Sáng 26/4, tại không gian trưng bày Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức trưng bày chuyên đề Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh.
Hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2024), 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và mở cửa trở lại Không gian trưng bày hình ảnh và hiện vật về Mẹ Việt Nam anh hùng.
Trưng bày chuyên đề Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh là cách để bày tỏ lòng thành kính tri ân tưởng nhớ đến chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, các gia đình liệt sĩ và gia đình có công với đất nước, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong ở mọi miền đất nước đã cống hiến xương máu, công sức và tài sản cho cuộc kháng chiến cứu nước.
Chuyên đề Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh với 160 hiện vật và 70 hình ảnh tái hiện lại những ký ức thời mưa bom lửa đạn qua những câu chuyện kể về kỷ vật của người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Chuyên đề trưng bày gồm 4 phần: Hành trang của những chiến sĩ cách mạng, Những lá thư thời mưa bom lửa đạn, Tấm lòng hậu phương và Những kỷ vật trong lao tù đế quốc. Thời gian diễn ra từ 26/4 đến 12/9.
Giám đốc ban quản lý di tích danh thắng Quảng Nam cho biết trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và những năm tháng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người con thân yêu của dân tộc đã ngã xuống.
"Máu của mất mát ấy mãi mãi là niềm tự hào, là quá khứ không bao giờ quên để giáo dục hy sinh truyền thống về lòng yêu nước, yêu cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết trân trọng quá khứ, tiếp bước thế hệ cha anh trong việc gìn giữ và bảo vệ đất nước. Bên cạnh những con người đã từng sống, từng trải qua hoàn cảnh chiến tranh, thì các kỷ vật còn lại là những báu vật vô giá, kể lại với lớp người sau về những trang sử hào hùng mà dân tộc Việt Nam đã đi qua”, bà Hạnh nói.
Các kỷ vật là vật dụng, hành trang của người lính khi ra trận, được gìn giữ bởi những người thân, đồng đội, thậm chí cả những người xa lạ ở bên kia chiến tuyến... Một vài tấm ảnh, những trang thư, tấm áo, hay một mảnh vải dù, một chiếc ba lô... cũng đủ viết nên quá khứ hào hùng, chất chứa hạnh phúc, yêu thương và cả nỗi đau sinh tử.
Mỗi kỷ vật giản dị, đời thường nhưng ẩn chứa trong mình câu chuyện về hồi ức, câu chuyện lịch sử, cuộc đời của các anh hùng đã hy sinh, hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam.