Họa sỹ nổi tiếng thế kỷ 20 Pablo Picasso từng nói đùa rằng: “Máy tính là thứ vô dụng. Vì chúng chỉ làm được việc duy nhất là đưa ra cho bạn những câu trả lời.”
Tuy nhiên vào thời đó, máy tính chỉ có khả năng tính toán hạn chế và thực hiện được những chức năng được lập trình cứng nhắc. Máy tính đầu thế kỷ 21 với sức mạnh tính toán phát triển mạnh đến mức đang đặt ra cho nhân loại ba câu hỏi thuộc loại hóc búa nhất trong thời đại ngày nay. Những câu hỏi mà thậm chí chúng ta còn chưa rõ ai là người có thể và có trách nhiệm trả lời.
Những tiến bộ đạt được trong một số lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ nano, robot và khoa học thần kinh đang khiến cho các nhà chính trị, các doanh nhân lẫn người tiêu dùng phải rất vất vả để cố gắng hiểu thấu đáo tác động của chúng về mặt chính trị, xã hội và đạo đức. Vấn đề đầu tiên, như vị chủ tịch hãng SpaceX Elon Musk tin rằng, “liệu trí tuệ nhân tạo có thể trở nên nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân hay không?”
Vì sao rất khó dạy cho máy móc lựa chọn hợp đạo lý khi gặp tình huống khó xử?
Nhiều thập kỷ qua Hollywood đã làm một số bộ phim khoa học viễn tưởng có chủ đề là những con robot phản bội và hủy diệt chính con người đã tạo ra chúng. Giờ đây những nhà bác học lỗi lạc như Stephen Hawking hay nhà đầu tư mạo hiểm Elon Musk, ông chủ của Tesla Motors và SpaceX, hết sức nghiêm túc bày tỏ nỗi lo sợ rằng những câu chuyện trong phim viễn tưởng sẽ xảy ra trong đời thực! Làm thế nào chúng ta đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo do con người phát minh ra sẽ chỉ được sử dụng để làm lợi cho loài người mà không phục vụ những mục đích vô đạo đức?
Có thể phải mất hàng chục năm nữa mới xuất hiện những siêu trí tuệ nhân tạo đủ năng lực đe dọa con người. Nhưng nguy cơ là có thật. Cuối năm ngoái Elon Musk, Peter Thiel và một số doanh nhân của Thung lũng Silicon cam kết đóng góp 1 tỷ đô la làm vốn cho một công ty phi lợi nhuận mới thành lập có tên OpenAI (trí tuệ nhân tạo mở) hoạt động nhằm mục tiêu đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo luôn luôn phải phục tùng ý chí con người.
“Rất khó để hiểu được trí tuệ nhân tạo nếu phát triển sánh ngang với trí tuệ con người thì sẽ làm lợi cho xã hội như thế nào. Cũng khó chẳng kém để hình dung ra trí tuệ nhân tạo nếu bị thiết kế hoặc sử dụng lệch lạc có khả năng làm hại loài người như thế nào,” các nhà sáng lập OpenAI viết trên một trang blog. Elon Musk đã tài trợ 10 triệu đô la cho Viện nghiên cứu Tương lai Cuộc sống thuộc đại học Cambridge để nghiên cứu ảnh hưởng nhiều mặt của trí tuệ nhân tạo đối với đạo đức và xã hội. “Công nghệ đang góp phần làm cuộc sống phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết nhưng cũng tạo ra khả năng tự hủy hoại của cuộc sống”.
Vấn đề nan giải thứ hai là làm thế nào phát triển được những chiếc ô tô tự lái có khả năng cân nhắc và phản ứng phù hợp đạo lý khi gặp phải tình huống khó xử. Những người lái xe luôn có khả năng cân nhắc chọn ra phương án “có đạo đức” khi gặp phải tình huống khó xử. Nhưng ô tô tự lái sẽ phản ứng thế nào khi gặp phải tình huống khủng hoảng có thực: trong trường hợp không thể tránh được gây tai nạn thì nó chọn đâm vào một xe nhỏ hơn hay đâm vào xe tải hạng nặng, hay chọn đâm vào tường chắn, hay chọn bẻ lái đột ngột (sẽ làm lật xe!) để tránh một bà mẹ trẻ đang đẩy xe nôi qua đường?
