Cuối tuần trước, Triều Tiên tổ chức lễ kỉ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động.
Để đánh dấu sự kiện này, một cuộc duyệt binh quy mô lớn đã được tổ chức lúc 0h ngày 10/10 ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tại buổi lễ, Chủ tịch Kim Jong-un đã có bài phát biểu vừa đanh thép vừa xúc động. Trong đó ông nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng vệ để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Điểm nhấn của lễ duyệt binh là sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, được cho là uy lực hơn cả Hwasong-15. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đưa ra một tuyên bố nói rằng Washington thất vọng trước động thái gia tăng căng thẳng của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
Trên thực tế, “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” là cụm từ được Mỹ nhắc đi nhắc lại trong suốt nhiều năm nay.
Hồi tháng 1/2017, chỉ vài tuần trước khi nhậm chức, ông Trump đã đăng đàn Twitter nói rằng: “Triều Tiên vừa tuyên bố họ đang trong giai đoạn cuối cùng của việc phát triển một vũ khí hạt nhân có khả năng tiếp cận các khu vực của Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra!”
Tuyên bố này của ông Trump mở ra một chiếc lược mới, gọi là “gây áp lực tối đa”.
Trong đó, Washington đặt ra mục tiêu thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân bằng sức ép, bao gồm lệnh trừng phạt và đe dọa chiến tranh.
Gần bốn năm sau đó, kết quả ông Trump nhận về không hề khả quan. Không có gì thay đổi, ngoài việc Triều Tiên vẫn không ngừng tiến bộ về công nghệ sản xuất vũ khí.
Ông Trump đã thử nhiều cách, từ đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, đến việc gặp Chủ tịch Kim Jong-un 3 lần. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, ông vẫn không đạt được thỏa thuận nào đáng kể với Triều Tiên.
Quyết định ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên của ông Trump có thể đáng được khen ngợi, vì giúp tránh xung đột vũ trang. Nhưng mục tiêu cuối cùng thì ông Trump vẫn không đạt được.
Đơn giản, bởi Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Điều này, với họ, không khác nào tự sát.
Vì vậy, dù sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng Triều Tiên chưa từng và cũng không bao giờ có ý định hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân.
Giới lãnh đạo Triều Tiên nhận thức được rằng không thể tin tưởng Washington. Vì vậy, bất chấp áp lực, họ vẫn tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân của minh và từ chối nghe theo lời kêu gọi của Mỹ về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.
Khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên bị đình trệ từ khoảng nửa cuối năm 2019, chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định không tiếp tục gia tăng áp lực. Thay vào đó, họ hạt Triều Tiên qua một bên và chuyển sang ưu tiên vấn đề Iran, Trung Quốc.
Việc Triều Tiên cho ra mắt ICBM mới ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ không phải ngẫu nhiên. Đó là lời khẳng định chắc nịch từ Bình Nhưỡng, rằng quan điểm đàm phán của ông Kim Jong-un đã, đang và sẽ không thay đổi.
Tổng thống Trump hiện đối mặt với viễn cảnh phải rời nhiệm sở, hoặc nếu trúng cử, sẽ phải một lần nữa đối mặt với ông Kim Jong-un. Và áp lực lần này thậm chí còn lớn hơn những lần trước đó.