Trồng cao su tại Đông Bắc: Thí điểm ồ ạt -trả giá đắt

TP - Dù không có trong quy hoạch nhưng các tỉnh Đông Bắc vẫn trồng gần 1.800 ha cao su. Trong vụ rét kéo dài năm 2010- 2011 hơn 87% diện tích cao su chết toàn bộ hoặc phải phá bỏ trồng lại.
Cao su chết rét còn khô gốc Ảnh: N.H

> 'Nhà đầu tư không tin đánh giá của Fitch'

Chết rét vì trồng tự phát

Theo quy hoạch phát triển cây cao su cả nước đến 2015 và tầm nhìn đến 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Đông Bắc (gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ) chưa có trong quy hoạch.

Song, 4 tỉnh này tự lập quy hoạch phát triển cao su với tổng diện tích giai đoạn 2009- 2020 là hơn 47.000 ha. Trong đó, tỉnh Lào Cai 11.500 ha, Yên Bái 12.200 ha, Phú Thọ 13.400 ha, Hà Giang 10.000 ha.

Tính đến tháng 12-2010, gần 1.800 ha cao su được trồng tại các tỉnh Đông Bắc. Hầu hết diện tích này là cao su đại điền, do các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN đầu tư theo hình thức liên kết.

Hộ nông dân có đất góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất và được tuyển dụng lao động làm việc cho công ty theo diện tích góp đất.

Với mô hình liên kết này, cao su được trồng trên diện rộng, nông dân phải cùng gánh rủi ro với doanh nghiệp trong trường hợp cao su chết hoặc sau này sản lượng mủ thấp, không có mủ.

Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (QH&TKNN), 4 tỉnh Đông Bắc này chịu ảnh hưởng rét đậm, rét hại cao hơn, sương muối kéo dài, trong khi khả năng chịu lạnh của cây cao su không tốt.

Chỉ qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài năm 2010- 2011, có 1.544 ha cao su bị thiệt hại, chiếm 87,4% diện tích cao su toàn vùng. Hà Giang có diện tích bị thiệt hại 1.157 ha.

Tại Yên Bái, trong 330 ha đã trồng, tỷ lệ chết lên tới 60%. Do tỷ lệ cây chết quá nhiều nên toàn bộ diện tích này cũng phải trồng lại.

Phú Thọ trồng 110 ha thì có đến 28 ha cây chết hoàn toàn…Với chi phí trong 1 năm đầu (chi phí khai hoang, công trồng, giống…) khoảng 60- 70 đồng/ha thì với 1.500 ha phải trồng lại, các địa phương và nông dân đã thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Vai trò của Bộ NN&PTNT ở đâu?

Dù chịu thiệt hại nặng nề sau đợt rét năm 2010-2011, nhưng với việc lập ra các công ty cao su trên địa bàn, sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương, công cuộc trồng cao su tại khu vực Đông Bắc vẫn không dừng lại.

Tính đến tháng 7- 2011, hơn 900 ha được trồng mới và trồng lại trên diện tích bị thiệt hại tại 4 tỉnh. Trong đó, trồng lại trên diện tích cao su bị chết rét là gần 600 ha.

Viện trưởng Viện QH&TKNN Nguyễn Văn Chinh cho biết, mặc dù không có trong quy hoạch của Chính phủ, nhưng các địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN đã tự quy hoạch 47.000 ha.

“Tôi đã báo cáo với Bộ rồi, chẳng có xây dựng, bổ sung quy hoạch gì cả. Tinh thần của chúng tôi là dẹp, không trồng cao su lại ở vùng này. Cao su trồng ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dứt khoát là chắc ăn, nhưng đưa cao su lên Đông Bắc, khí hậu khắc nghiệt như thế thì có cạnh tranh được không?”, ông Chinh nói.

Theo ông Chinh, hiện nay có mô hình cho thấy giống cao su chịu lạnh sống được ở Đông Bắc, nhưng với khí hậu rét hại, sương muối, giống cao su chịu lạnh hoàn toàn phụ thuộc Trung Quốc, thì không ai dám khẳng định 7- 10 năm nữa, sản lượng mủ thế nào, thậm chí có mủ hay không, thị trường ra sao.

Trong khi đó, chi phí từ khi trồng đến khi mở miệng cạo mủ của một hécta cao su lên tới 160- 170 triệu đồng.

Tại chỉ thị ban hành tháng 6-2011 do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng ký, Bộ NN&PTNT thừa nhận diện tích cao su bị chết rét tại Đông Bắc biến động theo địa điểm từ 20- 80% diện tích đã trồng.

Tuy nhiên, bộ này lại không có động thái rõ ràng yêu cầu các địa phương dừng ngay việc trồng cao su ngoài quy hoạch để tránh bị thiệt hại do thời tiết trong những năm tiếp theo.

Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 15-3, Bộ NN&PTNT vẫn chỉ khuyến cáo nhẹ nhàng: “Các tỉnh Đông Bắc cần thận trọng, cân nhắc lựa chọn được những tiểu vùng sinh thái có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp nhất để trồng thí điểm cao su diện hẹp”.

Trong một bản báo cáo gửi Bộ NN&PTNT, Viện QH&TKNN nhận định: “Do nóng vội trong phát triển cao su nên các công ty cao su và các tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ mở rộng diện tích trồng mới trong khi chưa trồng thử nghiệm; khảo sát và quy hoạch chưa kỹ, một số diện tích cao su trồng ở các tỉnh vùng Đông Bắc bị thiệt hại do rét nặng hơn các vùng khác, gây mất lòng tin của cán bộ và người dân trong vùng”.

Theo Báo giấy