một lần hoạt động ở biển Đông

Một trong các kịch bản này, được thực hiện khi Bắc Kinh cho rằng đã đến lúc cần phải quả quyết mạnh mẽ hơn các yêu sách của mình, khả năng cao nhất là họ sẽ tìm cách mở rộng quyền kiểm soát biển Đông theo các mục tiêu rộng lớn hơn là sắp xếp lại khu vực theo hướng có lợi cho mình và thay thế Mỹ. Đáp lại, Mỹ sẽ hành động để ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng thông qua các biện pháp gây hấn và ép buộc để duy trì vị thế Mỹ là người bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Một trong những chiến lược chính của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các yêu sách của mình trong quá khứ là tăng rủi ro cho những nước khác thực hiện các quyền của mình, ví dụ, quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia khác, quấy rối tàu cá và tàu quân sự.

Vào tháng 5/2019, Trung Quốc đã triển khai hải cảnh để đe dọa các tàu hỗ trợ ngoài khơi của Việt Nam phục vụ một giàn khoan gần bờ biển phía Nam Việt Nam, một khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. Động thái này đã dẫn đến một cuộc đối đầu quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam trong năm năm qua, với các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Việt Nam tiến hành tuần tra gần nhau và chính phủ Việt Nam đưa ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc ngừng lại hành vi này. Trong những tháng gần đây, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã có hành vi tương tự đối với một giàn khoan dầu của Malaysia ở biển Đông. “Trung Quốc có thể leo thang quấy rối thường xuyên hơn hoặc dữ dội hơn, bao gồm việc cho máy bay quân sự thường xuyên bay gần các giàn khoan dầu một cách nguy hiểm”, phân tích của CFR nhận định.

Tương tự như vậy, Trung Quốc có thể áp dụng các chiêu trò gây hấn hơn đối với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này có thể bao gồm chạy cắt mặt một tàu hải quân Mỹ, khóa radar vũ khí nhằm vào máy bay Mỹ hoặc thực hiện các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và khiêu khích hơn.

Hiện tại, Trung Quốc chủ yếu dựa vào việc bám đuôi Mỹ và đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ khi Mỹ và các nước khác tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phản ứng mạnh mẽ hơn, làm tăng rủi ro cho các lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực. Chẳng hạn, vào cuối tháng 6/2019, Trung Quốc đã thử tên lửa đạn đạo tầm trung hai lần ở Biển Đông. Các thử nghiệm này cản trở các quốc gia khác tiếp tế cho các tiền đồn của họ gần quần đảo Hoàng Sa và Mỹ coi đây là mối đe dọa từ Trung Quốc, có thể khiến các căn cứ và tàu thuyền của Mỹ cũng như đồng minh gặp nguy hiểm trong trường hợp leo thang quân sự ở Biển Đông.

Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp được tính toán để thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh sẽ cố gắng áp dụng các biện pháp này ở giới hạn phòng thủ, nhưng những thay đổi đơn phương như vậy sẽ đòi hỏi phải có phản ứng mạnh mẽ hơn từ các bên yêu sách chủ quyền.

Trung Quốc có thể bắt đầu bằng cách đưa các nhân tố mới để tăng áp lực lên các bên yêu sách. Ví dụ, khi quan hệ quân sự Trung Quốc và Nga ngày càng phát triển, Trung Quốc có thể khuyến khích Nga hỗ trợ các yêu sách của Trung Quốc bằng cách thách thức các tàu của Mỹ, như Nga đã làm gần vùng biển Philippines vào tháng 6/2019.