Từ năm 2012 đến nay Quỹ Daimler và Benz đã tiêu tốn khoảng 1,2 triệu bảng cho đội ngũ 20 nhà khoa học nghiên cứu về tác động xã hội và đạo đức của các xe ô tô tự lái và một số giải pháp cho những tình huống khó xử tương tự nêu trên. Lựa chọn đúng trong tình huống khó xử vốn xưa nay thuộc lĩnh vực bàn luận của các nhà triết học và đạo đức học. Giờ đây công nghệ ô tô tự lái khiến chúng trở thành bài toán thực tế đặt ra cho cả người mua xe ô tô lẫn các thành viên hội đồng quản trị hãng sản xuất.
Vấn đề thứ ba là những tiến bộ trong y dược học làm nảy sinh các tranh cãi về đạo đức. Liệu có nên cấm những người bình thường sử dụng các loại thuốc mới có khả năng tăng cường trí tuệ? Hai nhà thần kinh học Barbara Sahakian và Jamie Nicole LaBuzetta, trong cuốn sách Những hành vi xấu, nhấn mạnh những thách thức về đạo đức khi người ta sử dụng các loại thuốc tăng cường trí tuệ.
Vì sao chúng ta trong khi cấm các vận động viên sử dụng doping để nâng cao thành tích thi đấu lại có thể chấp nhận các sinh viên khi đi thi sử dụng thuốc tăng cường trí tuệ? Sinh viên trường đại học Bắc Carolina đang gây sức ép đòi giới lãnh đạo trường đại học điều chỉnh chính sách về sự trung thực và phải tuyên bố “hành vi sử dụng trái phép các loại thuốc” là sự lừa dối. Barbara Sahakian và Jamie Nicole LaBuzetta viết: “Dược phẩm có khả năng làm xã hội thay đổi một cách bi kịch và bất thường. Đã đến lúc phải thông tin rộng rãi về các cuộc thảo luận và tranh cãi xung quanh khía cạnh đạo đức khi sử dụng thuốc tăng cường trí tuệ và vai trò của chúng đối với tương lai của xã hội.”
Câu hỏi quan trọng hơn bao trùm lên trên cả ba vấn đề đã nêu là: ai chịu trách nhiệm đảm bảo rằng những tiến bộ công nghệ sẽ không bị lạm dụng vì mục đích sai trái?
Các hãng sản xuất đang rất thận trọng trong cuộc đua sản xuất ra ô tô tự lái.
Các quan chức chính phủ và nghị sỹ quốc hội đang phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách quan trọng quốc kế dân sinh sẽ không có nhiều thời gian xem xét khía cạnh đạo đức của công nghệ mới và cũng còn lâu mới đặt ra được các tiêu chuẩn hay luật lệ liên quan. Việc đề ra luật lệ, qui tắc hay tiêu chuẩn chẳng phải luôn luôn chạy theo sau diễn biến thực tế đời sống xã hội đó sao!
Thêm vào đó chính phủ các quốc gia thù địch sẽ hoàn toàn phớt lờ các luật lệ và qui ước quốc tế để lợi dụng các công nghệ tiên tiến, ví như công nghệ gene hay trí tuệ nhân tạo, vì mục đích nguy hại. Các trường đại học và viện nghiên cứu đang đi tiên phong quảng bá kiến thức và khởi xướng các cuộc tranh luận. Nhưng họ đang nhận tài trợ từ các cá nhân và quỹ tư nhân nên khó lòng đề xuất được giải pháp căn bản cho vấn đề này nếu giải pháp đi ngược với lợi ích của các nhà tài trợ.
Rút cục bản thân các công ty công nghệ phải tự kiểm soát việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến. Các công ty này là người hiểu rõ nhất những tác động ảnh hưởng và rủi ro tiềm tàng của công nghệ mới do chính họ phát triển. Chẳng hạn Google đã thành lập một ủy ban đạo đức để kiểm soát theo dõi các hoạt động nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.