“Như mọi người biết, Mỹ gợi ý về việc đối thoại. Nhưng quan trọng không phải lời nói, mà là hành động. Việc chấm dứt chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để giải quyết tất cả các vấn đề ở Bán đảo Triều Tiên. Do đó, vấn đề cấp bách phải được giải quyết trên Bán đảo Triều Tiên là phải chấm dứt dứt điểm chính sách thù địch mà Hoa Kỳ áp lên Triều Tiên”, Reuters dẫn lời ông Kim In Ryong, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc vào ngày 19/5.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang khi Bình Nhưỡng liên tiếp phóng thử tên lửa, trong khi Mỹ điều động hạm đội tàu sân bay đến Thái Bình Dương để “dằn mặt”. Bên cạnh đó, Mỹ và Hàn Quốc còn hợp tác triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cũng nhằm ngăn chặn động thái hạt nhân từ Triều Tiên…
Triều Tiên còn tuyên bố, sẽ phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công vào đất liền nước Mỹ và nhấn mạnh, chương trình này cần thiết để chống lại sự xâm lược của Washington.
Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump “dịu giọng” hơn khi nhận định tại cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng 4, có khả năng sẽ có “xung đột lớn” với Triều Tiên, nhưng ông thích một kết quả ngoại giao cho cuộc tranh chấp về chương trình hạt nhân và tên lửa ở Bán đảo Triều Tiên.
Sau đó, Trump còn cho biết, sẽ “vinh dự” gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hoàn cảnh thích hợp.
Nhưng liệu Mỹ sẽ chịu nhượng bộ trước điều kiện đặt ra từ Bình Nhưỡng? Hiện tại, để hai quốc gia này tìm thấy tiếng nói chung gần như bất khả thi.
Trước đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, Triều Tiên sẽ phải “chấm dứt tất cả các hoạt động bất hợp pháp và hành vi hung hăng không khu vực”.
Chưa kể, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley còn phản đối gay gắt việc Triều Tiên nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho quy trình sản xuất sodium cyanide, được dùng để tạo ra chất độc gây tê liệt thần kinh tabun và cũng được sử dụng trong khai thác vàng.